10:08 05/10/2014

Vẹn nguyên khát vọng hòa bình - Bài 4: Hà Nội ngày trở về

Ngày 10/10/1954, đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội trong sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân Thủ đô. Lớp lớp đoàn quân " Bộ đội Cụ Hồ" ca khúc khải hoàn trong biển người và hoa. Đường phố rực cờ đỏ sao vàng. Tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy.

Sáng 8/10/1954. Quân đội Pháp làm lễ hạ cờ. Quân nhạc cử quốc thiều Pháp. Cờ hạ. Gương mặt nhiều sỹ quan Pháp ướt đẫm nước. Ngày 9/10/1954, những người lính thực dân cuối cùng rời Hà Nội qua cầu Long Biên. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng.


Đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội trong sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân Thủ đô.


Ngày 10/10/1954, đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội trong sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân Thủ đô. Lớp lớp đoàn quân " Bộ đội Cụ Hồ" ca khúc khải hoàn trong biển người và hoa. Đường phố rực cờ đỏ sao vàng. Tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy. Những gương mặt rạng rỡ, nụ cười, ánh mắt, tay vẫy, những giọt lệ mừng vui…

Năm cửa ô đón mừng


Giữa tiết trời thu Hà Nội này, Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp, nguyên cán bộ Quân chủng Phòng không không quân, Bộ Quốc phòng, bồi hồi nhớ về những ngày trọng đại của dân tộc. Đó là ngày Giải phóng Thủ đô. Thời khắc lịch sử ấy, ông Diệp là chàng lính trẻ người Hà Nội tuổi chưa đến 20 trong biên chế Đại đoàn quân Tiên phong 308 cùng lớp lớp " Bộ đội Cụ Hồ" từ Thủ đô kháng chiến, từ lòng chảo Điện Biên ngập đầy thuốc súng, xác thù, ca khúc khải hoàn từ khắp 5 cửa ô tiến vào Hà Nội.
 
Chân bước trên mảnh đất kinh kỳ Thăng Long, mắt chàng lính trẻ Vũ Ngọc Diệp mờ đi, nhòa đi. Trước mắt anh " Bộ đội Cụ Hồ", những phố phường với mái ngói thâm nâu, tường vôi loang lổ, những vòm cây thấp thoáng, giờ được choàng lên sắc cờ đỏ thắm. Hàng ngàn, hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên từng cửa ô, góc phố, trên mỗi căn nhà. Và cũng hàng ngàn, hàng vạn gương mặt trẻ già, hàng rừng tay cầm cờ hoa reo vẫy đón chào " Bộ đội Cụ Hồ". Có những thiếu nữ, những em thơ, những mẹ già không kìm được xúc động đưa bàn tay nắm bàn tay những người con Hà Nội trở về như đã ước hẹn.

Cũng như Tướng Diệp, “ngày ấy chói vinh quang” cũng ùa về trong tâm trí ông Tăng Tuấn Khang, phường Tứ Liên, Tây Hồ, nhân chứng lịch sử về cuộc lùng sục, sát hại, trả thù dân làng Tứ Tổng vì vây trượt Trung đoàn Thủ đô của giặc Pháp những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Kể lại những giờ phút đi đón đoàn quân chiến thắng, ông Khang sôi nổi nói: 5 giờ sáng ngày 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa hết. Dân làng Tứ Tổng mở cửa đón chào ngày mới, ngày Giải phóng Thủ đô. Dân làng đem những lá cờ tự may treo lên cửa. Người người mặc quần áo đẹp nhất ra đường Nghi Tàm, Quảng Bá đón các chiến sỹ Việt Minh trở về, đi theo các chiến sỹ ra hướng Bờ Hồ.

“Lúc đó khoảng 8 giờ sáng ngày 10/10. Dân chúng từ các phố Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang cũng đổ ra mỗi lúc một đông, hòa thành một không khí náo nhiệt, vui tươi. Người nào cũng tay cờ, tay hoa cùng nhau vỗ tay ca hát. Còn các chiến sỹ quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên” cài trên ngực áo trở về trong lòng nhân dân, đi giữa một rừng cờ và hoa, đi trong sự đón chào nồng nhiệt của đồng bào. Nhìn đại quân tiến vào Hà Nội, nhiều người đã bật khóc. Đó là giọt nước mắt của sự sung sướng, hân hoan, tự hào. Những bó hoa tươi thắm từ tay các thiếu nữ Hà Nội trong trang phục áo dài thướt tha thi nhau tung lên xe ô tô, các anh bộ đội dang tay đón nhận”- Ông Khang say sưa kể lại

Lễ chào cờ lịch sử

Buổi chiều ngày 10/10, toàn thành phố hướng về thành Hoàng Diệu, trên Cột cờ, các đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, cơ giới... tập hợp thành khối vuông, nghiêm trang làm lễ chào cờ. Trên đỉnh Cột cờ, quốc kỳ tung bay trước gió trên nền trời thu xanh ngắt. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội bước ra trước máy phóng thanh đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Trong đó, có đoạn Bác căn dặn: “…Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn nhưng Chính phủ cố gắng quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì nhất định chúng ta vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Nhớ lại lễ chào cờ thiêng liêng ấy, Trung tướng Phạm Hồng Cư, bồi hồi xúc động: Nhìn lên bầu trời hôm ấy thì thấy thật xanh trong. Trong sắc trời thu ấy bừng lên một sắc đỏ của ngọn cờ Tổ quốc. Nhắm mắt lại cũng thấy đẹp vô cùng, như bông hoa ở trên trời. Dưới đội hình thì tại sân vận động Cột cờ, đội hình bộ đội xếp hàng gồm các đơn vị của Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 phối hợp để tiếp quản thị xã Hà Đông tập hợp hàng ngũ chỉnh tề. Anh em ngồi trên xe lưỡi lê tuốt trần. Quang cảnh xúc động khiến bao nhiêu người nước mắt trào ra. “Trong niềm vui chiến thắng vẫn chen một nỗi nhớ về đồng đội đã vì nước quên thân, không có mặt trong ngày về"- Ông Hồng Cư thoáng nét buồn trên gương mặt.

Rồi vị tướng già bảo, kể từ lễ chào cờ lịch sử ấy, thấm thoắt đã 60 năm. Sắp tới, Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 70 tuổi. Nếu nhìn lại lịch sử thì từ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 người mặc thường phục, súng cầm tay thì tới ngày nay đội quân đó đã trưởng thành, trở thành một đội quân bách chiến bách thắng. Sự trưởng thành lớn mạnh ấy in dấu qua 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, người lính Việt Nam đội mũ nan mặc áo có huy hiệu Điện Biên Phủ thì đến thời kỳ chiến đấu giải phóng miền Nam là những người lính đội mũ sắt và lái xe tăng. Đội quân đó vinh dự được nhân dân công nhận, khen tặng là "Bộ đội cụ Hồ", là lực lượng vũ trang của dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

“Đội quân đó trung với Đảng, hiếu với dân như Bác Hồ dạy, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đó chính là chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội nhân dân Việt nam do Đảng Cộng sản Việt Nam tạo nên”- Trung tướng Hồng Cư nhấn mạnh.


Anh Tùng