02:09 03/02/2011

Vết nhơ trong lịch sử tình báo quân đội Ixraen

Mùa hè năm 1954, Ai Cập liên tục phải đối mặt với những vụ tấn công bằng bom cháy. Thật lạ, mục tiêu đều là tài sản của người Anh và người Mỹ tại hai trung tâm chính trị - kinh tế quan trọng nhất ở Ai Cập là thủ đô Cairô và thành phố cảng Alexandria.

Mùa hè năm 1954, Ai Cập liên tục phải đối mặt với những vụ tấn công bằng bom cháy. Thật lạ, mục tiêu đều là tài sản của người Anh và người Mỹ tại hai trung tâm chính trị - kinh tế quan trọng nhất ở Ai Cập là thủ đô Cairô và thành phố cảng Alexandria. Nhưng một chút sơ sẩy đã làm lộ âm mưu lớn, đặt chính phủ Ixraen vào cảnh “muối mặt” trước cộng đồng quốc tế và gây ra kiếp nạn cho hàng loạt chính khách nước này.

Âm mưu của Gibli

Rạp hát Rio (do người Anh làm chủ) ở thành phố cảng Alexandria, 7 giờ tối ngày 23/7/1954. Dòng người kiên nhẫn chờ đến lượt mua vé. Lửa bất ngờ bùng lên từ người một thanh niên. Tiếng kêu thất thanh vang lên cùng với sự náo loạn.

Binyamin Gibli – “tội đồ” trong Chiến dịch Susannah.

Đang tuần tra bên ngoài, đại úy cảnh sát Banabí bất ngờ thấy một thanh niên trong chiếc áo choàng đang bừng bừng cháy từ rạp hát Rio lao ra. Nhanh như cắt, Banabí ào tới đẩy “ngọn đuốc sống” xuống đất.


Sau một hồi lăn lộn với sự trợ giúp của Banabí, rốt cuộc ngọn lửa trên người thanh niên nọ được dập tắt, vết thương xem ra không nghiêm trọng. Cái mũi thính của Banabí chợt cảm nhận được một mùi gì đó rất quen. Phốt phát? Đúng rồi! Liên tưởng tới những vụ tấn công bằng bom cháy xảy ra gần đây ở Alexandria và Cairô, Banabí nghi ngờ sự dính líu của thanh niên nọ.

Cơ quan an ninh Ai Cập vào cuộc và nhanh chóng xác định thanh niên nọ là Philip Nathanson, thành viên của Tổ chức Thanh niên Phục quốc Do Thái. Bản thân Nathanson cũng thừa nhận rằng mình đã tham gia vào một nhóm phá hoại, nhận lệnh phóng hỏa rạp hát Rio, nhưng không ngờ quả bom cháy giấu trong bao đựng kính đột nhiên phát hỏa.


Bằng các ngón nghề nghiệp vụ, cơ quan an ninh Ai Cập còn moi thêm từ miệng kẻ bị bắt một bí mật quan trọng hơn: Nathanson thực chất là nhân viên đặc vụ Ixraen, hành động theo mệnh lệnh phát ra từ tổng bộ ở Ten Avíp.

Nhận định vụ phóng hỏa bất thành ở rạp hát Rio có liên quan chặt chẽ tới những vụ phóng hỏa nhằm vào tài sản của người Anh và người Mỹ ở Cairô và Alexandria, cơ quan an ninh Ai Cập quyết định mở rộng và đi sâu điều tra. Một âm mưu lớn do cơ quan tình báo quân sự Ixraen (AMAN) bí mật trù tính dần lộ ra.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1954. Sau khi trở thành Thủ tướng Ixraen, Moshe Sharett đã cùng với các nhân vật “bồ câu” như Bộ trưởng Quốc phòng Pinhas Lavon tìm cách hòa giải với người Arập. Đúng lúc này, xuất phát từ nhu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, giới chức Ai Cập bắn tiếng đề nghị Mỹ gây sức ép buộc Anh phải rút 80.000 quân đóng ở khu vực ven bờ kênh đào Suez.

