10:19 24/10/2017

Vì sao Boko Haram thường sử dụng phụ nữ đánh bom liều chết?

Nhóm khủng bố Boko Haram ít khi gây ra những nghi ngờ trong quá khứ do thường sử dụng phụ nữ đánh bom liều chết, nhưng thực tế đó có thể đang thay đổi.

Nhóm khủng bố Boko Haram sử dụng phụ nữ nhiều nhất để đánh bom liều chết so với các nhóm khủng bố khác trong lịch sử. Trong số 434 vụ đánh bom liều chết do Boko Haram thực hiện từ tháng 4/2011 đến tháng 6/2017, có đến 244 vụ được khẳng định do phụ nữ tiến hành. Con số thực tế có thể còn cao hơn nữa.

Một nữ nghi phạm đánh bom liều chết tại Kano, Nigeria.

Nghiên cứu của Jason Warner và Hilary Matfess thuộc Trung tâm Chống khủng bố, Học viện Quân sự West Point, Mỹ cho thấy kỷ lục khủng khiếp này trước đó thuộc về nhóm Những con hổ giải phóng Tamil (Sri Lanka), vốn đã sử dụng phụ nữ thực hiện 44 vụ đánh bom liều chết trong hơn một thập kỷ. Tình trạng bất ổn tại Nigeria do Boko Haram gây ra kể từ năm 2011 đã làm thiệt mạng hơn 30.000 người tại vùng Đông Bắc nước này và các nước láng giềng, khiến 2,1 triệu người phải sơ tán.

Chính phủ Nigeria thường tự hào tuyên bố Boko Haram bị “đánh bại về mặt kỹ thuật”. Có thông tin rằng Boko Haram bị phân tán thành hai nhóm nhỏ hơn vào cuối năm 2016, sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố ủng hộ người cầm đầu ôn hòa hơn là Abu Musab al-Barnawi so với tên Abubakar Shekau. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu còn tranh cãi về khía cạnh chia rẽ của Boko Haram khi cho rằng nhóm này vốn luôn được hợp thành từ các bộ phận nhỏ khác biệt.

Chiến thuật của Abubakar Shekau là sử dụng những kẻ đánh bom liều chết để “thổi bay” các nhà thờ, khu chợ, do đó không thể tránh khỏi việc giết hại chính những đồng đạo Hồi giáo. Theo The Economist (Anh), tình hình hiện nay cho thấy Boko Haram vẫn chưa hề bị đánh bại, mặc dù nhóm này đã bị đẩy lùi khỏi các thị trấn kể từ khi Tổng thống Muhammadu Buhari nhậm chức năm 2015.

Tháng 7 vừa qua, Boko Haram – chi nhánh của IS – đã giết hại 69 người thuộc một nhóm thăm dò dầu khí. Thực tế, sau năm 2016 tương đối tạm lắng, song sang tới năm 2017 các vụ đánh bom liều chết do nhóm này thực hiện đã gây ra thương vong đặc biệt nghiêm trọng.

Theo hãng Reuters (Anh), trong chỉ hơn bảy tuần tính từ ngày 1/6, Boko Haram đã giết hại ít nhất 170 người. Nhóm khủng bố này đang sử dụng ngày càng nhiều trẻ em đánh bom liều chết: Liên hợp quốc đã thống kê được 83 trường hợp khủng bố dạng này trong năm 2017 (cao gấp 4 lần so với số vụ tương tự năm 2016) và 2/3 số đó là trẻ em nữ.

Tuy nhiên, nghiên cứu của J.Warner và H.Matfess cho thấy các vụ đánh bom liều chết do Boko Haram chủ mưu gây ít thương vong hơn so với hình thức khủng bố tương tự của các nhóm khủng bố khác. Điều này một phần xuất phát từ nguyên nhân các đối tượng kích hoạt chất nổ trong vụ khủng bố thứ năm trong khi đang đối đầu với quân chính phủ, khiến chính những kẻ khủng bố bị thiệt mạng.

Hiện Boko Haram vẫn đang gửi các phiến quân đến Maiduguri, thành phố đầu tiên nổ ra tình trạng bất ổn, nhằm tấn công trường đại học, các khu chợ và trại tạm cư cho người tị nạn. Không phải trùng hợp ngẫu nhiên khi số lượng các vụ sử dụng phụ nữ đánh bom liều chết của nhóm này tăng vọt kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc 276 nữ sinh tại Thị trấn Chibok, tháng 4/2014.

Hiện trường vụ đánh bom liều chết do phụ nữ thực hiện tại Maiduguri, Nigeria trong tháng 3 vừa qua. Ảnh: CNN

Boko Haram đã tiết lộ giá trị về mặt tuyên truyền của phụ nữ: Việc sử dụng những người được coi là vô tội như vũ khí giết người trong các vụ đánh bom liều chết sẽ gây sốc mạnh mẽ. Phụ nữ ít gây nghi ngờ hơn (ít nhất trong giai đoạn đầu chiến thuật này được sử dụng) và họ có thể dễ dàng cất giấu bom trong khăn choàng rộng thùng thình. Sử dụng phụ nữ đánh bom liều chết, Boko Haram cũng “tiết kiệm” được các tay súng nam giới cho các vụ tấn công kiểu du kích truyền thống.

Nếu bị tẩy não, một số phụ nữ đánh bom liều chết có thể là những người tự nguyện tử vì đạo. Tuy nhiên, rất nhiều trong số họ được cho là bị ép buộc gắn bom lên người, trong đó có trường hợp người phụ nữ mang theo bom và đứa trẻ sau lưng.

Một số người có thể cho rằng đó là một lối lạm dụng mạng sống đối với những “người vợ” của thành viên phiến quân Boko Haram, trong thực tế nhiều trong số họ bị cưỡng hiếp bởi chính những người được coi là “chồng” của mình. Những phụ nữ đánh bom liều chết kích hoạt chất nổ, từ bỏ cuộc sống vốn thường phải chịu đựng điều sỉ nhục suốt cuộc đời, bởi gia đình, cộng đồng không muốn tiếp nhận họ trở lại. Do đó, sử dụng phụ nữ đánh bom liều chết dù có giết hại một ai đó hay không, nhóm khủng bố Boko Haram đang gieo rắc nỗi sợ hãi và sự chia rẽ, đúng như ý định của chúng.

Đình Lượng/Báo Tin Tức