10:17 13/10/2010

Vì đâu nên nỗi?

Malaixia là một trong những quốc gia nhập khẩu lao động lớn nhất châu Á và cần rất nhiều lao động giúp việc gia đình (GVGĐ). Chính phủ Malaixia đã đồng ý tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm GVGĐ tại nước này kể từ tháng 10/2007.

Malaixia là một trong những quốc gia nhập khẩu lao động lớn nhất châu Á và cần rất nhiều lao động giúp việc gia đình (GVGĐ). Chính phủ Malaixia đã đồng ý tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm GVGĐ tại nước này kể từ tháng 10/2007. Trong số 133 doanh nghiệp Việt Nam được phép đưa lao động sang Malaixia làm việc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã cho phép 17 công ty được thực hiện thí điểm tuyển dụng và đưa lao động, GVGĐ sang thị trường Malaixia. Tuy nhiên, không phải tất cả 17 công ty này đều làm tốt công tác tuyển dụng và đưa lao động sang Malaixia làm việc.

Bên cạnh đó, có những công ty không được phép nhưng vẫn tìm cách "đưa chui, đưa tắt" lao động GVGĐ sang Malaixia. Thêm nữa, giữa các cơ quan chức năng Việt Nam và Malaixia chưa có thỏa thuận nào quy định cụ thể các điều kiện liên quan đến người lao động Việt Nam làm GVGĐ ở Malaixia, khiến việc xử lý các vấn đề nảy sinh không có cơ sở pháp lý.

Đó là những lý do dẫn đến tình trạng số lượng lao động Việt Nam làm GVGĐ ở Malaixia không nhiều lại hay xảy ra những vụ việc rắc rối, khó giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng tâm lý chung của người lao động. Khó đủ đường Trước khi tiếp nhận lao động GVGĐ, các chủ lao động (chủ nhà) phải nộp cho công ty môi giới một khoản tiền theo quy định, đồng thời phải đóng thuế để làm visa cho người lao động trong năm đầu với mức 120 ringgit (38,7 USD)/tháng. Vì thế, nhiều chủ nhà thường không trả lương cho lao động để đề phòng trường hợp họ bỏ trốn hoặc đòi về nước.

Trong tình cảnh một mình giữa những người xa lạ, hộ chiếu không được giữ, lương không được lĩnh, làm việc bất kể giờ giấc, người lao động bức xúc nhưng không biết chia sẻ cùng ai, nên sinh ra những phản ứng tiêu cực với chủ nhà. Cứ như vậy, mâu thuẫn phát sinh, dẫn tới xung đột, người làm cãi chủ, chủ phạt người làm. Chị Lệ, quê Bắc Giang, làm việc cho một gia đình ở khu vực Bukit Damasara, thuộc Cuala Lămpơ, cho biết có lần chị bị chủ phạt giam ngoài cửa hàng suốt đêm. Hiện chủ vẫn còn nợ chị 5 tháng lương nhưng chị không dám kiện vì sợ chủ thù nên đành cố chịu đựng cho đến ngày 30/11 tới hết hợp đồng rồi về nước.

Chị Nguyệt, sinh năm 1978, quê Hải Dương, sang Malaixia từ ngày 22/9/2009, chỉ sau một tháng làm việc đã bị chủ trả về công ty môi giới. Tiếp đó, chị được đưa tới làm ở một vài nơi khác, trong đó có Trung tâm nuôi dưỡng trẻ sơ sinh ở Taman Damasara. Tại đây, chị phải làm việc từ 3 giờ sáng và một ngày chỉ được nghỉ 6 tiếng với mức lương 750 ringgit (234 USD)/ tháng. Thấy điều kiện làm việc không đúng như hợp đồng ban đầu và công việc quá nặng nhọc, chị Nguyệt đã nhiều lần đòi về nước. Tới đầu tháng 9/2010, chị mới được công ty môi giới của Malaixia giải quyết đưa về nước nhưng bị trừ 3 tháng lương và phải chịu 1/2 tiền vé về nước. Chị Huế quê Lục Ngạn, Bắc Giang bức xúc kể, chỉ vì chăm con chó không cẩn thận, chị bị chủ chửi mắng rồi trả lại công ty môi giới, nhưng giữ lại của chị 3.000 ringgit (961 USD) cùng với hộ chiếu.