Đổi lại, Ai Cập sẽ “chiều lòng” Mỹ, không ký hiệp ước phòng thủ với Irắc và Thổ Nhĩ Kỳ nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho Oasinhtơn tăng cường ảnh hưởng tại khu vực chiến lược này và tô điểm thêm cho hình tượng bá quyền hàng đầu thế giới của Mỹ. Nhìn thấy rõ mối lợi, Nhà Trắng đương nhiên gật đầu nhất trí. Dưới áp lực của Mỹ, Anh đành hậm hực đồng ý rút quân, chỉ bảo lưu duy nhất quyền sử dụng sân bay quân sự tại khu vực kênh đào Suez.

Thỏa thuận giữa Mỹ, Anh và Ai Cập vốn không liên quan gì đến người Ixraen. Nhưng sau khi nắm được thông tin trên, những nhân vật thuộc phái diều hâu trong quân đội Ixraen cảm thấy bất an nghiêm trọng.


Họ cho rằng, sau khi quân Anh rút đi, Ixraen sẽ phải đối mặt trực diện với quân đội Ai Cập. Trong khi đó, người Ai Cập hoàn toàn có thể biến khu vực ven bờ kênh đào Suez thành trận địa tiền duyên để tấn công Ixraen. Đáng sợ hơn là thỏa thuận ba bên Mỹ - Anh - Ai Cập cho thấy khuynh hướng thân Ai Cập và người Arập của Mỹ đã lộ rõ hơn và biết đâu lại có một ngày Mỹ sẽ lạnh nhạt, thậm chí là bỏ rơi Ixraen. Vậy phải làm thế nào?

Một góc thành phố Alexandria của Ai Cập khi xưa, nơi có nhiều mục tiêu tấn công trong Chiến dịch Susannah.


Vắt óc đêm ngày, cuối cùng, đại tá Binyamin Gibli - Cục trưởng AMAN - cũng nghĩ ra âm mưu ly gián Mỹ, Anh và Ai Cập: Phá hoại tài sản của người Anh và người Mỹ ở Ai Cập rồi giá họa cho người Ai Cập, khiến Oasinhtơn và Luân Đôn bất mãn, thậm chí là mất lòng tin vào Cairô, quay trở lại thân Ten Avíp, làm kế hoạch rút quân Anh khỏi khu vực kênh đào Suez chết từ trong trứng nước. Điều đáng nói là Gibli không hề báo cáo việc thực thi âm mưu trên với lãnh đạo ngành tình báo Ixraen Isser Harel và Bộ trưởng Quốc phòng Lavon. Tại sao vậy?

Là một sĩ quan trẻ, nhưng Gibli lại có dã tâm rất lớn. Ngồi trên ghế chỉ huy AMAN, Gibli vẫn chưa thỏa chí, chỉ mong có ngày trở thành Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ixraen. Chính vì thế, việc Harel được bổ nhiệm làm người đứng đầu ngành tình báo Ixraen đã giáng một đòn chí mạng vào tham vọng của Gibli. Đối với Gibli, việc phải tuân theo mệnh lệnh của Harel thật khó chấp nhận. Xuất phát từ động cơ cá nhân: Nếu việc ly gián Mỹ, Anh và Ai Cập thành công, mình sẽ ghi điểm lớn và cơ hội thăng tiến sẽ tới, Gibli khẩn trương vạch và thực thi Chiến dịch Susannah.

Cái sảy nảy cái ung

Theo lệnh của Gibli, đặc vụ dày dạn kinh nghiệm Avraham Dar. Seidenberg (Avri Elad) đang hoạt động ở Ai Cập dưới vỏ bọc của một công dân Anh với cái tên giả là John Darling, nhanh chóng bắt tay xây dựng mạng lưới gián điệp bí mật phục vụ Chiến dịch Susannah, một ở Cairô, do bác sĩ Moshe Marzouk chỉ đạo, một ở thành phố cảng Alexandria, đặt dưới quyền chỉ huy của Shmuel Azar, một giáo viên địa phương. Đảm nhiệm công tác liên lạc giữa hai lưới gián điệp của AMAN tại Ai Cập là bóng hồng xinh đẹp Marcelle Ninio, xuất thân trong gia đình quý tộc ở Cairô. Ngoài Gibli và những người trong cuộc, không ai khi đó biết đến sự tồn tại của mạng lưới gián điệp này.

