04:10 16/04/2016

Vì ý dân mà hành động

Nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn đội ngũ lãnh đạo mới của đất nước không chỉ cần biến lời nói thành hành động, mà những hành động đó còn cần trúng với ý chí, nguyện vọng và những bức xúc nhất của nhân dân hiện nay.

Trách nhiệm của lời tuyên thệ

Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, giống như một nét gạch nối với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tại kỳ họp này, bên cạnh nhiệm vụ tổng kết nhiệm kỳ công tác, tiếp tục xây dựng pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn có vinh dự và trách nhiệm to lớn là kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức.
Ảnh: An Đăng - TTXVN

Với ba chức danh lãnh đạo chủ chốt được bầu là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Chủ tịch Quốc hội cùng bảy vị trí lãnh đạo mới tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; ba Phó Thủ tướng, 18 “tư lệnh ngành” mới, tất cả đều với số phiếu đồng thuận cao, đây có thể được xem là một thắng lợi lớn của kỳ họp này, là một bước đi quan trọng nhằm sớm đưa Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII vào cuộc sống.

Lần đầu tiên theo quy định của Hiến pháp mới, các lãnh đạo chủ chốt là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước đồng bào, cử tri cả nước, nguyện đem hết sức mình để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đó như một cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo mới trước những thời cơ và thách thức của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm hành động để xử lý những vấn đề bức xúc tồn đọng trong mọi mặt đời sống xã hội hiện nay.

Mượn chủ đề của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) được tổ chức tại Hà Nội cách đây một năm, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) kỳ vọng rằng bộ máy lãnh đạo mới của đất nước sẽ “biến lời nói thành hành động” để xử lý những vấn đề mà lịch sử giai đoạn này phải gánh vác. Ông bày tỏ: “Lãnh đạo thời kỳ nào cũng vậy, cũng phải đi sâu đi sát vào dân, sát với thực tế; phải hiểu dân và xử lý những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn. Cần nhận định, phán đoán được những vấn đề sẽ xảy ra và có tầm nhìn để bố trí chiến lược dài hơi. Đặc biệt, nói phải đi đôi với làm, nghị quyết phải có hành động. Chỉ có như vậy thì lòng dân mới tin tưởng, đồng thuận”.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh thêm, tất cả những lời hứa, lời tuyên thệ đều là hình thức, thủ tục, nhưng trong cuộc sống thì hình thức, thủ tục thôi là không đủ. Điều mà cử tri và nhân dân mong đợi là người tuyên thệ phải có trách nhiệm thực hiện những gì mình hứa, còn nếu hứa mà không thực hiện thì sẽ mất uy tín, gây mất lòng tin ở nhân dân.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm đánh giá rất cao tinh thần đổi mới ở bộ máy lãnh đạo mới, cho rằng ngoài kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm thực tiễn qua thời kỳ đổi mới và hội nhập, thì tính đồng bộ của đội ngũ lãnh đạo này sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo tiền đề cho đất nước có những đột phá, tương tự như những đột phá ấn tượng của một số ngành như ngân hàng, giao thông, xây dựng… trong nhiệm kỳ vừa qua. Theo ông, chính từ những áp lực rất lớn liên quan đến quyền lợi của cử tri và cũng là những bức xúc lớn nhất của đất nước, những ngành ấy đã có sự xoay chuyển, đi vào xử lý những vấn đề trọng tâm và tạo ra sự chuyển biến.

Chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền

Sự kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo mới của đất nước là rất lớn, nhất là khi Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu cấp bách là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, đưa đất nước bước vào công cuộc “đổi mới lần thứ hai”. Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu sát sườn là phát triển kinh tế, còn có hai vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm, cũng là những bức xúc nhất của nhân dân hiện nay, đó là chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã ví tham nhũng như “giặc nội xâm” và vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia như “giặc ngoại xâm”. Thậm chí, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đã phát biểu rất mạnh mẽ rằng, chỉ cần làm được hai việc đó thì nhân dân tôn vinh các vị lãnh đạo đất nước lên đỉnh cao lịch sử và sẽ không bao giờ quên, còn mọi vấn đề khác chỉ là thứ yếu.

Cho rằng tham nhũng không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà đã lan rộng sang nhiều lĩnh vực nhạy cảm khác và tham nhũng không còn đơn lẻ mà có những mối liên kết vững chắc, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị đưa vấn đề phòng, chống tham nhũng lên vị trí hàng đầu trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. “Hãy coi việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm và quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí như quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc”, đại biểu Hùng nêu rõ.

Bày tỏ quan điểm rõ ràng về chống tham nhũng, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh: “Tham nhũng gắn với quyền lực. Người dân bình thường chỉ có thể ăn cắp thôi, hoặc ăn cướp là cùng. Nhưng tham nhũng là dùng quyền lực để mưu cầu lợi ích riêng cho mình, cho nhóm của mình. Cho nên, đấu tranh chống tham nhũng chính là căn bệnh của Đảng”.

Vì vậy, dẫn ca từ “Đấu tranh này là trận cuối cùng” trong bài hát Quốc tế ca, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng trận cuối cùng ấy không phải là trận đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bởi giặc ngoại xâm lúc nào đến là chúng ta đánh, không có trận nào là trận cuối cùng cả. Nhưng nếu Đảng không khắc phục được tham nhũng thì Đảng không giữ được lòng tin của nhân dân nữa, vì vậy phải coi đây là trận đánh cuối cùng.

Lòng dân đồng thuận cũng chính là yếu tố then chốt để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Để nhân dân hiểu đúng về vấn đề này chính là nền tảng căn bản để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên lòng yêu nước của đồng bào, mà như đại biểu Trương Trọng Nghĩa so sánh là lòng yêu nước giống như “chiếc nỏ thần”, nắm vận mệnh của đất nước.

“Bảo vệ chủ quyền là một nhiệm vụ, nghĩa vụ hết sức thiêng liêng. Nhưng hiểu thế nào là chủ quyền trong bối cảnh hiện nay là một điều không đơn giản. Những tranh chấp hiện nay, chúng ta phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của thời đại, mà cụ thể là luật pháp quốc tế. Vì thế, ta phải biết tập hợp lực lượng, nhưng ta cũng phải chia sẻ. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế cho người dân, nhận thức thế nào là chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chứ nếu không cẩn thận là sau này, cái khó đầu tiên không phải là vấn đề đối ngoại, mà ngay người dân có chia sẻ với mình không. Lâu nay, nếu nhìn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền, chúng ta hay nhìn nhiều vào ngoại giao và quân sự. Nhưng cái hết sức quan trọng và là bài học lịch sử, đó chính là lòng người. Chúng ta làm tốt nội trị thì ngoại giao mới mạnh được”, đại biểu Dương Trung Quốc nêu rõ.
Bảo An