10:09 22/10/2021

Về thăm Vũng Rô

Từ Nha Trang, chúng tôi ngược đèo Cả qua đất Phú Yên về thăm Vũng Rô, khu di tích quốc gia gắn với huyền thoại về những Con Tàu Không Số của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chú thích ảnh
Vũng Rô nhìn từ đèo Cả

Bức tranh thiên nhiên nhìn từ đỉnh đèo Cả là một sự tương phản tuyệt vời. Một bên vách núi dựng đứng, hiểm trở. Một bên là vịnh biển trong xanh, tàu bè ra khơi vào lộng, những làng chài hiền hoà bên sóng nước.

Chú thích ảnh
Vịnh Vũng Rô.

Lời ca bi tráng của thi sĩ Hữu Loan trong bài thơ Đèo Cả từ những năm kháng chiến chống Pháp nhắc nhớ về lịch sử oai hùng của vùng đất này. Những chiến sĩ trong đoàn quân Nam tiến ngày ấy giữa “Núi cao vút/mây trời Ai Lao/sầu đại dương /dặm về heo hút ...” vẫn kiên cường dù: “Giặc từ vũng Rô bắn tới/giặc từ trong đánh ra/Đèo cả vẫn giữ vững ...”.

Chú thích ảnh
Đường vào khu di tích.

Lịch sử một lần nữa chọn mảnh đất này đặt dấu ấn. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vũng Rô là một địa điểm tiếp nhận vũ khí, đạn dược, thuốc men từ các đoàn tàu không số cùng cấp cho chiến trường miền Trung ác liệt. Việc lựa chọn điểm tiếp nhận tại Vũng Rô, ngay trong tầm quan sát của quân Sài Gòn trên đèo Cả, là một quyết định dũng cảm, tạo nên yếu tố bí mật, bất ngờ cho thành công của các chuyến tàu.

Theo các tư liệu được công bố, trong thời gian chiến tranh, đường Hồ Chí Minh trên biển đã thực hiện hai nghìn chuyến tàu thuyền, vận chuyển hàng chục ngàn lượt cán bộ, gần 160 nghìn tấn vũ khí, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam và miền Trung.

Chú thích ảnh
Đài tưởng niệm những con tàu không số ở Vũng Rô.

Trong số ấy, có những chuyến tàu đến Vũng Rô.Vào các năm 1964-1965, địa điểm này đã tiếp nhận an toàn 4 chuyến tàu.Vũng Rô còn là nơi ghi dấu trận đánh đi vào sử sách của các chiến sĩ hải quân và lực lượng vũ trang địa phương. Ngày 15/2/1965, các các chiến sĩ trên tàu không số đã chống trả một lực lượng đông gấp bội của đối phương khi tàu bị địch phát hiện. Một số đồng chí đã hy sinh... Để tưởng nhớ và tôn vinh những chiến công và sự hy sinh anh dũng đó, Vũng Rô đã được nhà nước công nhận là khu di tích quốc gia vào năm 1997.

Khu di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển này được xây dựng ở Bãi Chùa. Trên diện tích rộng một héc ta, khu di tích có tượng đài hình con tàu không số, nhà tưởng niệm các liệt sĩ, các phù điêu đắp nổi miêu tả sự kiện lịch sử các đoàn tàu, dấu tích ở vùng nước nơi các chiến sĩ hủy tàu để giữ bí mật.

Chú thích ảnh
Phù điêu trong khu di tích miêu tả lịch sử những chuyến tàu không số.

Cùng các đồng nghiệp, chúng tôi đã viếng thăn khu di tích và đi dọc Vũng Rô để cảm nhận được cuộc sống hôm nay trên vùng đất này. Làng chài Vũng Rô phong cảnh yên bình, là nơi quần tụ của gần 400 gia đình từ nhiều vùng về đây sinh sống. Bà con làm nghề chài lưới, nuôi tôm hùm, đánh bắt, chế biến hải sản và dịch vụ. Đình làng Vũng Rô được tôn tạo khang trang, ngay bên bờ vịnh. Chúng tôi đi dọc cảng biển đã được nâng cấp, có thể đón các loại tàu với lượng hàng hoá thông qua khoảng 500 ngàn tấn một năm, một đầu mối giao lưu để phát triển kinh tế cho cả vùng.

Vũng Rô thuộc xã Hoà Xuân Nam, thị xã Đông Hoà, một khu kinh tế năng động của Phú Yên. Vùng đất này là nơi phong cảnh đẹp và nhiều tiềm năng phát triển. Vịnh Vũng Rô với trên 1600 héc ta mặt nước, được coi là một trong 10 vịnh biển đẹp nhất VN. Khu vực đèo Cả - Vũng Rô với những thắng cảnh nổi tiếng như hồ Hảo Sơn, Đá Bia, Bãi Tiên, Bãi Bàng, Bãi Môn... đang thu hút ngày càng nhiều du khách. Tuyến đường bộ ven biển 35km đã được mở từ Tuy Hòa tới vịnh biển này mở ra những cơ hội phát triển mới cho toàn vùng.

Chú thích ảnh
Đình làng Vũng Rô.

Vũng Rô - mảnh đất lưu giữ trong lòng đất, lòng biển, lòng người chiến tích anh hùng của những đoàn tàu không số, với tất cả truyền thống lịch sử, tiềm năng về thiên nhiên và con người, đang mạnh mẽ hướng tới tương lai.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng