05:10 15/05/2020

Vì sao Syria không tung đòn S-300 nhằm vào máy bay Israel

Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu được cho là của Iran và Hezbollah tại Syria, nhưng Damascus vẫn chưa một lần khai hoả tên lửa S-300 nhằm vào máy bay Israel.

Chú thích ảnh
Ảnh chụp vệ tinh một kho chứa ở Homs, Syria trước và sau khi bị phá huỷ hoàn toàn trong cuộc tấn công của Không quân Israel hôm 1/5/2020.

Không quân Israel "thoải mái" ra vào Syria 

Theo tờ Haaretz, hàng trăm cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu được cho là của Iran và Hezbollah ở Syria, do Không quân Israel thực hiện, thường được các chuyên gia coi là thành tựu quan trọng nhất của Tel Aviv trong “Chiến dịch Giữa các cuộc chiến”.

Đó là tên của một chiến dịch đang được Lực lượng Quốc phòng Israel và cộng đồng tình báo nước này tiến hành chống lại các quốc gia đối địch, bao gồm Iran, Syria, Iraq và các tổ chức bị Tel Aviv coi là khủng bố như Hezbollah, Hamas, hay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và bán đảo Sinai.

Ấn tượng trong chiến dịch này là những màn trình diễn và kinh nghiệm đáng nể của các phi công Không quân Israel (IAF) và hệ thống tác chiến điện tử, tình báo và kiểm soát trên không của họ trong việc bảo vệ và tránh được các hệ thống phòng không của quân đội Syria.

Trong 7 năm qua (cuộc tấn công đầu tiên được cho là của Israel vào Syria diễn ra vào tháng 4/2013), các hệ thống phòng không Syria đã phóng ít nhất khoảng 700 tên lửa vào các máy bay chiến đấu của IAF. Nhưng chỉ có một quả tên lửa bắn hạ được một máy bay chiến đấu F-16. Phi công và hoa tiêu Israel kịp phóng ra ngoài và được đưa đến bệnh viện để điều trị. Sự việc xảy ra năm 2018, khi chiếc F-16 đang bay ở miền Bắc Israel trong một nhiệm vụ phòng thủ sau vụ tấn công xe chở một chỉ huy người Iran từng điều máy bay không người lái xuất kích từ Syria tấn công Israel. Máy bay rơi được cho là do lỗi của Không quân Israel, hơn là thành công của Syria.

Chú thích ảnh
Một hệ thống S-300 có thể cùng lúc theo dõi 24 máy bay địch, hoặc bắn loạt 16 tên lửa đạn đạo, với tầm bắn 250km.

Trung bình mỗi năm Syria bắn khoảng 100 tên lửa vào máy bay của IAF. Điều này cho thấy lực lượng phòng không Syria đã bắn một lượng lớn tên lửa vào mỗi chiếc máy bay tấn công. “Đấu trường” Syria không chỉ có đầy đủ các loại tên lửa của Syria, mà còn cả một bầu trời đông đúc, với các lực lượng không quân Mỹ, Anh và Pháp hoạt động chống IS, cùng máy bay của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những tình huống như vụ rơi F-16 năm 2018 càng làm nổi bật hơn nữa khả năng nhận dạng, điều động, trốn tránh của phi công và các hệ thống điều khiển thuộc IAF. Hỏa lực tên lửa khổng lồ của Syria đã giúp IAF tích lũy được nhiều bí quyết và kinh nghiệm hơn bất kỳ lực lượng không quân nào khác trên thế giới, gồm cả Không quân Mỹ vốn cũng tham gia vào các sứ mạng tấn công ở Syria và Iraq. 

Vì sao Syria chưa tung S-300 đối phó

Đúng là các tên lửa Syria tương đối lỗi thời, nhưng điều đó vẫn không làm giảm khả năng ấn tượng của IAF. Thành tựu của Israel có thể đã đạt được nhờ một học thuyết chiến đấu mới được phát triển trong những năm gần đây, nhờ kinh nghiệm hoạt động, nhưng thực tế cũng một phần là nhờ Syria vẫn chưa kích hoạt các hệ thống phòng không S-300 tiên tiến.

Vào tháng 9/2018, một khẩu đội tên lửa phòng thủ Syria đã bắn trúng một máy bay trinh sát Nga đang trên đường đến căn cứ Latakia. Khi đó, phòng không Syria phóng tên lửa nhắm vào một máy bay Israel đang hoạt động trong khu vực, nhưng kết quả lại trúng phải máy bay Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cáo buộc máy bay Israel đã cố tình “nấp” sau máy bay Nga và sử dụng nó như một lá chắn trên không.