Gọi là lưới gián điệp, nhưng thực chất đây chỉ là sự tập hợp của những kẻ ưa thích mạo hiểm nghiệp dư, không có chút kiến thức nào về hoạt động tình báo. Họ nhiều khi còn bỏ quên cả tài liệu ở nhà hàng hay trên phương tiện giao thông công cộng và những “bản tin tình báo” do họ gửi về tổng hành dinh AMAN hầu như không có giá trị sử dụng. Xuất phát từ thực tế đó, Gibli đã sắp xếp để đưa 5 nhân viên gián điệp mà Seidenberg tuyển mộ ở Ai Cập về Ixraen huấn luyện cách sử dụng thuốc nổ, mực mật, máy mã, tiến hành liên lạc và chụp trộm tài liệu…, sau đó cung cấp cho họ máy phát vô tuyến điện, mã khóa và khí tài phá hoại, lên đường trở về Ai Cập.

Rất may cho Gibli là vào đúng lúc cần thiết thì Harel sang thăm và làm việc tại Mỹ. Không bỏ lỡ thời cơ, Gibli quyết định tận dụng khoảng thời gian Harel vắng mặt tại Ixraen để hành động.


Theo quy ước, hàng ngày các điệp viên của Seidenberg phải nghe chương trình phụ nữ gia đình của Đài phát thanh Ixraen để nhận những chỉ thị đã được ẩn đi trong các câu chữ bình thường. Mệnh lệnh mở màn Chiến dịch Susannah cũng được phát đi theo cách này. Trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi Đài phát thanh Ixraen phát đi bài hát nổi tiếng “Susannah” của Mỹ này, Chiến dịch Susannah phải bắt đầu.

Ngày 30/6/1954, Seidenberg bắt liên lạc với các điệp viên của mình, truyền đạt kế hoạch của AMAN. Ai cũng tỏ ý nghi ngờ vào sự thành công và cho rằng hành động phá hoại chưa chắc đã đạt được mục đích đề ra. Thấy vậy, Seidenberg đã phải lên dây cót và yêu cầu mọi người phải chấp hành mệnh lệnh cấp trên như chính họ là những người lính. Ngày 1/7/1954, Seidenberg báo cáo với Gibli rằng mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Ngay hôm đó, giai điệu bài hát Susannah vang lên trong chương trình phụ nữ gia đình của Đài phát thanh Ixraen.

Những vụ tấn công ban đầu nhằm vào thư viện, bưu điện… của người Anh và người Mỹ diễn ra trót lọt, nhưng tới khi Nathanson bất cẩn, bị bắt và cung khai sự thật với cơ quan an ninh Ai Cập, đổ vỡ đã trở thành điều không thể tránh khỏi. Do hai lưới gián điệp hoạt động khá vô nguyên tắc, các thành viên đều biết nhau, liên hệ không dùng mật danh hay tiếng lóng, nên cơ quan an ninh Ai Cập nhanh chóng tóm được các đồng đảng của Nathanson, tổng cộng 11 người, ngoại trừ Seidenberg.

Ngày 11/12/1954, tòa án Ai Cập bắt đầu xét xử vụ án gián điệp Ixraen tại Cairô. Hôm sau, Thủ tướng Ixraen Sharett đã lên tiếng chỉ trích hành động tố tụng này của chính quyền Ai Cập là một vở kịch được dựng lên nhằm bức hại các kiều dân Do Thái ở Ai Cập. Ông Sharett tin rằng phía Ai Cập đã bịa đặt ra chứng cớ để buộc tội các bị cáo bởi khi được gọi lên báo cáo, Harel đã khẳng định chắc như đinh đóng cột với Sharett rằng mình không hề biết về cái gọi là “Chiến dịch Susannah” và không thể có chuyện như vậy được.

Marzouk (đeo kính đen) và Azar (phải, ngoài cùng), hai điệp viên Ixraen bị Ai Cập xử tử hình.


