10:21 24/10/2020

'Venice phương Đông' giải quyết tắc đường bằng kênh rạch

Nếu hồi sinh hệ thống kênh rạch, các thành phố có thể giải quyết ô nhiễm, ùn tắc giao thông và các vấn đề môi trường một cách không tốn kém.

Chú thích ảnh
Thuyền máy chạy trên hệ sống kênh rạch Bangkok. Ảnh: Pattayamail

Ba năm nay, phương tiện di chuyển thường ngày từ nhà đến chỗ làm của Nuttanakul Somsak không giống như hầu hết người dân Thái Lan sống tại thủ đô Bangkok.

Với số tiền chỉ bằng một nửa tiền vé tàu điện ngầm, cô đã có một chỗ ngồi thoải mái trên chiếc thuyền máy chở khách đi dọc hệ thống kênh rạch tại Bangkok và tới chỗ làm với thời gian tương đương khi ngồi trên một chiếc taxi. Theo hãng tin Reuters, thuyền máy chịu trách nhiệm chở khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày.

“Đi bằng thuyền rẻ và nhanh. Nếu như tôi phải bắt taxi hay đi xe buýt, tôi phải dậy sớm hơn 1 tiếng và mất nhiều tiền hơn”, Somsak chia sẻ.

“Điểm trừ duy nhất của hình thức di chuyển này là mùi từ các con kênh bốc lên. Một lần, tàu của tôi bị một tàu khác bắn nước lên, và tôi phải mua một chiếc váy mới để đến chỗ làm thay. Tuy nhiên, tôi vẫn rất sẵn lòng đi tàu vì chỗ làm mới của mình ở gần một bến đỗ”, cô cho hay.

Xây dựng trên một khu vực ngập lũ bên sông Chao Phraya, Bangkok từng được ví von như “Venice phương Đông” với mạng lưới kênh rạch chằng chịt.

Chú thích ảnh
Khách ngồi giãn cách mùa COVID-19 trên thuyền máy. Ảnh: AFP

Hệ thống kênh rạch và sông kéo dài hàng trăm km đóng vai trò là hành lang vận chuyển hàng hóa và con người, đồng thời là trung tâm thương mại với rất nhiều chợ nổi dân sinh. Nhưng từ đầu thế kỷ 20, nhiều con kênh đã bị lấp đi để làm đường. Những con kênh khác cũng bị tắc nghẽn bởi rác thải.

Các tuyến đường trên bộ của Thái Lan cũng dần bị tắc nghẽn. Thủ đô Bangkok được xếp hạng là một trong những điểm giao thông tồi tệ nhất thế giới.

Nhằm giảm bớt tắc nghẽn giao thông, cũng như tạo ra một thành phố đáng sống hơn với giao thông công cộng thân thiện với môi trường và ít ô nhiễm, giới chức Bangkok đang lên kế hoạch khôi phục một số kênh đào và đưa phà điện vào sử dụng. Bà Niramon Serisakul, Giám đốc Trung tâm Thiết kế và Phát triển Đô thị (UddC) thường tư vấn cho Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok (BMA), cho biết:

“Hiện nay, khi mọi người lo ngại về việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong thời kỳ COVID-19, đường sông và kênh rạch có thể là một giải pháp thay thế hoàn hảo”.

Các con sông, kênh rạch len lỏi đã trở thành chìa khóa cho thương mại, giao thông, văn hóa và an ninh tại nhiều thành phố cổ xưa trên thế giới, từ Rome đến Tokyo.

Tuy nhiên, khi đường bộ và đường hàng không trở nên phổ biến hơn và dân số mở rộng, các con sông và các tuyến đường thủy khác phần lớn bị các nhà hoạch định chính sách và người dân lãnh quên. Từ đó, các con sông trở nên ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải và chất thải công nghiệp.

Nhưng trong những năm gần đây, các thành phố như Chicago (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc) đã tính đến dự án hồi sinh các khu vực ven sông vì lợi ích kinh tế và môi trường.

Khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, các nhà quy hoạch quan tâm đến việc khai thác hiệu quả làm mát của các con sông để đối phó hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và vai trò của chúng trong việc giảm thiểu lũ lụt.

Kanjanee Budthimedhee - chủ nhiệm chương trình thiết kế và quy hoạch tại Đại học Công nghệ King Mongkut - cho biết: “Nếu chúng ta hồi sinh hệ thống kênh rạch, chúng ta có thể giải quyết ô nhiễm, ùn tắc giao thông và các vấn đề môi trường một cách không tốn kém”.

Theo Ngân hàng Thế giới, Bangkok được dự báo là một trong những khu vực đô thị bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Trái Đất ấm lên, với gần 40% diện tích thành phố được cho là sẽ bị ngập vào năm 2030.

Theo các chuyên gia khí hậu, mỗi năm Bangkok hạ thấp 2 cm và lũ lụt ở nhiều vùng của Bangkok đã phổ biến trong đợt mưa hàng năm.

Bà Niramon nhắc lại trận lụt tàn phá năm 2011 khiến hơn 500 người thiệt mạng tại Bangkok như một lời nhắc nhở về mối đe dọa đối với thành phố. “Trận lụt năm 2011 càng làm rõ tầm quan trọng của hệ thống kênh mương trong việc giảm thiểu lũ lụt và thoát nước. Kế hoạch nâng cấp là một phần của mục tiêu lớn hơn nhằm cải thiện giao thông, môi trường và chất lượng cuộc sống, từ đó giúp tăng cường nền kinh tế”, bà Niramon kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức