11:09 29/11/2012

Việt Nam chăm lo quyền lợi của các dân tộc thiểu số

Bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam được tôn trọng; tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số được giảng dạy trong hệ thống giáo dục của Nhà nước. Hiện tại, 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, bưu điện...

Phiên họp lần thứ năm về vấn đề người thiểu số của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã diễn ra trong hai ngày 27 và 28/11 tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham gia của các đại biểu từ nhiều quốc gia trên thế giới cùng đại diện các tổ chức quốc tế. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ Hoàng Xuân Lương làm trưởng đoàn, đã tham dự phiên họp.


Thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam, ông Hoàng Xuân Lương đã có tham luận tại diễn đàn với nội dung “Một số thành tựu, biện pháp trong đảm bảo quyền các dân tộc thiểu số Việt Nam”. Thứ trưởng khẳng định đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển.


Đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển. Ảnh Internet.


Từ năm 1992 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện, đáp ứng quyền cơ bản và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số. Chỉ tính trong mười năm gần đây, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 38 luật trực tiếp liên quan đến các dân tộc thiểu số.


Để đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số, Quốc hội có Hội đồng Dân tộc, Chính phủ có Ủy ban Dân tộc nhằm tổ chức phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo và bảo vệ mọi quyền lợi các dân tộc thiểu số. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số (17,27%), trong hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 18%, cấp huyện là 20% và cấp xã là 22,5%.


Bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam được tôn trọng; tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số được giảng dạy trong hệ thống giáo dục của Nhà nước. Hiện tại, 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, bưu điện, 85% người dân tộc thiểu số được xem truyền hình, 92% người dân được nghe đài phát thanh.


Tham luận của đoàn Việt Nam cũng chỉ rõ, tuy đã đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng do cư trú ở vùng miền núi cao, điều kiện địa lý xa xôi, cách trở, nên việc đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, một bộ phận thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn, mức độ thụ hưởng các dịch vụ xã hội còn hạn chế.


Thứ trưởng Hoàng Xuân Lương cho biết trong thời gian tới, Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách. Nhà nước sẽ tăng cường nguồn lực để đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số; tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề đất sản xuất, nước sinh hoạt; đảm bảo quy chế dân chủ cơ sở. Nhà nước hỗ trợ người dân tộc thiểu số nâng cao năng lực, trình độ để tham gia hiệu quả vào bộ máy chính quyền các cấp.


Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số. Các dân tộc Việt Nam cư trú xen kẽ nhau, không có dân tộc nào tách riêng theo vùng lãnh thổ. Việt Nam sẽ triển khai có hiệu quả các nội dung điều ước, công ước quốc tế về nhân quyền trong đó có tuyên ngôn về quyền những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ.


Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Xuân Lương cho biết đến tham dự phiên họp lần này, đoàn Việt Nam hy vọng cộng đồng quốc tế hiểu thêm về chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến quyền của con người, đặc biệt là quyền của đồng bào các dân tộc thiểu số, các dân tộc và tôn giáo. Đoàn mong muốn góp phần để bạn bè quốc tế hiểu rõ Việt Nam, phản bác lại những thông tin sai trái của các phần tử chống đối, đồng thời ủng hộ Việt Nam làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền trong thời gian tới.



Tố Uyên - Hoàng Long (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)