11:06 03/11/2011

Vì sao Thủ tướng Hy Lạp muốn trưng cầu ý dân về gói cứu trợ mới?

Cả châu Âu ngỡ ngàng trước việc Thủ tướng Hy Lạp Papandreou muốn trưng cầu ý dân về kế hoạch giảm nợ cho nước này của Liên minh châu Âu (EU). Tạp chí Tấm gương của Đức cho rằng ông Papandreou đang đặt cược tất cả vào một quân bài, nhưng quyết định của ông là đúng.

Cả châu Âu ngỡ ngàng trước việc Thủ tướng Hy Lạp Papandreou muốn trưng cầu ý dân về kế hoạch giảm nợ cho nước này của Liên minh châu Âu (EU). Tạp chí Tấm gương của Đức cho rằng ông Papandreou đang đặt cược tất cả vào một quân bài, nhưng quyết định của ông là đúng.

Thủ tướng Hy Lạp Papandreou .

Đây là lúc người Hy Lạp phải tự quyết định về sự phát triển tiếp tục của đất nước mình. Đã từ lâu họ không có cơ hội thực sự làm việc đó. Từ một năm rưỡi nay, đất nước vốn kiêu hãnh này phải chịu sự quản lý của nước ngoài, trên thực tế không còn là một quốc gia tự chủ nữa. Họ chịu sự áp đặt của một bộ ba gồm Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Việc Thủ tướng Georgios Papandreou muốn trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ mới chẳng khác gì một hành động tuyệt vọng trong tình huống bi đát "Tự tử vì sợ chết". Cử tri cần phải quyết định xem họ có đồng tình với kế hoạch của EU hay không.

Hội nghị thượng đỉnh EU tuần trước đã quyết định các chủ nợ tư nhân sẽ xóa 50% nợ cho Hy Lạp. Trong tổng số trên 300 tỉ euro nợ công của Hy Lạp có khoảng 200 tỉ euro là nợ các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ, nên Hy Lạp có thể trút bỏ một gánh nợ lớn tới 100 tỉ euro.

Không phụ thuộc vào câu hỏi của cuộc trưng cầu ý dân cuối cùng sẽ ra sao, người Hy Lạp sẽ biểu quyết về việc nước mình sẽ ở lại trong Eurozone hay sẽ rời bỏ liên minh tiền tệ này. Chính phủ Hy Lạp có thể hỏi thẳng công dân mình: "Các vị muốn tiếp tục tiêu bằng đồng euro hay thích trở lại với đồng drachme?".

Cho tới nay, mối lo ngại lớn nhất của các nước thành viên Eurozone là Hy Lạp từ bỏ đồng euro. Theo công thức về "Ngày tận thế" của Eurozone, trước hết Hy Lạp giã từ đồng euro, sau đó Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sẽ đi theo và cuối cùng, Italia sẽ kéo cả liên minh tiền tệ này xuống vực thẳm. Nếu may mắn, chỉ còn lại một nhóm nhỏ được gọi là tiểu khu vực đồng euro Bắc Âu. Rõ ràng nguy cơ này là có thực nếu người Hy Lạp bác bỏ kế hoạch của EU.

Thủ tướng Papandreou được cho là đang đánh bạc với may rủi. Nhưng quyết định của ông cũng có thể xem là đúng, nếu xét những lý do sau:

Một là, Thủ tướng Papandreou cần một sự phê chuẩn cho hành động của mình. Chính sách của ông đưa ra đòi hỏi phải có những bước đi cực đoan, phải “thắt lưng buộc bụng” chặt chưa từng có ở một nước phát triển.

Hai là, phe đối lập ở Hy Lạp tìm cách phá rối. Sau một năm rưỡi chịu đựng, họ vẫn chưa hiểu rằng đất nước này hiện không thể chịu thêm sự cản trở vì lợi ích của các đảng. Ba là, Hy Lạp đang trong vòng xoáy đi xuống. Hầu như tất cả công dân là nạn nhân của chính sách khắc khổ, nhiều người trong họ không còn hiểu thế giới ra sao nữa và họ tham gia đình công. Kinh tế càng khó khăn thì lại cần tới những biện pháp mới, khắc khổ hơn. Nếu đa số người dân nhận thức được con đường mới mở ra sẽ đưa họ thoát khỏi khủng hoảng thì ám ảnh này sẽ sớm chấm dứt. Khi đó, người ta sẽ không ủng hộ đình công.

Có một số tín hiệu cho thấy, cuối cùng người dân Hy Lạp sẽ ủng hộ Thủ tướng Papandreou và không bác bỏ kế hoạch của EU. Đa số người dân đồng tình với ý kiến cho rằng phải chấm dứt tình trạng tồi tệ hàng chục năm qua.

Nhiều người chóng mặt vì tốc độ thay đổi, nhưng thực ra họ không phản đối sự đổi hướng. Kinh nghiệm ở những nước Eurozone khác cũng làm cho người ta can đảm lên. Cuộc khủng hoảng nợ đã quét đi nhiều chính phủ, ví dụ như ở Bồ Đào Nha và Ailen. Nhưng những đảng giành được đa số lại là những đảng công bố những biện pháp khắc khổ có phần khắc nghiệt hơn.

Cho tới khi diễn ra trưng cầu ý dân sẽ còn có nhiều tranh cãi về hai khả năng lựa chọn: Củng cố ngân sách một cách quyết liệt trong Eurozone hay để nhà nước phá sản và đưa lại đồng drachme vào lưu hành. Người ta sẽ thấy đây không phải là sự lựa chọn giữa thiên đường và địa ngục. Hai con đường đều khó khăn và nhiều thiếu thốn. Mỗi người sẽ phải tự quyết định xem con đường nào tốt hơn. Họ sẽ phải nghĩ xem họ có muốn đặt cược tài sản của mình với việc ra khỏi Eurozone hay không. Còn nếu trở lại với đồng drachme thì những gì họ dành dụm được chẳng còn bao giá trị. Khi đó, đồng drachme sẽ bị phá giá mạnh mà những món nợ vẫn tính bằng euro nên Aten sẽ phải sử dụng ngày càng nhiều drachme để trả nợ và Hy Lạp sẽ nhanh chóng bị phá sản.

Văn Long (P/v TTXVN tại Đức)