12:09 31/12/2020

Vi phẫu nối thành công phần da đầu bị đứt rời của em bé 8 tuổi

Ngày 31/12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu cho bé L.L.Đ (8 tuổi, đến từ Hải Phòng). Bé đến Bệnh viện trong tình trạng da đầu bị đứt rời hoàn toàn do tai nạn cuốn tóc vào bánh xe 3 bánh.

Bà của Đ kể lại, bé hay được người nhà chở đi chơi bằng xe 3 bánh. Ngày 17/12, Đ nằm đằng sau xe, không may vướng bộ tóc dầy và dài của bé vào bánh xe. Dù xe di chuyển không nhanh nhưng do quá hoảng sợ nên Đ đã ngồi dậy, khiến toàn bộ phần tóc và da đầu cuốn vào bánh xe lột ra khỏi vùng xương sọ. Người nhà em đang lái xe nghe thấy tiếng kêu thất thanh: Cụ ơi, cứu con với. Khi quay lại thì thấy phần da đầu của bé đã bị lột ra hoàn toàn.

Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng), bé được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Mai Anh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bé được đưa vào viện trong tình trạng tỉnh, da đầu bị lột hoàn toàn từ ngang tai vòng qua trán sang tai bên kia rồi ra sau gáy, lộ cả xương sọ.

Sau khi xác định cháu bé không bị thương tổn nào khác, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Mai Anh và các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật nối mảnh da đầu bị đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu. Phẫu thuật nối ghép da đầu ở trẻ gặp nhiều khó khăn do mạch máu có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 0,6-0,7 mm, nguy cơ tắc mạch sau nối khá cao nên đòi hỏi kỹ thuật cũng như phương tiện phẫu thuật.

Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Mai Anh cho biết, ngoài bị lột rời da đầu còn kèm theo lóc mỏng da lên đỉnh đầu nên động mạch là nhánh tận rất nhỏ, nối ghép sẽ gặp khó khăn. Bác sĩ đã thực hiện nối 1 động mạch và 2 tĩnh mạch dưới kính vi phẫu nối, sử dụng chi vi phẫu nhỏ nhất của bệnh viện kích cỡ 11/0.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện chưa có phương pháp tạo hình nào phục hồi hoàn toàn cấu trúc giải phẫu, chức năng cũng như tính thẩm mỹ của da đầu. Cách duy nhất là nối lại ngay mảng da đầu bị đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu. Nếu không được phẫu thuật vi phẫu, bệnh nhân sẽ bị lộ toàn bộ xương sọ, có thể viêm xương nhiễm trùng xương, ảnh hưởng đến não. Cho đến thời điểm này, Bệnh viện Việt Đức đã nối ghép thành công trên 30 ca đứt rời da đầu. Hiện nay, sau một tuần phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bé Đ ổn định, phần da đầu được nối của em đã bắt đầu mọc tóc.

Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Mai Anh chia sẻ thêm một câu chuyện đáng nhớ về trường hợp vi phẫu nối da đầu cho một người phụ nữ làm xưởng dệt may tư nhân tại Nam Định. Người bệnh bị cuốn tóc vào máy và khi giựt ra ông chủ quá sợ hãi đã cầm toàn bộ phần da đầu và tóc vứt xuống ao. May mắn là xưởng tư nhân gần bệnh viện và phần da đầu có tóc vẫn nổi trên ao nên đã vớt kịp thời để mang về nối cho người bệnh. Người bệnh còn có chấn thương lún sọ đỉnh phải nên đã được phẫu thuật mổ sọ não trước khi tiến hành nối vi phẫu ghép da đầu. Ca phẫu thuật diễn ra thành công tốt đẹp và người phụ nữ đã mọc tóc trở lại, tuy nhiên chị chia sẻ từ giờ sẽ không dám để tóc dài nữa vì nỗi ám ảnh đã trải qua.

Các chuyên gia lưu ý về cách bảo quản phần da đầu trước khi đến viện cấp cứu: Cho phần da đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, nếu có thể thì bọc trong miếng gạc, sau đó lại đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C. Tránh để các phần này tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng. Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại phần da thì không nên cắt rời ra, kể cả trường hợp gần như đứt rời hoàn toàn. Thay vào đó dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt độ tương đối lạnh, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.

TTXVN/Báo Tin tức