11:16 28/11/2014

Vì sao OPEC chưa muốn giảm sản lượng dầu mỏ

Sau nhiều năm hưởng lợi từ giá dầu cao, Saudi Arabia đã tích lũy được lượng dự trữ ngoại tệ lớn và có đủ thời gian để chờ đợi thêm. Tuy nhiên, các nước thành viên OPEC khác không có túi tiền lớn như thế.

Theo báo Pháp "Le Monde" số ra ngày 27/11, từ 6 năm nay, các cuộc họp thường kỳ hàng quý của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại Vienna (Áo) không còn là những hội nghị khép kín, trong đó 12 nước thành viên luôn luôn đưa ra một khẳng định bất biến: thị trường luôn được cung cấp dầu đầy đủ, giá dầu đủ đảm bảo lợi ích cho cả các nhà sản xuất lẫn tiêu thụ. 

Trong thời gian dài từ cuối năm 2010 đến giữa năm 2014, giá dầu luôn dao động từ mức 100 đến 200 USD/thùng và các nền kinh tế phương Tây, ít phụ thuộc vào dầu mỏ, đã quen với tình trạng này.

Tuy nhiên, từ 6 tháng nay, tình hình đã thay đổi: giá dầu giảm 30% xuống còn dưới 80USD/thùng. Hội nghị thượng đỉnh của các thành viên OPEC nhóm họp vào ngày 27/11 đánh dấu sự đoạn tuyệt với cách làm việc theo kiểu đồng thuận thường thấy giữa các nước thành viên. Chắc chắn sẽ không có quyết định gì lớn nếu phân tích những tuyên bố của Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali Al-Naimi, một người rất có ảnh hưởng trong OPEC, cho rằng cần phải chờ đợi thêm để “thị trường tự ổn định trong dài hạn”.

Tuy nhiên, OPEC nắm trong tay sức mạnh của thị trường. Olivier Appert - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Dầu mỏ và Năng lượng thay thế (IFPEN) - nhận định: “Lịch sử cho thấy khi OPEC đưa ra một quyết định cứng rắn và đáng tin cậy, tức là xem xét lại hạn mức sản suất, giá dầu sẽ tăng”.

Bộ trưởng Dầu lửa Saudi Ali al-Naimi trong cuộc họp báo trước Hội nghị của OPEC ở Vienna ngày 27/11. Ảnh: AFP/TTXVN


Hiện nay, các nước OPEC, đứng đầu là Saudi Arabia, đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các nước đứng ngoài. Là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, Nga không có ý định cắt giảm sản lượng. Họ cho rằng giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng trước hết tới các nước có chi phí khai thác dầu cao, nhất là Mỹ. Hiện tại, giá dầu thấp đã tác động rất mạnh tới nguồn thu ngân sách của Moskva. Tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft vừa qua tuyên bố cắt giảm sản lượng 25.000 thùng/ngày, mức rất nhỏ so với 4,1 triệu thùng mà họ sản xuất mỗi ngày. Nước Mỹ với sản lượng khoảng 9 triệu thùng/ngày, tiệm cận mức của Nga và Saudi Arabia, cũng chưa hề có ý định giảm bớt sản lượng khai thác dầu từ đá phiến tại Texas và Dakota, yếu tố tăng cường an ninh năng lượng cho họ. 

OPEC phải thừa nhận rằng thị phần của họ trên thị trường dầu mỏ thế giới đã giảm từ 42% trong năm 2008 xuống còn 35% trong năm 2014. Tổ chức này đang cố vật lộn để duy trì vị thế của mình, nhất là Saudi Arabia, nước khai thác tới 12% sản lượng dầu của thế giới. Ryiadh không muốn phải một mình phải cắt giảm sản lượng và sẽ chấp nhận giảm giá cho các công ty lọc dầu của châu Á, châu Âu và Mỹ. Sau nhiều năm hưởng lợi từ giá dầu cao, Ryiadh đã tích lũy được lượng dự trữ ngoại tệ lớn và có đủ thời gian để chờ đợi thêm.

Tuy nhiên, các nước thành viên OPEC khác không có túi tiền lớn như thế. Theo tính toán của Tập đoàn đầu tư dầu khí Arập, các nước này dự trù giá dầu ở mức 105 USD/thùng thì mới đủ để họ cân bằng ngân sách. Với Saudi Arabia, chỉ cần 90 USD/thùng là đủ, nhưng Venezuela phải cần tới 160 USD/thùng. Do đó, đại diện các nước đến Vienna rõ ràng không có cùng mục tiêu. 

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho rằng “thị trường thế giới đã được bơm quá nhiều dầu, tình thế sẽ còn trầm trọng hơn vào năm tới và OPEC sẽ phải can thiệp với sự hỗ trợ của các nước sản xuất không phải là thành viên”.

Một nhân tố khác gây chia rẽ trong OPEC là khó khăn mới đây của một số nước thành viên. Cả Iran, Iraq và Lybia đều không có điều kiện tốt nhất để khai thác. Từ sản lượng cao nhất lên tới 10 triệu thùng/ngày, 3 nước hiện nay chỉ còn đủ khả năng khai thác 7 triệu thùng/ngày. Theo hãng tin "Bloomberg", trong trường hợp giảm khai thác để tổng sản lượng giảm từ 30,6 triệu thùng xuống còn 30 triệu thùng, 3 nước này sẽ được miễn thực hiện.

Theo thống kê của IFPEN, trong vòng 30 năm qua, OPEC đã can thiệp tới 50 lần vào thị trường: 22 lần giảm giá, 27 lần tăng giá. Ông Appert cho rằng các bài học của quá khứ cho thấy nếu OPEC không hành động tại hội nghị ở Vienna, xu hướng giảm giá dầu sẽ còn kéo dài tới tận mùa hè năm sau.


TTK