04:14 10/04/2018

Vì sao Israel không kích căn cứ quân sự Syria vào thời điểm này

Cả Nga, Syria và Iran đều coi Israel là quốc gia đã tiến hành cuộc không kích vào căn cứ quân sự gần tỉnh Homs. Trong khi đó, chính phủ Israel vẫn lặng thinh không hồi đáp. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Israel lại lựa chọn thời điểm này để không kích Syria.



Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời một cựu chỉ huy của Không quân Israel cho biết gần như chắc chắn rằng Tel Aviv không kích căn cứ quân sự Syria ngày 9/4.

Cuộc không kích vào căn cứ quân sự gần tỉnh Homs xảy ra chỉ hai ngày sau vụ tấn công tại Douma được cho có sử dụng vũ khí hóa học. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc chính phủ của nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad chịu trách nhiệm trong vụ việc ở Douma. Về phần mình, Syria bác bỏ cáo buộc đồng thời cho biết chính phiến quân nổi dậy đã dàn dựng vụ tấn công.

Căn cứ không quân T-4 tại Syria. Ảnh: BBC

Trong những tuần gần đây, Israel đã gửi đi nhiều tín hiệu cảnh báo: công khai thừa nhận trong năm 2007 không kích vào một cơ sở nghi là lò phản ứng hạt nhân tại Syria; nhiều lần xâm phạm không phận Syria trong tháng 2 để đáp trả việc máy bay không người lái bay vào lãnh thổ Israel và tiếp đó là cuộc không kích ngày 9/4.

Nhiều nhà phân tích cho rằng điều khiến Israel "động thủ" như vậy xoay quanh một mục tiêu là Iran.

"Cái gai trong mắt" Israel - Iran

Israel luôn coi Iran là mối đe dọa đối với tương lai của quốc gia này. Ngoài ra, thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vốn phản đối mạnh mẽ, đã phần nào gây gia tăng căng thẳng cho Israel.

Chứng kiến tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực, từ Iraq tới Syria và Lebanon, khiến Israel thêm phần “nóng mắt” và kêu gọi Nga, Mỹ cùng những quốc gia khác hành động. Tuy nhiên, không đợi chờ, Israel đã tự ra tay.

Căn cứ quân sự T-4 mà Israel không kích trên thực tế có liên quan tới yếu tố Iran. Iran xác nhận với hãng thông tấn Fars rằng 4 công dân nước này đã thiệt mạng trong cuộc không kích.

Ngoài ra, Tel Aviv từng cáo buộc các máy bay không người lái của Iran đã cất cánh và được điều khiển từ T-4 để xâm phạm không phận Israel trong tháng 2.

Trước khi cuộc nội chiến Syria xảy ra năm 2011, Israel đã đạt được thỏa thuận với Syria tạo điều kiện để hai quốc gia hàng xóm cùng “chung sống” mặc dù Damascus chưa bao giờ công nhận nhà nước Israel.

Nhưng chính sự hiện diện của Iran tại Syria đã thay đổi “trạng thái” này khiến Israel nhiều lần không kích Syria trong thời gian gần đây.

Chủ trương của Tổng thống Mỹ rút quân từ Syria về nước


Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên ngày 4/4 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp thuận để binh sĩ Mỹ hiện diện tại Syria thêm một thời gian nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng ông vẫn giữ quan điểm rút quân nhân về nước sớm.

CNN đánh giá chính phủ của Thủ tướng Netanyahu tuy không bằng lòng nhưng vẫn kiềm chế không chỉ trích công khai quan điểm của Tổng thống Trump.

Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng An ninh công cộng và các vấn đề chiến lược Israel Gilad Erdan vào ngày 8/9 đã phát biểu trên đài phát thanh: “Chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện của Mỹ và quốc tế tại Syria sẽ gia tăng nếu không tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn”.

NBC News (Mỹ) dẫn lời ông Yossi Mekelberg tại Đại học Regent (London) đánh giá quan điểm muốn rút quân của ông Trump gây lo ngại cho Israel. “Tôi cho rằng cũng giống như nhiều quốc gia khác, Israel lo sợ Tổng thống Trump là người không ổn định”, ông Yossi Mekelberg đánh giá.

Ông Mekelberg cũng cho rằng nếu Mỹ không còn hiện diện nhiều tại Trung Đông, Israel cảm thấy phải tự hành động ở Syria để giải quyết “cái gai” Iran.

Vai trò của Nga

Cả Nga và Israel đều có chủ trương hợp tác hành động quân sự tại Syria. Cơ chế hợp tác được định hình sau khi Không quân Nga đến Syria theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chính Thủ tướng Netanyahu đã chọn đây là vấn đề ưu tiên bàn luận trong các cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước đây, Israel từng báo trước với Nga về kế hoạch “ra tay” nhưng lần này Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định không hề có liên hệ giữa Israel và Nga trước và trong cuộc không kích ngày 9/4.

CNN đánh giá đây là điều bất thường bởi duy trì tốt mối quan hệ với Nga là chìa khóa để Israel duy trì hoạt động tại Syria.

Ông Peskov bổ sung rằng Tổng thống Putin dự định trao đổi với Thủ tướng Israel về cuộc không kích ngày 9/4 bởi có nhiều cố vấn người Nga vẫn đang làm việc tại T-4.

Cơ chế hợp tác Nga-Israel đã có dấu hiệu không tích cực trong những tháng gần đây. Đơn cử vào tháng 2 vừa qua, khi tiêm kích Su-57 của Nga di chuyển đến Syria, một chính trị gia Nga dường như đã ám chỉ tới Israel khi nói những chiến đấu cơ này là thông điệp chính trị gửi tới máy bay quân sự của các quốc gia hàng xóm đôi khi trái phép đi vào không phận Syria.

Hà Linh/Báo Tin tức