05:10 26/05/2019

Video SpaceX phóng tên lửa mang theo 60 vệ tinh, tham vọng phủ sóng Internet toàn cầu

10h30 tối 23/5 (giờ địa Mỹ), tập đoàn công nghệ SpaceX của nhà tỷ phú Elon Musk đã phóng tên lửa Falcon-9 mang theo 60 vệ tinh từ căn cứ không quân Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ).

Chú thích ảnh
Tên lửa hai giai đoạn Falcon-9 mang theo 60 vệ tinh. Ảnh: SpaceX

Theo BBC, 60 vệ tinh này dự kiến khi lên quỹ đạo sẽ góp phần hình thành một mạng lưới mang tên gọi Starlink có khả năng cung cấp Internet tốc độ cao toàn cầu đến khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các khu vực không có Internet hoặc kết nối chậm.

Mục tiêu của SpaceX là phóng gần 12.000 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất đến giữa năm 2020. Đây là một quá trình lâu dài và sẽ cần nhiều công sức, kế hoạch tiếp theo sau lần phóng này.

Trong một buổi họp trả lời báo chí, nhà sáng lập Spacex Elon Musk cho biết mỗi vệ tinh phóng lên nặng 227 kg, được gắn đa ăng ten thông lượng cao và một tấm lưới thu năng lượng Mặt Trời.

Chú thích ảnh
Khoảnh khắc tên lửa được phóng lên vào tối 23/5. Ảnh: SpaceX

Vệ tinh được trang bị động cơ đẩy bằng điện - một hệ thống phát ra các nguyên tử tích điện krypton để cung cấp lực đẩy. Động cơ đẩy cũng đóng vai trò giữ vệ tinh cố định vị trí trên bầu trời và đưa vệ tinh trở lại Trái Đất khi không còn khả năng hoạt động.

Với sự phát triển và mở rộng ngày càng lớn từ công nghiệp vũ trụ, nhiều chuyên gia lo ngại về số lượng vệ tinh “quá tải” có thể được phóng trong vài năm tới và làm thế để có thể giảm thải tắc nghẽn môi trường không gian.

Chú thích ảnh

Theo cơ sở dữ liệu của Liên minh Các nhà khoa học, hiện có khoảng 2.000 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất. Một khi dự án Starlink hoàn thành, vệ tinh được phóng lên quỹ đạo sẽ trở nên “quá tải”.

Các nhà khoa học lo rằng tình trạng đó dẫn đến việc “đường cao tốc” quỹ đạo bị tắc nghẽn, từ đó kéo theo va chạm và thải ra các mảnh vỡ.

Video mô phỏng vệ tinh khởi động khi được phóng lên quỹ đạo (nguồn: SpaceX):

Trong một tuyên bố, SpaceX cho biết thiết kế các vệ tinh của mình có khả năng tự theo dõi các mảnh vỡ quỹ đạo và tự động phòng tránh va chạm. Ngoài ra, vệ tinh Starlinks được chế tạo từ các thành phần bốc cháy nhanh chóng khi tái xâm nhập vào khí quyển đến 95% - con số vượt qua tất cả các tiêu chuẩn an toàn hiện tại.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức