11:17 07/11/2019

Video lô vũ khí Mỹ được chuyển tới Yemen bất chấp Quốc hội phản đối

Đoạn video vừa được đăng tải trên kênh CNN cho thấy một lô vũ khí hạng nặng do Mỹ sản xuất đã đến Yemen vào tuần trước, bất chấp nỗ lực từ các nhà lập pháp Mỹ ngăn chặn việc chuyển giao.

Chú thích ảnh
Vũ khí Mỹ sản xuất được nhìn thấy tại cảng biển Aden. Ảnh cắt từ video

Dựa trên hình ảnh video, các thiết bị quân sự và xe bọc thép Oshkosh đã được tháo dỡ từ một tàu vào thời điểm rạng sáng tại bến cảng thành phố Aden phía Nam Yemen.

Trước đó, dẫn các nguồn theo dõi số liệu cảng biển, tàu chở theo vũ khí – được xác định là tàu Bahri Hofuf đăng ký tại Saudi Arabia – đã dừng tại thành phố cảng Jeddah ngày 17/9 trước khi chuyển hướng tới cảng Sudan.

Sau đó, hệ thống phát tín hiệu của tàu bị ngắt kết nối, và chỉ kích hoạt trở lại vào ngày 29/10 khi tàu lúc đó đã ở cảng Aden.

Video thiết bị Mỹ tháo dỡ từ một tàu đỗ tại cảng Aden (Yemen):

Phản ứng trước những hình ảnh mới công bố, Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luần về độ xác thực của đoạn video. “Chúng tôi không thể bình luận gì về tính xác thực của đoạn video. Chúng tôi cũng không bình luận về bất kỳ cuộc điều tra nào liên quan đến khiếu nại vi phạm sử dụng thiết bị và dịch vụ quốc phòng được chuyển giao cho các đồng minh và đối tác”, một người phát ngôn của Lầu Năm Góc ngày 6/11 tuyên bố.

Sự kiện chuyển giao vũ khí mới nhất được cho là vấp phải sự phản đối từ các nhà lập pháp Mỹ - những người tìm cách ngăn chặn Tổng thống Donald Trump bán vũ khí cho Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) do có báo cáo cho rằng vũ khí Mỹ đã rơi vào tay các nhóm khủng bố tại Yemen.

Hồi tháng 7, Quốc hội Mỹ đã thông qua 3 nghị quyết nhằm ngăn chặn việc bán vũ khí cho Saudi Arabia và UAE, song nhà lãnh đạo Donald Trump đã phủ quyết ngay sau đó. Theo quy định của luật pháp Mỹ, những nước nhận vũ khí Mỹ bị cấm chuyển giao vũ khí cho bên thứ 3 mà không có sự ủy quyền từ Wasington.

Xung đột vũ trang ở Yemen giữa các lực lượng chính phủ do Tổng thống Abdrabuh Mansour Hadi lãnh đạo và phong trào Houthi bùng nổ từ năm 2015. Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiều lần gọi cuộc xung đột Yemen là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với ước tính 24 triệu người - gần 80% dân số của đất nước - hiện cần viện trợ và bảo vệ.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức