01:01 04/01/2012

Vì sao Mỹ không làm trung tâm trong đàm phán Ixraen - Palextin?

Vòng đàm phán mới giữa Ixraen và Palextin diễn ra ngày 3/1/2012 là lần đàm phán trực tiếp đầu tiên trong hơn một năm qua và Mỹ sẽ không đóng vai trò trung tâm như thường thấy. Báo "Người hướng dẫn khoa học Cơ đốc giáo" ngày 2/1 có bài viết phân tích về vấn đề này như sau:

Vòng đàm phán mới giữa Ixraen và Palextin diễn ra ngày 3/1/2012 là lần đàm phán trực tiếp đầu tiên trong hơn một năm qua và Mỹ sẽ không đóng vai trò trung tâm như thường thấy. Báo "Người hướng dẫn khoa học Cơ đốc giáo" ngày 2/1 có bài viết phân tích về vấn đề này như sau:

Các cuộc đàm phán diễn ra tại Amman, Gioócđani, với mục đích tìm kiếm khả năng khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình chính thức trực tiếp đã đổ vỡ vào tháng 10/2010. Trong chương trình có một cuộc gặp giữa các đại diện của Ixraen và Palextin và một cuộc gặp khác giữa các đại diện này với người của nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Liên hợp quốc (LHQ)).

Nhân viên cứu hỏa dập lửa trên chiếc xe bốc cháy trong vụ không kích của Ixraen. AFP-TTXVN


Tuy nhiên, một số chuyên gia về Trung Đông cho rằng việc Mỹ không đóng vai trò trung tâm truyền thống cho thấy ba điểm. Thứ nhất, vị thế của Mỹ trong khu vực đang đi xuống sau một năm diễn ra "Mùa xuân Arập" - khi Oasinhtơn được cho là dè dặt trong việc ủng hộ những người biểu tình - và Tổng thống Barack Obama đã thất bại trong việc thực hiện cam kết hồi tháng 9/2010 là cố gắng đạt được một hiệp định hòa bình trong thời gian một năm. Thứ hai, trong bối cảnh năm bầu cử, Tổng thống Obama khó có thể đóng vai trò tích cực trong bất cứ sáng kiến hòa bình nào hoặc gây sức ép với Ixraen vì đối thủ bên phía đảng Cộng hòa có thể sử dụng điều này để chống lại ông. Thứ ba là những hy vọng về các cuộc đối thoại ngày 3/1 khá thấp, không đủ hấp dẫn để Mỹ đầu tư về ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 1/1 đã ra một tuyên bố đánh giá cao vai trò của Gioócđani trong việc dàn xếp các cuộc gặp và khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với việc nối lại đàm phán. Bà nói: "Chúng tôi hy vọng rằng cuộc gặp trực tiếp có thể giúp thúc đẩy tình hình", "tình trạng hiện tại khó có thể duy trì được và các bên phải hành động một cách mạnh mẽ để thúc đẩy tiến trình hòa bình". Đại diện của Ixraen tại các cuộc gặp là Yitzhak Molcho, đặc sứ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Đại diện của phía Palextin là Saeb Erekat. Chính ông Saeb Erekat cũng nói rằng ông không hy vọng sẽ có đột phá tại các cuộc gặp lần này.

Các cuộc gặp diễn ra nhằm đảm bảo thời hạn chót mà nhóm Bộ Tứ đưa ra hồi tháng 9/2011, trong đó kêu gọi Ixraen và Palextin phải có các đề xuất toàn diện trong thời hạn 90 ngày về vấn đề lãnh thổ và an ninh để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán trực tiếp. Mặc dù hầu như không có chuyên gia nào dự báo sẽ có diễn biến quan trọng trước thời hạn 26/1, hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng cả Ixraen và Palextin đều có lý do để đi đến các cuộc gặp tại Amman.

Ixraen muốn được nhìn nhận là sẵn sàng đàm phán một hiệp định hòa bình với người Palextin, do hình ảnh quốc tế của nước này đã xấu đi kể từ khi diễn ra "Mùa xuân Arập". Trong khi đó, lý do của người Palextin có thể hướng tới đích cuối cùng là được công nhận là thành viên chính thức của LHQ.

Theo các chuyên gia Trung Đông, giới lãnh đạo Palextin có thể lợi dụng sự thất bại của các cuộc gặp để thúc đẩy việc công nhận chính thức Nhà nước Palextin tại LHQ. Người Palextin có thể lập luận rằng sáng kiến của nhóm Bộ Tứ thất bại và Ixraen không chịu có các bước đi nghiêm túc để đạt được hòa bình.

Các nhà lãnh đạo Palextin tiếp tục kêu gọi Ixraen dừng xây dựng các khu định cư tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng như một bước đi đầu tiên cần thiết để nối lại đàm phán hòa bình. Ông Erekat đã khẳng định lập trường này hôm 1/1 khi nói rằng các cuộc đàm phán ngày 3/1 sẽ phụ thuộc vào "nghĩa vụ pháp lý quốc tế" của Ixraen phải dừng các hoạt động xây dựng khu định cư mới. Trong khi đó, Ixraen bác lại rằng họ sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình song không được kèm theo điều kiện nào.

Đỗ Thúy (P/v TTXVN tại Mỹ)