12:08 08/12/2018

Vì sao chiến lược của Tổng thống Nga thành công trên trường quốc tế?

Nhật báo Pháp Le Figaro lý giải lý do Nga dường như đang trên đà chiến thắng trong các cuộc xung đột địa chính trị quốc tế là do sự hiểu biết xuất sắc của Tổng thống Vladimir Putin.

Chú thích ảnh
Sự hiểu biết sâu rộng về địa chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp ông tỏa sáng trên đấu trường quốc tế. Ảnh: Sputnik

Đài Sputnik dẫn bài viết trên báo Le Figaro đưa tin sự thành công của chiến lược Nga trên đấu trường quốc tế một phần nhờ vào kiến thức hiểu biết sâu rộng về địa chính trị của ông chủ Điện Kremlin.

Báo trên trích một ví dụ điển hình hồi tháng 10/2017. Khi đó, Tổng thống Putin đã ngắt lời Bộ trưởng Nông nghiệp Alexander Tkachov khi ông này có bài phát biểu kế hoạch xuất khẩu thịt lợn sang Indonesia.

Nhà lãnh đạo nước Nga giải thích ông Tkachov đã định hướng sai vì Indonesia là một quốc gia phần lớn dân cư là người Hồi giáo (87%). Điều đó đồng nghĩa với việc Nga không thể bán thịt lợn cho họ.

Báo Le Figaro nhấn mạnh không giống với những người đồng cấp phương Tây, Tổng thống Putin có một sự am hiểu rộng lớn về sự khác biệt văn hóa nhờ chất lượng giáo dục từ thời Liên bang Xô viết, cũng như sự quan tâm đặc biệt của ông với địa lý.

Tờ báo đưa ra ví dụ cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và cựu Tổng thống Mỹ George Bush không thể phân biệt giữa hai tộc Hồi giáo Shia và Sunni trong thời kỳ đầu mới nhậm chức. Hay như Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron cũng nhầm lẫn, gọi Guiana – vùng hải ngoại của Pháp tại Nam Mỹ - là một hòn đảo.

Sự hiểu biết có phần khiêm tốn và chưa trọn vẹn về địa lý nhiều lần đã mang đến cho các nhà lãnh đạo sự hiểu lầm các vấn đề địa chính trị quốc tế quan trọng.

“Ví dụ, tại Mali, các tay súng Hồi giáo được coi là mối đe dọa với lợi ích của nước Pháp, nhưng tại Syria, các tay súng lại trở thành đồng minh vững chắc của phương Tây chống Tổng thống Bashar Assad”, tờ Le Figaro viết.

Tương tự, do không có sự nhận thức đầy đủ về địa lý mà phương Tây không có một chiến lược dài hạn rõ ràng, phân biệt được đâu là kẻ thù đâu là bạn. Và điều này dẫn tới các sai lầm địa chính trị mà đôi khi thế giới phải trả một cái giá đắt. Điển hình là sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đều là kết quả từ lần Mỹ đem quân tới Iraq năm 2003 và hỗ trợ khủng bố tại Syria.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức