07:00 09/07/2018

Vì sao ‘hôn nhân’ trục trặc nhưng Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ không thể bỏ nhau

Quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã lao dốc không phanh kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá dù thế nào hai nước này cũng vẫn phải duy trì “cuộc hôn nhân” sóng gió hiện nay.

Chú thích ảnh
Quan hệ đồng minh nhiều sóng gió giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Razor Forex

Rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi ông tái đắc cử mới đây. Song Tổng thống Mỹ Donald Trump không có trong danh sách này.

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi nghiêm trọng mấy năm gần đây và dù hai nước có cố gắng hàn gắn thì sau đó lại một lần nữa rạn nứt, đẩy quan hệ song phương vào thời kỳ “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, một thuật ngữ được dùng để miêu tả mối quan hệ giữa Washington và Ankara trong thế kỷ 21.

Sự thật là Mỹ và Thổ Nhỹ Kỳ cần tới nhau vì nhiều nguyên nhân và lợi ích chiến lược song trùng. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên tiếp tục xấu đi liên quan tới việc Mỹ chuyển giao hơn 100 máy bay tiêm kích đa năng F-35 mà Ankara đã mua (và đã trả tiền) của tập đoàn vũ khí Lockheed Martin.

Trong bước đi mang tính chất lưỡng đảng, một số thành viên Quốc hội Mỹ đã tìm mọi cách ngăn chặn việc bàn giao các máy bay này cho Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do chủ yếu bởi vì chính quyền Ankara đã bỏ tù mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ông Brunson tham gia các hoạt động đại diện cho tổ chức của Giáo sĩ Fethullah Gulen, nhân vật mà chính quyền Ankara cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính quân sự bất thành và hiện sống lưu vong ở tiểu bang Pennsylvania (Mỹ).

Một số nghị sĩ Mỹ nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ muốn giữ Mục sư Brunson làm con tin để đổi lại việc Mỹ trục xuất Giáo sĩ Fethullah Gulen. Thổ Nhỹ Kỳ muốn dẫn độ Giáo sĩ Gulen về để xét xử liên quan tới cáo buộc ông là chủ mưu vụ đảo chính tháng 7/2016 nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Tới nay, Washington vẫn từ chối đề nghị này của Ancara. 

Có những lý do chính trị khác đứng đằng sau việc một số nghị sĩ Mỹ kêu gọi không chuyển giao máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Nga dễ dàng tiếp cận các máy bay thế hệ mới của Thổ Nhĩ Kỳ do Mỹ sản xuất này được là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các bí mật an ninh quốc gia trước Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang có mối quan hệ ngày càng mật thiết với Ancara. Cuộc nội chiến Syria đang tạo ra những liên minh kỳ lạ. Bên cạnh đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm mua hệ thống tên lửa phòng không tân tiến S-400 của Nga cũng là một lý do khiến Mỹ tức giận.

Ngược thời gian xa hơn nữa, sự nổi lên của chính trị gia Erdogan và Đảng Công lý và Phát triển (AKP) có xu thế ủng hộ Hồi giáo của ông tại một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vốn có truyền thống thế tục đã gióng lên hồi chuông báo động đối với phương Tây. Trên phương diện chính trị, ông Erdogan đã điều chỉnh các luật và chính sách đối nội để củng cố vị thế của mình và mở rộng quyền lực của tổng thống. Trong khi các chính sách đối ngoại đối với khu vực và thế giới của nhà lãnh đạo này đang khiến phương Tây quan ngại. 

Chính quyền của Tổng thống Erdogan ủng hộ Qatar trong bối cảnh quốc gia Arab này bị các thành viên tổ chức Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC) tẩy chay. Không chỉ Mỹ, các cường quốc phương Tây cũng khó chịu khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ người Palestine trong cuộc xung đột với Israel.

Với tất cả những mâu thuẫn như vậy, tại sao Mỹ vẫn tiếp tục cam kết với quan hệ song phương Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ có nhiều lợi ích quân sự, căn cứ quân sự và các thương vụ bán vũ khí khổng lồ với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có ý nghĩa quan trọng đối với các lợi ích và chương trình hành động của phương Tây tại Trung Đông, Caucasus, Trung Á, Nam Á và thậm chí là một phần khu vực Viễn Đông.

Về mặt địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ nằm tại vị trí chiến lược gần như là cửa ngõ Đông-Tây. Để mất quốc gia được ví nằm giữa hai châu lục này đồng nghĩa với việc Mỹ và phương Tây đóng sập cánh cửa, và có thể cả những cơ chế gây ảnh hưởng gián tiếp, đối với Trung Đông và Viễn Đông. Đó là những yếu tố và lợi ích chiến lược quan trọng đối với Mỹ và NATO.
 

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Trump (phải). Ảnh: CNN

Hơn nữa, quan hệ Washington-Ancara còn gắn bó về thương mại và hoạt động kinh tế. Theo Phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 32 của Mỹ và kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều năm 2016 là 17,4 tỷ USD, trong khi thương mại dịch vụ cũng có tổng kim ngạch 5 tỷ USD.  

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn độ Giáo sĩ Gulen, đối với nỗ lực theo đuổi bao lâu nay của Ancara gia nhập Liên minh châu Âu (EU), đối với quan hệ kinh tế-thương mại và ngăn chặn lực lượng dân quân người Kurd tại Iraq và Syria. Tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có giá trị lớn đối với an ninh của nước này, nhất là khi tham chiếu Điều 5 hiệp ước phòng thủ tập thể của NATO.

Điều 5 nói trên chính là một chiếc ô an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó trong trường hợp nước này bị tấn công, tất cả các thành viên NATO khác có nghĩa vụ đáp trả hành động tấn công đó và bảo vệ đồng minh. Thổ Nhĩ Kỳ cần tới “nút đỏ” an ninh này, bởi vì quốc gia này nằm ở một vị trí địa chính trị chiến lược với các mối quan hệ không mấy hòa thuận với láng giềng và luôn đối mặt với nhiều mối đe dọa an ninh quốc gia.

Lời kêu gọi của Quốc hội Mỹ ngừng chuyển giao máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể không thành công. Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ có thể có những bất đồng và thậm chí là tranh cãi công khai. Tuy nhiên, về phương diện chiến lược hai nước này vẫn cần tới nhau. Dù có mâu thuẫn, thì mối quan hệ “hôn nhân” Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ vẫn sẽ duy trì. Và không ai thấu hiểu điều này hơn chính họ.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức