04:11 06/04/2021

Vì sao cổ phiếu 'vua' dậy sóng?

Sau nhiều lần kiểm định và giằng co mạnh trước ngưỡng 1.200 điểm, chỉ số VN-Index đã chính thức vượt ngưỡng kháng cự mạnh nhất và liên tục thiết lập mức đỉnh lịch sử ngay trong những phiên giao dịch đầu tháng 4/2021. “Công thần” trong đợt này không thể không kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn được xem là cổ phiếu "vua” trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt “dậy sóng”

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Ghi nhận trên sàn Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE), trong 6-8 phiên giao dịch gần đây, các cổ phiếu ngân hàng như VCB (của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam), BID (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam), CTG (Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam), TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam), MBB (Ngân hàng TMCP Quân Đội)… đều trong xu hướng tăng điểm.

Thị giá mỗi cổ phiếu tăng bình quân từ 5-10% chỉ sau một tuần giao dịch. Đây là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và nằm trong rổ VN30 nên đã tác động tích cực đến chỉ số VN-Index, góp phần giúp VN-Index vượt đỉnh thành công và liên tiếp thiết lập các mức đỉnh lịch sử trong đợt này.

Ngay trong phiên 5/4, diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng rất tích cực với EIB (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) tăng trần 6,9%, VIB (Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt nam) tăng 5,1%, VCB tăng 4,3%, MBB tăng 2,7%... đã giúp VN-Index chinh phục mốc đỉnh mới khi đóng cửa 1.236,05 điểm. Đặc biệt, STB, SSB… là những cổ phiếu ngân hàng nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong những ngày qua.

Đầu tiên phải kể đến “tân binh” SSB - mã chứng khoán của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) mới chính thức niêm yết trên sàn HOSE ngày 24/3/2021. SSB đã tạo nên kỷ lục trong nhóm ngân hàng mới niêm yết khi có tới 6/9 phiên tăng trần liên tiếp kể từ khi niêm yết. Khối lượng giao dịch có phiên đạt trên 6 triệu đơn vị.

Dù phiên ngày 5/4, cổ phiếu SSB bị điều chỉnh nhẹ, đóng cửa ở mức 28.100 đồng/cổ phiếu, song thị giá đã tăng trên 67% sau 9 phiên giao dịch, vốn hóa hiện là 33.945 tỷ đồng. Đây được xem là mức tăng rất cao đối với một cổ phiếu mới niêm yết. Trước đó, giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên của SSB là 16.800 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa hơn 20.306 tỷ đồng. 

Cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng ghi nhận 8 phiên tăng giá liên tiếp trong đợt này. Chốt phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu STB đóng cửa ở mức 23.150 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 25% trong chuỗi tăng này. Khối lượng giao dịch lên tới hàng chục triệu đơn vị.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 30/3, thanh khoản cổ phiếu STB ghi nhận tới gần 100 triệu đơn vị - mức kỷ lục khủng nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết trên HOSE vào năm 2006.

Trên sàn Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội không chỉ có diễn biến tăng điểm tích cực mà còn gây sốt trong giới đầu tư với diễn biến khớp lệnh khá lạ mắt. Tại các phiên ngày 26/3, 29/3 và 30/3, dòng tiền bất ngờ ồ ạt đổ vào làm thay màu cổ phiếu chỉ trong vài phút trước giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên ngày 5/4, cổ phiếu SHB tuy giảm sàn, song thống kê sau 7 phiên giao dịch gần đây, thị giá cổ phiếu SHB đã tăng trên 43%, với 3 phiên liên tiếp tăng trần và tăng gần 54% sau một tháng. Khối lượng giao dịch luôn nằm trong top dẫn đầu thị trường, có phiên ghi nhận gần 80 triệu đơn vị được chuyển giao.