Về phần Gibli, sự thất bại của Chiến dịch Susannah nằm ngoài dự liệu. Biết không thể gánh vác nổi trách nhiệm, nên thay vì truy tìm nguyên nhân đổ vỡ, Gibli căng đầu tìm người chịu tội thay. Nhưng đó là ai? Trong sự kiện này, AMAN chắc chắn không thể nào rũ bỏ được sự dính líu bởi nhân viên tình báo của họ đã bị người Ai Cập bắt. Tính toán nát óc, cuối cùng, Gibli quyết định đổ trách nhiệm cho cấp trên của mình là Bộ trưởng Quốc phòng Lavon.

Dầu sao, Bộ Quốc phòng cũng là cơ quan lãnh đạo của AMAN, nên việc Lavon ra lệnh cho AMAN thực thi chiến dịch phá hoại ở Ai Cập xem ra rất có lý.

Cuối tháng 12/1954, khi tòa án Ai Cập vẫn đang trong quá trình xét xử, Meir Max Bineth, một trong số 11 điệp viên của Ixraen bị Ai Cập bắt đã dùng dao cạo râu tự kết liễu đời mình trong nhà tù. Lúc này, các nhà lãnh đạo chính trị cao cấp của Ixraen ý thức được rằng lực lượng tình báo nước này quả nhiên đã tiến hành một chiến dịch bí mật nào đó ở Ai Cập. Tuy nhiên, ai là người đã ra lệnh và tại sao hai lưới gián điệp Ixraen ở Ai Cập lại bị tóm một cách gọn ghẽ và nhanh chóng đến vậy?

Bị cấp trên cật vấn, Harel liền truy hỏi Gibli. Vị Cục trưởng AMAN đã không ngần ngại thừa nhận chính AMAN đã vạch ra và thực thi Chiến dịch Susannah. Nhưng Gibli cũng chua thêm rằng hành động của AMAN đã nhận được sự phê chuẩn bằng miệng của Lavon trong giao ban tình báo hàng tuần tại Bộ Quốc phòng vào ngày 16/6/1954. Lavon đương nhiên phủ nhận sự dính líu và lôi nhật trình công tác ra chứng minh ngày 16/6/1954, không hề có cuộc giao ban tình báo nào.

Tranh cãi nổ ra, không còn cách nào khác chính phủ Ixraen buộc phải vào cuộc. Ngày 29/12/1954, nội các nước này ra lệnh thành lập ủy ban điều tra nhằm làm rõ chân tướng hoạt động phá hoại của AMAN tại Ai Cập. Nhân chứng duy nhất là Seidenberg được triệu hồi về Ten Avíp. Nhưng Gibli đã nhanh chân hơn, cử người tới Pari (Pháp), nơi Seidenberg đang trú ngụ, bàn thảo chuyện đối phó. Nhờ sự phối hợp kín kẽ đó, vai trò giật dây đằng sau của Gibli trong Chiến dịch Susannah vẫn được giữ kín.

Lòi đuôi

Ngày 27/1/1955, tòa án Ai Cập ra phán quyết Marzouk và Azar bị tuyên án tử hình, 6 bị cáo khác nhận hình phạt tù giam có thời hạn, 2 bị cáo còn lại do không đủ chứng cứ kết tội được thả tự do. Với cơ quan an ninh Ai Cập, việc bóc gỡ được liền lúc hai lưới gián điệp Ixraen được xem như là chiến công lớn, không chỉ giúp bảo vệ an ninh quốc gia, mà còn giúp đất nước thoát khỏi cạm bẫy chính trị nguy hiểm. Vụ việc vì thế đã trở thành một chủ đề nóng được báo chí Ai Cập đương thời khai thác triệt để.

Về phía Ixraen, hệ lụy vẫn chưa kết thúc. Gần một tuần sau khi tòa án Ai Cập khép lại vụ xét xử các gián điệp Ixraen, dù không biết gì về Chiến dịch Susannah, nhưng Lavon vẫn buộc phải từ chức. Ghế Bộ trưởng Quốc phòng được chuyển cho cựu Thủ tướng David Ben-Gurion. Một thời gian ngắn sau, đến lượt Thủ tướng Sharett ra đi và người thay ông ở vị trí người đứng đầu Chính phủ Ixraen chính là vị tiền nhiệm David Ben-Gurion. Với tư cách người đứng đầu AMAN, Gibli cũng bị cách chức. Rốt cuộc, chính ngọn lửa tham vọng đã thiêu rụi giấc mơ quyền lực của Gibli. Dẫu sao quả báo ấy vẫn nhẹ hơn nhiều so với những gì mà Gibli đáng phải chịu vì hậu quả gây ra.

