08:11 24/08/2012

Vi phạm giao thông: Chuyện thường ngày

Chỉ trong vòng có 10 phút, tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu đã có tới hơn chục trường hợp người tham gia giao thông sử dụng điện thoại hay không đi đúng làn đường, chuyển hướng không xi-nhan. Ngoài ra còn có nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ, mà phần lớn là thanh niên.

Vi phạm là... thường


Những lỗi mà người tham gia giao thông thường mắc phải đã được phản ánh nhiều nhưng vẫn tái diễn và có nguy cơ gia tăng, đó là vượt đèn đỏ. Tiếp đó là tình trạng không bật xi-nhan khi chuyển hướng. Lỗi vi phạm này rất phổ biến đối với người điều khiển xe gắn máy, nhưng với ôtô tình trạng này cũng thường xuyên xảy ra.


Chỉ trong vòng có 10 phút, tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu (Hà Nội) đã có tới hơn chục trường hợp người tham gia giao thông sử dụng điện thoại hay không đi đúng làn đường, chuyển hướng không xi-nhan. Ngoài ra còn có nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ, mà phần lớn là thanh niên.


Thanh niên đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vi phạm Luật An toàn giao thông đang có chiều hướng gia tăng. Ảnh: Lê Phú


Từ các lỗi vi phạm giao thông đơn giản như vậy lại xảy ra các vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Gần đây nhất là vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 12 giờ 30 phút trưa ngày (28/6) tại Km 311+500 tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc địa phận xóm 12, xã Nghi Kim, TP Vinh (Nghệ An). Vào thời điểm trên, chiếc ô tô Civic 4 chỗ mang BKS 37S-7299 do lái xe Phan Song Hào (SN 1974), trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh điều khiển, do không quan sát, bị tàu SE7 tông trực diện và kéo xe ô tô dài hơn 200 mét. Hậu quả, khiến một người chết và 3 người bị thương. Ngay cả những vi phạm giao thông tưởng là nhỏ lại dẫn tới án mạng.


Vào lúc 21 giờ 30 ngày 11/5, anh Phạm Trung Kiên (SN 1977, trú tại tổ 18, thị trấn Đông Anh) đi xe máy đến ngã tư trung tâm thị trấn Đông Anh đã va chạm với 2 thanh niên là Nguyễn Đức Chung (SN 1983, trú ở Sơn Du, Nguyên Khê, Đông Anh) và Hoàng Ngọc Biên (SN 1983, trú tại xóm Thượng, Uy Nỗ, Đông Anh) đi xe máy ngược chiều. Hai bên xảy ra xô xát đánh nhau. Anh Kiên bỏ chạy, Chung đã nhờ Lê Đức Kỳ (SN 1990, ở Lễ Pháp, Tiên Dương, Đông Anh) chở xe máy đuổi theo, rồi nhảy xuống dùng tay chân đánh, làm anh Kiên ngã ra đường. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng anh Kiên đã tử vong sau đó ít ngày


Mặc cho những nguy hiểm luôn rình rập có thể xảy ra bất cứ lúc nào do vi phạm giao thông. Nhưng những người vi phạm thì có nhiều lý do bào chữa cho hành động sai phạm của mình. Anh Hoàng (Đội Cấn – Hà Nội) một người vi phạm tại chốt Lê Hồng Phong – Điện Biên Phủ bao biện lỗi một cách “bức xúc”: “Các anh CSGT bắt vi phạm hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên bản thân tôi thấy các anh làm việc làm mất thời gian của người vi phạm. Nhất là thái độ không được thân thiện với người dân khi xử phạt”. Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, người tham gia giao thông phần nhiều vi phạm là thanh niên.


Trên nhiều tuyến đường chúng ta rất dễ bắt gặp những chiếc xe gắn máy do những thanh niên choai choai tóc xanh, đỏ đánh võng giữa đường phố, vượt đèn đỏ. Thậm chí một số thanh niên còn tự ý thay đổi màu xe, lắp hệ thống đèn chiếu sáng quá kích cỡ, gắn còi ôtô, còi hú trái quy định gây mất an ninh trật tự trên các tuyến đường. Những cậu ấm, cô chiêu ăn mặc đẹp đẽ, đi xe xịn nhưng trên đầu không đội mũ bảo hiểm.


