04:10 27/04/2021

Vì sao thảm họa COVID-19 ở Ấn Độ là cảnh báo về thế giới 'hai tầng'?

Khi đông đảo người dân ở London, Tel Aviv và New York đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng như bắt đầu nghĩ về việc du lịch hè, nhiều người vội cho rằng thế giới cuối cùng đã trở lại bình thường.

Chú thích ảnh
Một bãi hỏa thiêu người tử vong vì COVID-19 tại New Delhi. Ảnh: AP

Ở một số quốc gia có nền khoa học về vaccine phát triển, việc tiêm ngừa đã đem đến tác động tích cực cho các triển vọng tương lai. Khi số ca nhiễm, nhập viện và tử vong do virus SARS-CoV-2 gây ra giảm mạnh cùng với những nghiên cứu cho thấy sức mạnh bảo vệ của vaccine, giới chuyên gia dự báo thời cơ tốt đẹp sẽ quay trở lại sau 16 tháng khốn khổ.

Tuy nhiên, theo tờ Telegraph, những cảnh tượng đáng kinh ngạc xuất hiện trong tuần qua tại các nước như Ấn Độ và Philippines lại kể về một câu chuyện rất khác. Ở những quốc gia này, nơi mà việc triển khai tiêm chủng mở rộng vẫn chưa thành công, vài tuần gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ số ca mắc và tử vong vì COVID-19.

Virus SARS-CoV-2 đang náo loạn khiến hệ thống y tế nước sở tại gặp khó khăn. Các số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy thay vì suy giảm, số ca mắc mới đang ở mức cao nhất kể từ khi bùng dịch đến nay.

Sự khác biệt giữa hai bức tranh trên nhấn mạnh điều mà các chuyên gia y tế và kinh tế cảnh báo là một hố sâu trong thế giới ngày càng bị phân thành hai tầng khác biệt. Trong thế giới bị chia cắt này, sự bất bình đẳng do virus SARS-CoV-2 gây ra trong năm qua sẽ trở nên tồi tệ hơn khi khoảng cách giữa những người được tiếp cận và không được tiếp cận vaccine ngày càng tăng.

Các chuyên gia nói với Telegraph rằng triển vọng du lịch quốc tế và phục hồi kinh tế có nguy cơ bị chia cắt giữa những người đã tiêm vaccine và những người không có vaccine. Cách biệt này có thể khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói sâu sắc hơn nữa.

Đối với một số quốc gia, nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại và sự trở lại của hoạt động du lịch nước ngoài có thể chỉ phải chờ đợi vài tháng nữa. Tuy nhiên, ở những quốc gia không được tiếp cận vaccine, hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng chậm, thay vào đó, viễn cảnh đó có khả năng kéo dài sang năm sau hoặc thậm chí xa hơn.

Chú thích ảnh
Tại New Delhi, một bệnh nhân COVID-19 được gia đình đưa đến bệnh viện bằng ba gác. Ảnh: Telegraph

Các quốc gia này vẫn sẽ phải cân nhắc giữa các quyết định về việc có nên đóng cửa hay là tiếp tục gánh chịu tất cả những thiệt hại về kinh tế và xã hội.

Giáo sư Vivekanand Jha, Giám đốc điều hành tại Viện Sức khỏe Toàn cầu George ở Ấn Độ cho biết: “Thế giới sẽ trở nên rất bất bình đẳng, bất công bằng hơn nhiều so với chúng ta từng thấy”. Ông tin rằng các nước nghèo vẫn phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh vào năm tới khi chỉ một phần nhỏ dân số của họ được tiêm chủng.

Việc triển khai chiến dịch tiêm ngừa thành công ở các quốc gia như Anh, Mỹ và Israel đã trở thành những mô hình đáng kinh ngạc về con đường thoát khỏi đại dịch, nhưng những thành công này cho đến nay vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới. Trong khi Anh đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho gần 1/2 tổng dân số và Mỹ đã đạt tỷ lệ tiêm chủng 40%, con số này của trung bình thế giới vẫn chưa đến mức 7%.

Hàng loạt quốc gia chưa bắt đầu chương trình tiêm chủng. Trong khi đó, một số chính sách của các quốc gia giàu có và các cường quốc sản xuất vaccine, trong đó có Ấn Độ, nhằm ưu tiên dân số của họ đang làm chậm lại việc cung cấp trên toàn thế giới. Ví dụ, Pakistan mới chỉ tiêm được khoảng 0,5% dân số và hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn tài trợ vaccine của Trung Quốc.

