04:15 06/04/2022

Vì sao nhiều tàu cá ở Cà Mau bị liệt kê vào danh sách 'tàu mất tích'?

Trong số hơn 1.000 tàu cá thuộc diện ‘‘mất tích’’ ở Cà Mau trong hai năm qua đã được cơ quan chức năng xác định rõ nguyên nhân. Theo đó, lý do chủ yếu là nhiều chủ tàu cá không tuân thủ tốt quy định gia hạn đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản.

Chú thích ảnh
Cà Mau yêu cầu các chủ tàu cá thuộc diện mất tích phải liên hệ với Chi cục Thủy sản tỉnh để phối hợp thực hiện việc gia hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và giấy phép khai thác thủy sản, nhằm phục hồi chỉ tiêu hạn ngạch khai thác thủy sản của mình. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Công bố tàu cá mất tích là công việc quản lý thường xuyên

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 31/3/2022, tỉnh có 1.022 tàu cá chậm hạn Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản. Qua rà soát, tỉnh có 820 tàu cá có chiều dài dưới 12 m, 129 tàu cá có chiều từ 12 đến dưới 15 m và 73 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên.

Lý giải nguyên nhân tàu cá ‘‘mất tích’’, ông Nguyễn Việt Triều - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho hay, đa số các phương tiện nhỏ có chiều dài dưới 12 m đã bị hư hỏng nặng không còn khả năng hoạt động khai thác thủy sản.

Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu không còn ở địa phương để làm thủ tục xóa đăng ký theo quy định. Mặc dù, Chi cục Thủy sản phối hợp địa phương đã điều tra xác minh nhiều lần nhưng không liên lạc được chủ tàu. Do vậy, cơ quan chủ quản đã đưa số tàu cá thuộc dạng trên vào danh sách ‘‘mất tích’’ theo đúng quy định.

Thêm nữa, là trường hợp tàu cá không còn hoạt động tại địa phương, không liên lạc được chủ tàu để hướng dẫn thủ tục xóa đăng ký theo quy định. Ngoài ra, trường hợp bị liệt kê diện ''tàu mất tích'' còn có một số tàu cá thuộc diện ngưng hoạt động lâu dài do khai thác không hiệu quả, tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và hồ sơ đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản chậm hạn trên hai năm.

Trong thời hạn một năm mà chủ tàu không liên hệ với cơ quan chức năng để thực hiện các thủ tục theo quy định, cơ quan quản lý có quyền xóa tên trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia theo đúng luật định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Thủy sản 2017 và khoản 5 Điều 24 Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT, ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Quản lý tàu cá tại các cửa biển trọng điểm

Định hướng của ngành thủy sản Cà Mau trong thời gian tới, đó là tiếp tục tăng cường quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn về người và tài sản của ngư dân tham gia hoạt động thủy sản trong bối cảnh ngành khai thác thủy sản đang thực hiện các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 và các quy định có liên quan của pháp luật.

Tỉnh Cà Mau cũng đang nỗ lực phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách để cùng với cả nước nhanh chóng khắc phục thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề ra một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng tàu cá mất tích không rõ nguyên nhân trong thời gian tới.

Cụ thể Sở phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương vùng ven biển tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về đăng kiểm, đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Đặc biệt là phối hợp với địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức các đợt gia hạn đăng kiểm tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản tại các cửa biển trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau; thường xuyên rà soát, thống kê tàu cá chậm hạn đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản, điều tra xác minh rõ nguyên nhân để tiến hành xóa đăng ký tàu cá theo quy định.

Cơ quan chức năng tỉnh chú trọng tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về hoạt động khai thác thủy sản trên biển; giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp ngư trường trong khai thác thủy sản để người dân yên tâm trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường thả giống về tự nhiên để tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản; đồng thời, nghiêm cấm hoặc hạn chế các nghề khai thác mang tính hủy diệt cao, sử dụng xung điện, sát hại nguồn lợi thủy sản.

Kim Há ( TTXVN)