Đặc biệt trong số này, một số đối tượng vi phạm Luật An toàn giao thông khi bị bắt giữ, thu xe đã tỏ thái độ thách thức với lực lượng công an như: Chối cãi, chửi bới hoặc gọi điện thoại cho người thân để dựa vào các mối quan hệ nhằm chối tội để được “tha” hoặc xử nhẹ.


Nhiều người vi phạm, không đội mũ bảo hiểm lạng lách, đánh võng rất khó để xử lý. Trên địa bàn thành phố Hà Nội tình trạng không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người qui định, không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ là lỗi thường gặp đối với cảnh sát giao thông.


Ý kiến của người trong cuộc


Trung tá Trần Xuân Roan, phụ trách chốt giao thông Điện Biên – Trần Phú cho biết: “Ý thức của người dân khi tham gia giao thông chưa cao, tại đây tình trạng người tham gia giao thông chuyển hướng không dùng đèn tín hiệu là phổ biến. Còn những lỗi người tham gia giao thông vẫn thường mắc là không đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ thì liên tục xảy ra. Ngoài ra có những trường hợp cá biệt như một số thanh niên lạng lách đánh võng gây nguy hiểm cho cảnh sát giao thông, người tham gia giao thông và chính bản thân mình”.


Thượng sĩ Trần Đức Toàn khẳng định: “Chúng tôi thường xử lý các trường hợp vi phạm như đi sai làn đường và vượt đèn đỏ. Thậm chí có những trường hợp khi thấy hiệu lệnh dừng xe của CSGT thì lao vào chống đối. Những trường hợp như thế chúng tôi chỉ còn cách là mời lên phường làm việc. Tại chốt này biển báo và đèn tín hiệu rất chính xác, người tham gia giao thông không quan sát hay khi thấy đèn đỏ nhưng cố tình lao lên vỉa hè để đi tiếp, một số trường hợp vi phạm còn chối cãi nên chúng tôi đã phải mời người dân xung quanh làm chứng mới lập biên bản được”.


Chiến sĩ Nguyễn Văn Huy, T38 Bộ Công an, người trực tiếp xử lý những trường hợp vi phạm giao thông tại chốt Lê Hồng Phong – Điện Biên cho hay: “ Đa phần những trường hợp vi phạm tại chốt này là người tham gia giao thông sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện hay chuyển hướng làn đường không sử dụng đèn tín hiệu. Còn các trường hợp vượt đèn đỏ tại đây khi thấy công an thì họ rẽ sang hướng Hoàng Diệu hoặc quay đầu lại, thậm chí quay đầu ngay trước ô tô rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông và chính bản thân”.


Mới đây Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67, CA TP Hà Nội) đã ra quân tổng kiểm tra, xử lý tất cả các vi phạm, trong đó chú trọng vào số học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi một bộ phận giới trẻ đang xem thường các quy định của pháp luật về an toàn giao thông


Có nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng và các ngành liên quan đưa ra nhưng tình trạng vi phạm luật và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn chưa giảm. Để giải quyết vấn đề này và từng bước tạo ra ý thức thực hiện nghiêm Luật Giao thông, việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông có vai trò quyết định, song khó có thể chỉ mong đợi vào tính tự giác mà cần hơn cả là những biện pháp quyết liệt có tính răn đe mạnh của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương.


Việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là một quá trình công phu, bao gồm cả việc khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.


Sự thiếu ý thức của giới trẻ một phần do lỗi của các bậc phụ huynh đã không dành nhiều thời gian quan tâm tới việc giáo dục con cái ngay từ nhỏ về ý thức chấp hành Luật Giao thông. Nhiều bậc cha mẹ còn dung túng, chiều chuộng con cái khi mua xe gắn máy cho con đi đến trường khi các em chưa có giấy phép lái xe. Quan trọng hơn, tình trạng học sinh tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm diễn ra khá phổ biến dù quy định đội mũ bảo hiểm là bắt buộc đối với những người tham gia giao thông bằng xe gắn máy.


Để nâng cao ý thức của người dân, cần giáo dục Luật Giao thông ngay trong các trường học một cách kỹ càng để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra, cần có các chế tài tại các trường học áp dụng đối với các hành vi vi phạm của học sinh, sinh viên để răn đe. Cần phải huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi tổ chức, đơn vị trong xã hội, của mỗi gia đình và tất cả mọi người. Công tác tuyên truyền và thực hành an toàn giao thông phải bắt đầu từ chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, các tổ chức trong xã hội và đến với mọi người, mọi nhà.



Tuấn Anh