Thống kê của Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital cho thấy, tính đến cuối tháng 3, thị giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng gần 15% so với thời điểm cuối năm 2020, trong khi chỉ số VN-Index chỉ tăng 10%. Trong năm 2020, nhóm cổ phiếu này cũng tăng mạnh so với thị trường chung khi đã tăng tới 30%, trong khi VNIndex chỉ tăng 15%.

Vì nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện chiếm khoảng 1/4 tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam, do đó, sự vượt trội về giá của nhóm cổ phiếu này đã giúp thúc đẩy toàn bộ thị trường chứng khoán tăng lên.

Nhiều triển vọng sáng

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, việc VN-Index vượt ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm thành công và liên tiếp lập đỉnh mới là nhờ một số nhóm cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh quý 1/2021 khả quan dẫn sóng. Trong đó, phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đây là nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán nên đã tác động tích cực đến chỉ số VN-Index và đà tăng của thị trường trong những ngày qua.

Mới đây, SeABank công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 698 tỷ đồng, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ; Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ước lãi quý 1 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ước lãi trước thuế quý 1/2021 đạt khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, tăng 135-175% cùng kỳ năm trước…

Một số ngân hàng khác chưa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021, song tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên cũng tiết lộ phần nào kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay.

Trong năm 2021, các ngân hàng VIB, MSB, MBB và KLB (Ngân hàng TMCP Kiên Long) dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 20-30%, cao hơn nhiều so với mức 12% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra hồi đầu năm. Nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước cũng lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng lạc quan như VCB đặt mục tiêu 12%, BID là 12-15% và 6-12% cho CTG.

Lợi nhuận theo đó của các ngân hàng cũng được lên kế hoạch khả quan hơn trong năm 2021. Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng có thể tăng 24% trong năm 2021, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng tăng 15% và chi phí tín dụng giảm 0,22%. 

Trong một báo cáo gần đây của VinaCapital nhận định, có 3 yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng cao trong năm 2021 và những năm tới. Đó là khoản lợi nhuận đến từ phân khúc cho vay tiêu dùng và cho vay doanh nghiệp nhỏ đang được nhiều ngân hàng đẩy mạnh thực hiện.

Theo VinaCapital, tăng trưởng thu nhập của các ngân hàng có thể đạt 25-30% trong năm 2021, nhờ triển vọng lạc quan về phục hồi kinh tế, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn hơn và những lo ngại về chất lượng tài sản đã giảm bớt.

Bên cạnh đó, lợi nhuận thu được từ các đợt IPO các công ty con tài chính tiêu dùng và các giao dịch bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), cũng như kế hoạch tái cấu trúc của một số ngân hàng sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu của các ngân hàng trong thời gian tới.

Ngoài ra, định giá cổ phiếu ngân hàng hiện đang ở mức khá hợp lý, khi tỷ lệ giá trên sổ sách (P/B) toàn ngành 1,9 lần, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) kỳ vọng 19% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) dự kiến 1,7% trong năm 2021.

“Trong ngắn hạn, sự phục hồi về tỷ suất lợi nhuận sẽ là yếu tố hỗ hợ ngành ngân hàng. Ước tính, thu nhập của các ngân hàng niêm yết có thể tăng tới 50-60% trong quý 1/2021, nhờ mức tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn và chi phí dự phòng thấp hơn cùng kỳ. Về dài hạn, thu nhập và giá cổ phiếu của các ngân hàng sẽ được hỗ trợ bởi việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ”, VinaCapital nhận định.

Trước đó, báo cáo của JP Morgan cũng cho biết, các ngân hàng Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và ROE cao nhất trong khu vực ASEAN. Tăng trưởng GDP danh nghĩa cao và khả năng phục hồi trong 12 tháng qua cho thấy, khả năng tăng trưởng tín dụng và thu nhập vài năm tới sẽ ở mức cao.

JP Morgan dự báo, tốc độ tăng trưởng EPS bình quân giai đoạn 2020 - 2023 của ngành ngân hàng Việt Nam đạt mức 16%. Điều này dẫn tới kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng trong 3 năm tới.

Hứa Chung (TTXVN)