Sau vụ việc, Nga đã xúc tiến cơ chế tránh xung đột mới với Israel, đồng thời coi đây là một cớ để đẩy nhanh cung cấp cho Syria các khẩu đội tên lửa đất đối không S-300. Damascus đã cử người đến Nga để học cách vận hành các hệ thống tên lửa mới. Sau đó, S-300 được Nga chuyển giao cho Syria và triển khai trên lãnh thổ nước này. Tuy vậy, đã 20 tháng trôi qua kể từ sau sự cố, không một quả tên lửa S-300 nào được Syria phóng ra nhằm hướng máy bay Israel.

Video Nga chuyển giao S-300 cho Syria (nguồn: Ruptly)

Có ba lý do cho việc này: Một là các khẩu đội S-300 của Syria nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của các cố vấn và sĩ quan vận hành Nga, những người phụ trách tất cả các nút bấm.

Lý do thứ hai là những cố vấn Nga không muốn phóng tên lửa, gây nguy cơ xung đột và căng thẳng leo thang. Từ năm 2015, theo đề nghị của Tổng thống Assad, Nga đã triển khai hàng ngàn binh sĩ, máy bay, tàu chiến và cả hệ thống phòng không S-400 tiên tiến nhất tới Syria hỗ trợ nước này chống khủng bố. Song trên thực tế, Nga vẫn án binh bất động trước các cuộc tấn công của Israel nhằm vào mục tiêu Iran tại Syria.

Lý do thứ ba tại sao cho đến nay các khẩu đội S-300 vẫn không tung những đòn sấm sét trên bầu trời Syria có thể là do Nga lo ngại nếu chúng thực sự được kích hoạt và bắn trượt mục tiêu, thì điều đó sẽ chứng minh sự vượt trội về công nghệ cũng như hoạt động của Israel và phương Tây, gây tổn thương tới uy tín của nền công nghiệp quốc phòng Nga.

Chú thích ảnh
Hệ thống S-400 tiên tiến của Nga tại căn cứ không quân Hmeimim, Syria. Ảnh: AFP

Xung đột trở lại sau khủng hoảng COVID-19

Trong khi đó, sau một thời gian tạm lắng vài tuần do cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, Israel và Iran đã trở lại thời kỳ căng thẳng. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel sắp mãn nhiệm Naftali Bennett, IAF đã nối lại tấn công vào các mục tiêu Iran ở Syria với cường độ thậm chí còn lớn hơn: Họ đã thực hiện 6 cuộc tấn công trong 2 tuần qua.

Sau khi khủng bố IS bị đánh bại, Tướng tư lệnh Lực lượng Quds, thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, Suleimani được cho là đã tích cực triển khai các tay súng dòng Shiite tới Syria, cùng với đó là các căn cứ tên lửa, nhằm tranh thủ sự thất bại của IS để mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Để nâng cấp hệ thống vũ khí Iran ở Syria và của Hezbollah ở Lebanon, Tehran đã đầu tư khoảng 100 triệu đô la cho Trung tâm Nghiên cứu khoa học, còn gọi là CERS, có nhiệm vụ nâng cấp tên lửa Syria và cải tiến công nghệ chính xác. Không quân Israel được cho là đã tấn công các địa điểm của CERS nhiều lần trong cuộc nội chiến, và gần đây nhất là vài ngày trước tại Al-Safira, thuộc Aleppo.

Chú thích ảnh
Máy bay F-16 của Không quân Israel.

Tuy nhiên, Tướng Soleimani đã gặp khó khăn trong việc thực hiện tầm nhìn của mình. Các cuộc tấn công của Không quân Israel đã nhiều lần ngăn cản nỗ lực của viên tướng Iran nhằm triển khai lực lượng ở Syria, phát triển tên lửa chính xác ở Liban, và xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo bàn đạp để Hezbollah mở mặt trận thứ hai tại Cao nguyên Golan. Tới đầu năm 2019, ông Soleimani đã buộc phải thu hẹp lực lượng của mình ở Syria.

Vụ Mỹ ám sát Tướng Suleimani ở Baghdad vào đầu năm 2020 đã giáng một đòn nghiêm trọng vào Tehran. Thêm vào đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang làm suy giảm nền kinh tế Iran, giá dầu lao dốc và cuộc khủng hoảng COVID càng góp phần tàn phá đất nước.

Theo một ước tính thận trọng, hiện tại có thể có 20.000 tay súng Shiite tại Syria, vài trăm chỉ huy, cố vấn Iran, và khoảng 2.000 tay súng Hezbollah. Trong khi đó, để tránh xa Israel và những cuộc tấn công của IAF, Iran đang di chuyển một số căn cứ của mình từ Damascus sang phía Đông, tới gần biên giới Iraq.

Thu Hằng/Báo Tin tức