Sau đó, chị được đưa tới làm việc tại một xưởng sản xuất mì sợi. Tại đây chị được trả lương 1.000 ringgit (320 USD)/tháng nhưng ngày nào cũng phải làm từ 3 giờ sáng. Chị đang cố gắng dành dụm đủ tiền lo thủ tục xuất cảnh và mua vé về nước. Sau hơn 2 năm triển khai thí điểm, đến nay có 484 lao động Việt Nam làm GVGĐ ở Malaixia (chỉ là con số rất khiêm tốn so với hơn 300.000 lao động Inđônêxia làm GVGĐ ở cùng địa bàn). Phần đông lao động GVGĐ Việt Nam ở Malaixia tuổi đời còn trẻ, xuất thân từ các vùng nông thôn, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, chưa được chuẩn bị tốt về tâm lý để làm việc trong môi trường nước ngoài, kỹ năng giao tiếp kém, không biết cách ngăn chặn những vướng mắc nhỏ trở thành mâu thuẫn với gia chủ. Còn số lao động từng làm GVGĐ tại Đài Loan (Trung Quốc) thì có kinh nghiệm làm việc và khả năng giao tiếp tốt hơn nhưng lại hay suy bì mức lương cũng như điều kiện làm việc ở Malaixia với Đài Loan, gây bức xúc cho gia chủ.

Trong khi đó, chủ lao động Malaixia quan niệm rằng họ có toàn quyền đối với lao động mà họ đã thuê, nên bắt người lao động phải làm nhiều việc, nhiều thời gian và ít được nghỉ ngơi. Không ít lao động GVGĐ bị chủ bắt làm cho hai gia đình hoặc phải làm việc cả ở nhà lẫn cửa hàng của chủ. Khiếm khuyết từ phía Việt Nam Một số doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện đúng việc khảo sát thực tế trước khi đưa người lao động đến làm việc mà chỉ dựa vào công ty môi giới của Malaixia nên dẫn tới tình trạng một số lao động ta phải làm việc trong những gia đình khắc nghiệt. Không ít chủ nhà không cho lao động sử dụng điện thoại, gửi thư hay tiền về cho gia đình, cách ly người lao động với thế giới bên ngoài. Khi có phát sinh vụ việc, tâm lý chung của các gia chủ là né tránh, không hợp tác, khiến việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn.

Việc các cơ quan chức năng của Việt Nam và Malaixia chưa có thỏa thuận nào quy định cụ thể về điều kiện làm việc, mức lương cũng như các quyền lợi khác của lao động cũng là lý do khiến lao động Việt Nam làm GVGĐ ở Malaixia gặp khó. Mỗi khi có sự việc phát sinh, người lao động không biết dựa vào đâu để đòi hỏi quyền lợi của mình ngoài bản giao kèo giữa họ và chủ nhà. Thời gian đầu thí điểm, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam đều có đại diện tại Malaixia, nhưng nay đã rút hết, chỉ còn lại hai công ty có đại diện; bởi vậy khi gặp vướng mắc, lao động khó tìm được người giúp đỡ giải quyết.

Còn khi người lao động bị chủ quỵt lương, hoặc không được làm việc theo đúng thỏa thuận ban đầu, cơ quan quản lý lao động của ta cũng chỉ có thể yêu cầu công ty môi giới Malaixia can thiệp; vì thế các vụ việc thường không được giải quyết triệt để. Thiết nghĩ, muốn mở rộng việc thâm nhập thị trường lao động GVGĐ ở Malaixia, nhà chức trách Việt Nam cần phải ký kết thỏa thuận hợp tác về lao động GVGĐ như Malaixia đã ký với Inđônêxia; trong đó quy định rõ mức lương, điều kiện làm việc, ngày nghỉ, bảo hiểm và những quy định khác...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam cũng cần tăng cường công tác điều tra thị trường, đào tạo lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Còn bản thân người lao động cần trau dồi vốn sống, học tập cách làm việc trong môi trường mới, rèn luyện kỹ năng ứng xử để tránh những mâu thuẫn không đáng có với chủ lao động. Có như thế, người lao động Việt Nam làm GVGĐ nói riêng và lao động Việt Nam nói chung ở Malaixia mới không còn gặp khó.
Thanh Thủy