12:05 25/12/2014

Việc phục hồi, tôn tạo Am Dược chưa đúng với phê duyệt

Di tích Am Dược thuộc cụm di tích phía Đông trong quần thể danh thắng Yên Tử (huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Tương truyền, đây là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông cho xây dựng làm khu điều chế thuốc Nam chữa bệnh cho nhân dân.

Di tích Am Dược thuộc cụm di tích phía Đông trong quần thể danh thắng Yên Tử (huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Tương truyền, đây là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông cho xây dựng làm khu điều chế thuốc Nam chữa bệnh cho nhân dân. Trải qua thăng trầm thời gian, di tích trở thành phế tích, đã được cấp phép cho tu sửa, tôn tạo. Tuy nhiên, cách trùng tu, tôn tạo của đơn vị thi công đã dấy lên nhiều quan ngại từ những người nặng lòng với di sản.

Theo sử sách ghi lại, Am Dược nằm ở sườn núi phía đông Yên Tử, nằm trong hệ thống chùa, tháp Yên Tử gắn liền với cuộc đời hoạt động của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng 8 năm Kỷ Hợi, Thượng hoàng (Trần Nhân Tông) từ phủ Thiên Trường vào núi xuất gia tu khổ hạnh”. Sau đó có đoạn: “Tháng 7 năm đó (năm Kỷ Hợi - 1299) dựng am Ngự Dược ở núi Yên Tử”.

Am Dược trở thành công trường xây dựng.


Hướng dẫn viên du lịch địa phương cho biết, theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, có vị đạo sỹ tên An Kỳ Sinh đến đây luyện thuốc và tu hành. Đến thời Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông về tu hành tại Yên Tử, ngài đã cho xây dựng Am Dược thành một xưởng bào chế thuốc. Các loại thảo dược quý của Yên Sơn và các vùng lân cận được chăm sóc thu hái, mang về bào chế thành thuốc dùng để chữa bệnh cho tăng sỹ, nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khó không có tiền mua thuốc. Trải qua những biến cố, thăng trầm lịch sử, trong nhiều giai đoạn, những ngôi chùa, di tích mai một dần. Nơi đây lại nằm khuất sâu trong rừng, nên du khách ít qua lại, chỉ có một số ít khách thích khám phá mới tìm đến.

Trụ đá cũ bị vứt ngổn ngang.


Theo lời kể của những người dân địa phương, di tích Am Dược chỉ còn tồn tại ở dạng phế tích, với phần nền móng cũ bằng đá, một góc bờ tường cũ trong khu vực khuôn viên, xung quanh có bờ kè đá, một góc tường cổ kính. Tuy nhiên, trên đường đến thăm Am Dược mới đây, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy một con đường mới toanh vừa được làm, với rất nhiều vết bánh xe cơ giới. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, con đường này mới được làm để cho xe tải chuyển vật liệu vào xây dựng Am Dược.

Tìm đến khu di tích Am Dược, chúng tôi không còn thấy bóng dáng của khu phế tích. Tất cả đã bị đào lên, phần móng bằng đá gạo của di tích cũng đã bị đào bật lên hoàn toàn. Trên khu vực móng đang đào, rất nhiều khung cốt thép đã được hoàn thành, chuẩn bị cho việc đổ móng để xây mới. Toàn bộ khu phế tích Am Dược trông như một “công trường” xây dựng, giữa ngổn ngang sắt thép, vôi cát... Những phiến đá với những họa tiết đẹp bị vứt ngổn ngang, không có mái che bảo quản như yêu cầu của Luật Di sản văn hóa. Chỉ duy nhất có bức tượng Phật nhỏ trên nền phế tích trước đây, được các thợ xây đặt lên bàn thờ. Theo lời của các thợ xây trên công trường, di tích Am Dược mới được đào móng và xây dựng khoảng nửa tháng nay.

Những phiến đá có họa tiết hoa văn nằm lăn lóc.



Ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết, hiện nhiều di tích tại Yên Tử đang trong quá trình trùng tu theo phê duyệt, trong đó có Am Dược, chùa Một Mái... Các đơn vị xây dựng, thi công đang đẩy nhanh tiến độ. Cũng theo ông Hải, việc trùng tu Am Dược nằm trong kế hoạch tạo thêm một điểm tham quan cho du khách trong quần thể danh thắng di tích Yên Tử.

Ông Hồ Chí Đức, Trưởng Ban Quản lý di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo hồ sơ, chùa Một Mái cũng như Am Dược đã được phê duyệt là những hạng mục được làm mới do cấu kiện cũ không giữ lại được nhiều. Đối với việc làm đường xuyên rừng Yên Tử để vận chuyển nguyên vật liệu thì là “do bên thi công cứ làm thôi, chứ không phải xin phép”, ông Đức cho biết.

Đường rừng bị xẻ và có dấu vết của xe cơ giới.


Theo ông Nguyễn Văn Khang, Phó trưởng Ban Quản lý di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, Am Dược được xây dựng lại thời Nguyễn đầu thế kỷ 19 và hiện chỉ còn lại là một khu phế tích, giá trị kiến trúc giữ lại không còn nhiều. Còn với chùa Một Mái, trước đây cũng đã sập đổ hoàn toàn, đến khi nhà sư Thích Diệu Nhàn về Yên Tử huy động sự đóng góp của nhân dân dựng lại chùa, nên giá trị kiến trúc của chùa cổ cũng không giữ được. Chính vì vậy, theo hồ sơ thiết kế, 2 công trình này sẽ được dựng lại theo kiến trúc thời Trần, tổng mức đầu tư 23,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo như thiết kế được phê duyệt tại Văn bản số 73/QĐ - DTTĐ của Ban quản lý Các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, thì quyết định “Đối với khu Am Dược là giữ nguyên mặt bằng cũ và tường đá cũ còn sót lại, dựng lại Am Dược theo kích thước mặt bằng hiện trạng, hệ tường bao che xây thêm vào tường đá hiện trạng, gia cố nền móng bằng cách ốp đá nguyên khối vào bệ móng...”.

Theo thiết kế được phê duyệt, có thể nhận thấy, việc thi công hạng mục phục hồi, tôn tạo ở Am Dược đang có nhiều sai khác so với quyết định của BQL Các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình thi công, để công trình phục hồi, tôn tạo di tích được thực hiện theo đúng quyết định, đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. 

PV