Một lô hàng gồm 17 triệu liều vaccine AstraZeneca từ chương trình chia sẻ vaccine Covax dường như sẽ bị chậm ít nhất hai tháng. Nigeria cũng mới chỉ tiêm cho khoảng 0,5% nền dân số khổng lồ. Và trên toàn châu Phi, tỷ lệ này là 0,08%.

Tuần trước, WHO cho biết chỉ có 2% số liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới là ở châu Phi. Trong khi Anh hy vọng sẽ cung cấp đủ vaccine cho toàn bộ người trưởng thành vào tháng 7 tới, nhiều quốc gia sẽ không thể đạt được mục tiêu này cho đến năm sau hoặc xa hơn.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Llanelli, South Wales, Anh, ngày 9/4. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tuy vậy, khoảng cách chênh lệch này lại được giới chuyên gia đánh giá lạc quan về mặt phục hồi kinh tế. Geoffrey Okamoto, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói với Wall Street Journal hồi đầu tháng: “Tại Washington, DC, mọi người đang nói về thời kỳ bùng nổ kinh tế hậu đại dịch và bạn biết đấy, hãy để nền kinh tế Mỹ được tung cánh. Nhưng thực tế phũ phàng là đối với các nước nghèo nhất, họ sẽ không có vaccine cho đến tận năm sau”.

Thiếu vaccine và thiếu cả khả năng bơm tiền để kích thích nền kinh tế đồng nghĩa rằng các nước đang phát triển có khả năng phục hồi chậm hơn. Do vậy, thiệt hại đối với bảng cân đối tài chính của họ sẽ kéo dài hơn.

Khi khoảng cách vaccine ngày càng tăng, các quốc gia muốn bảo vệ lợi ích của họ khỏi COVID-19 có khả năng tiếp tục đóng cửa biên giới với những nước nơi đại dịch vẫn đang hoành hành, đồng thời tạo ra một sự phân chia khác.

“Những người có hộ chiếu vaccine sẽ được đi du lịch, những người khác thì không có quyền tự do đó. Ngay cả những người tương đối khá giả vẫn sẽ cảm thấy sức mạnh của sự phân biệt đối xử này”, Giáo sư Jha nhận định.

Giáo sư Trudie Lang, Giám đốc Mạng lưới Y tế Toàn cầu tại Khoa Y tế Nuffield của Oxford, cho biết: “Xét trên mọi cấp độ, về kinh tế, lệnh cấm đi lại vẫn được giữ nguyên, sẽ thật thảm khốc”. Bà dự đoán sự phát triển sức khỏe cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

“Nếu như bạn bị hạn chế đi lại, nếu như nền dân số của bạn vẫn bị giới hạn trong các chu kỳ can thiệp sức khỏe cộng đồng này, bạn sẽ càng bị bỏ lại phía sau hơn nữa. Tất cả những bất bình đẳng toàn cầu đó sẽ có nguy cơ cao hơn nữa".

Tuy nhiên, sự phân bố không đồng đều của việc tiêm vaccine này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến phần thế giới đã được tiêm chủng - vốn không thể tự cô lập và sẽ phục hồi trong tình trạng nguy hiểm. Khi mà SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi ở các quốc gia không có vaccine, nguy cơ biến thể mới có thể làm suy yếu sự tiến triển ở những nơi khác vẫn hiển hiện.

Cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ - nền dược phẩm của thế giới - đã chứng kiến việc vận chuyển vaccine đến các nơi khác bị trì hoãn khi Thủ tướng Narendra Modi ưu tiên giải quyết nhu cầu nội bộ trước.  

Giáo sư Vivekanand Jha cho rằng tình trạng phân chia trên toàn thế giới sẽ xảy ra và sẽ không bỏ qua các nước thu nhập cao. “Các đột biến sẽ xảy ra và chúng sau cùng sẽ lan đến đến châu Âu và Bắc Mỹ. Một số đột biến sẽ đánh bại các kháng thể đã được phát triển bằng cách tiêm chủng. Vì vậy mọi người vẫn cần cẩn thận với những đột biến này. Điều này nên củng cố khái niệm hợp tác toàn cầu, thay vì tạo ra sự bất công bằng”. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức