05:11 12/05/2011

Vênêxuêla đề nghị lập cơ chế quốc tế về Libi

Ngày 11/5, Vênêxuêla đã đề nghị thành lập một cơ chế quốc tế độc lập và công bằng nhằm tìm cách ngăn chặn xung đột tại Libi thông qua con đường hòa bình, đảm bảo chủ quyền, đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia Bắc Phi này.

Ngày 11/5, Vênêxuêla đã đề nghị thành lập một cơ chế quốc tế độc lập và công bằng nhằm tìm cách ngăn chặn xung đột tại Libi thông qua con đường hòa bình, đảm bảo chủ quyền, đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia Bắc Phi này.

Phát biểu tại phiên họp của HĐBA LHQ, đại diện thường trực của Vênêxuêla tại LHQ, ông Jorge Valero, nhấn mạnh việc tìm cách thay đổi chính phủ Libi từ bên ngoài là vi phạm Hiến chương LHQ và Nghị quyết 1973 về tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Libi. Việc hành động như một đạo quân để ủng hộ lực lượng chống chính phủ đã hủy hoại tính nhân đạo của hoạt động bảo vệ người dân trong các cuộc xung đột vũ trang. Ông Valero cũng tố cáo một số nước đang cung cấp vũ khí và cố vấn quân sự cho lực lượng chống chính phủ tại Libi “trong khi cần giữ lập trường không thiên vị trong một cuộc xung đột nội bộ của một nước mà lẽ ra phải do nhân dân nước đó tự giải quyết một cách độc lập”.

Hãng thông tấn chính thức của Libi JANA cùng ngày đưa tin, Thủ tướng nước này, ông Baghdadi Mahmoudi đã cáo buộc chiến dịch không kích của NATO vào Libi là vi phạm Hiến chương LHQ. Thủ tướng Mahmoudi đưa ra cáo buộc trên khi điện đàm với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou về những hậu quả nghiêm trọng của chiến dịch đánh bom do NATO tiến hành. Ông Al-Mahmoudi khẳng định, các cuộc không kích do liên quân thực hiện rõ ràng đã vượt quá quyền hạn mà LHQ ủy thác, vi phạm luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương LHQ. Thủ tướng Libi gọi chiến dịch quân sự của NATO là “hành động vi phạm nghiêm trọng và diễn ra liên tiếp”, là “sự gây hấn nhằm vào người dân Libi”.

Liên quan đến số phận của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, mạng tin Debka của Ixraen ngày 11/5 nhận định, ông Kadhafi cùng gia đình và các tướng lĩnh hàng đầu đã rời khỏi Tripôli sau khi tên lửa NATO tấn công vào dinh thự của ông hôm 1/5. Oasinhtơn và NATO nghi ngờ rằng các thiết bị đối phó bằng điện tử tiên tiến vừa được nhập khẩu cho một trong những đại sứ quán nước ngoài ở Tripôli đã giúp cảnh báo trước cho ông Kadhafi về cuộc tấn công tên lửa này. Các nguồn tin tình báo cho biết, kể từ khi những thiết bị này được kích hoạt cách đây hai tuần, các cuộc oanh kích của NATO hầu như chỉ nhằm vào các tòa nhà chính phủ và cơ sở quân sự bị bỏ trống.

Trong khi đó, lực lượng chống chính phủ Libi ngày 11/5 tuyên bố đã giành quyền kiểm soát sân bay Misrata sau một cuộc giao tranh dữ dội với quân chính phủ. Cùng ngày, phía đông Tripôli lại hứng chịu một loạt cuộc không kích bằng tên lửa sau khi các máy bay của NATO quần đảo liên tục vùng trời thủ đô. Các nhân chứng cho biết, tên lửa đã được bắn vào một số mục tiêu gần Tajoura - tiêu điểm của các hành động chống chính phủ.

lVề tình hình tại Yêmen, ngày 11/5, các nhà lãnh đạo sáu nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã kêu gọi các bên ở Yêmen sớm ký thỏa thuận về chuyển giao quyền lực. GCC nhấn mạnh rằng kế hoạch chuyển giao quyền lực mà tổ chức này đề xuất là con đường đưa Yêmen thoát cuộc khỏi khủng hoảng hiện nay, tiến tới giải quyết những chia rẽ về chính trị và bất ổn về an ninh.

Trong khi đó, tại thủ đô Xana của Yêmen, Tổng thống nước này Ali Abullah Saleh đã tiếp phái viên LHQ Jamal bin Omar đang ở thăm Yêmen nhằm bàn biện pháp giải quyết khủng hoảng chính trị.

lLiên quan tới Xyri, các nguồn tin LHQ ngày 11/5 cho biết trong khi phương Tây tìm cách thông qua tại HĐBA LHQ một nghị quyết lên án Tổng thống Bashar al-Assad thì Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác trong HĐBA tiếp tục lên tiếng phản đối nghị quyết này.

Trong bối cảnh tình hình Xyri đang xấu đi nghiêm trọng, Anh và các đồng minh phương Tây hối thúc HĐBA thông qua một nghị quyết lên án Xyri, cho rằng chính quyền của Tổng thống Al-Assad đàn áp người biểu tình. Tuy nhiên, nhiều nước ủy viên khác trong HĐBA, trong đó có Nga và Trung Quốc, đã lên tiếng bác bỏ. Một số nước tỏ ra do dự, do những hành động mới đây của NATO ở Libi. Theo các chuyên gia, số phận của dự thảo nghị quyết này nằm trong tay Ấn Độ, Nam Phi và Braxin, những nước được xem là có ảnh hưởng nhưng còn do dự.

Hồng Hạnh