Trong sự kiện Chiến dịch Susannah, Lavon có lẽ là người oán hận Gibli nhất. Không được biết, không ra lệnh, nhưng vị Bộ trưởng Quốc phòng đang có tiền đồ xán lạn này đã phải giơ đầu chịu báng vì sự giá họa của cấp dưới. Một nhân vật khác, tuy không bị mất chức, nhưng cũng quyết không bỏ qua cho Gibli, đó là Harel. AMAN dưới sự lãnh đạo của Gibli rõ ràng đã không coi ai ra gì, tự tung tự tác. Harel nghi ngờ tính chân thực trong lời khai của Seidenberg trước ủy ban điều tra.

Manh mối xuất hiện khi Harel nhận được thông tin có người nhìn thấy Seidenberg gặp Đại tá Nuri Otman, tùy viên quân sự Ai Cập tại Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức). Và trong thời gian diễn ra Chiến dịch Susannah, Otman là chỉ huy lực lượng phản gián quân đội Ai Cập tại Cairô. Nghi ngờ càng nổi lên khi thực tế cho thấy hai tuần sau khi các gián điệp tham gia Chiến dịch Susannah bị bắt, Seidenberg vẫn nhởn nhơ ở Ai Cập. Lẽ nào Seidenberg làm việc cho cả tình báo Ixraen lẫn tình báo Ai Cập?

Để làm sáng tỏ vấn đề, các nhân viên điều tra đã bí mật khám xét nhà Seidenberg và phát hiện rất nhiều tài liệu tình báo bất hợp pháp, có tính nhạy cảm cao. Seidenberg bị bắt và thừa nhận đã giúp Gibli ngụy tạo chứng cứ nhằm chối bỏ vai trò trong Chiến dịch Susannah. Sau đó, Seidenberg bị đưa ra xét xử, nhưng tòa án không đủ chứng cứ để chứng minh Seidenberg đã phản bội tổ quốc, làm việc cho tình báo Ai Cập và bán đứng đồng đội vào năm 1954.


Trước vành móng ngựa, Seidenberg cáo buộc rằng cả ngành tình báo Ixraen âm mưu chống lại mình và chỉ có riêng ông ta là nói sự thật. Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ điều đó và tuyên phạt Seidenberg mức án 10 năm tù giam. Sau khi mãn hạn tù, Seidenberg mở một cửa hàng bán tivi tại Ten Avíp, trước khi di cư sang California (Mỹ) vào năm 1972 và mất tại đó.

Tháng 12/1960, ủy ban điều tra Chiến dịch Susannah của Ixraen tuyên bố Lavon chưa bao giờ ra lệnh thực thi Chiến dịch Susannah. Dù được minh oan, nhưng Lavon không bao giờ được phục hồi chức vị và danh dự được vãn hồi trở thành niềm an ủi lớn nhất đối với ông. Số phận cũng mỉm cười với những điệp viên Ixraen tham gia Chiến dịch Susannah bị giam giữ tại các nhà tù của Ai Cập.

Tháng 2/1968, Ixraen đã dùng 5.000 tù binh Ai Cập bị bắt trong cuộc chiến tranh 6 ngày (Chiến tranh Trung Đông lần thứ 3, từ ngày 5 đến ngày 10/6/1967) để đổi lấy siêu điệp viên Wolfgang Lotz cùng 4 điệp viên khác tham gia Chiến dịch Susannah, nhưng vẫn đang phải chấp hành án tù. Chiến dịch Susannah dù được xây dựng bởi dã tâm của Gibli và gây tổn hại tới hình ảnh của Ixraen, nhưng với tình báo nước này, việc bảo vệ điệp viên đã trở thành chính sách nhất quán.

Lê Minh (Tổng hợp)