Có những địa danh mãi còn lại trong ký ức một thời. Đối với tôi, sóc Bom Bo là một nơi như vậy.
Hơn nửa thế kỷ trước, trong những lớp học sơ tán, dưới những mái lá và chiến hào bao quanh ở làng quê, chúng tôi đã hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Giai điệu trầm hùng, lời ca lãng mạn miêu tả cảnh giã gạo đêm nuôi bộ đội cuốn hút chúng tôi, lớp học sinh sắp rời ghế nhà trường.
“Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa/ Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya/ Bồng con ra võng để đòng đưa /Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa.
Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ/ Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây/ Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay/ Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày...”
“Tiếng gà đã gáy màn sương phủ xuống/ Mồ hôi pha lẫn đẫm ướt suốt đêm dài/ Tiếng chày chưa dứt mặt trời đã thức/ Đàn chim náo nức vỗ cánh tung bay lên/ Mừng một đêm giã thêm nhiều gạo/ Bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình...”
Lửa chiến tranh bùng cháy trên cả hai miền đất nước. Bài ca về sóc Bom Bo của nhạc sĩ Xuân Hồng vượt qua dãy Trường Sơn để đến miền Bắc, được đông đảo người nghe cả nước mến mộ, truyền cảm hứng, góp thêm những giai điệu đẹp cho nền âm nhạc kháng chiến.
Trong chuyến thăm Bình Phước gần đây cùng các đồng nghiệp, tôi mới có dịp về sóc Bom Bo, nơi từ lâu mong mỏi được đặt chân đến. Đường về thị trấn Bù Đăng, rồi ngược lên sóc Bom Bo trải nhựa, rộng và bằng phẳng. Nhiều khu nhà mới hai vên đường, xen với những cánh rừng đang mùa thay lá. Cuộc sống vùng cao cũng đã hối hả theo vòng quay hiện tại. Quang cảnh không còn như trong bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng miêu tả. Dọc đường về sóc, tôi cố gắng hình dung cuộc sống ở đây gần 60 năm trước. Ngày ấy chàng trai Xuân Hồng cùng đồng đội về Bom Bo nhận gạo, chứng kiến những đêm giã gạo nuôi quân của đồng bào S’ Tiêng ngay trong tầm pháo của kẻ thù, để viết lên bài ca sống mãi cùng năm tháng.
Bom Bo ngày nay đã trở thành khu bảo tồn văn hoá của người S’ tiêng. Bản được quy hoạch lại và đầu tư xây dựng khang trang. Những dãy nhà sàn mới bên những con đường chạy qua núi, giữa những vườn cây và các cánh rừng. Trên diện tích trên 110ha, với số tiền đầu tư hơn 200 tỷ đồng, khu bảo tồn có các nhà dài, khu làng nghể truyền thống... cùng các trường học và các công trình phúc lợi xã hội khác. Nhà văn hoá của khu có trưng bày các hiện vật quý như bộ đàn đá kỷ lục Việt Nam nặng 20 tấn, bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam... Vào dịp lễ hội, tại đây, các du khách còn có dịp nghe các già làng kể chuyện, xem biểu diễn cồng chiêng và các vũ điệu của người S’tiêng; tìm hiểu các nghề thủ công dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, chế biến rượu cần; thưởng thức các món ăn truyền thống của người Bom Bo.
Chúng tôi đã tới thăm khu bảo tồn văn hoá S’ tiêng được xây dựng ở đây. Chị Thu Hương và anh Điểu Cường, người S’ Tiêng, cán bộ của khu đã hướng dẫn chúng tôi thăm các gian trưng bày hiện vật, tư liệu, hình ảnh về truyền thống cách mạng, bản sắc văn hoá của vùng đất này: Từ những hiện vật dùng để giã gạo nuôi quân, các vũ khí thô sơ trong kháng chiến nhằm bảo vệ buôn làng ... đến các công cụ lao động, các bộ cồng chiêng, đàn đá, khung cửi và các bộ quần áo dân tộc. Khu bảo tồn đón nhiều khách tham quan từ các vùng trong cả nước. Cũng như chúng tôi, sóc Bom Bo là một địa chỉ có sức thu hút đối với họ.
Chúng tôi được biết, trong quá trình phát triển, đời sống của trên hai ngàn người dân sóc Bom Bo, gồm phần lớn là người S’ tiêng, cùng người Kinh và một số dân tộc khác, có nhiều thay đổi. Số hộ có kinh tế khá chiếm hơn 60%, số hộ nghèo còn rất ít. Cả bản đều có điện. Tất cả các trẻ em đều đến trường. Nhiều gia đình làm dịch vụ du lịch, nghề thủ công, trồng cây ăn quả, chăn nuôi... có thu nhập tăng thêm khá. Từ năm 2020, xã Bình Minh, gồm sóc Bom Bo và các thôn khác, đã đạt chuẩn nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu, các cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống.
Trong cuộc sống hôm nay, người dân Bom Bo luôn trân trọng những giá trị đã làm nên truyền thống và bản sắc quê hương. Trong các câu chuyện kể cho con cháu, già làng Điểu Liên, 77 tuổi, một chiến sĩ du kích năm xưa cùng lớp người lớn tuổi ở sóc Bom Bo thường ôn lại kỷ niệm về những năm tháng kháng chiến hào hùng, khi người dân Bom Bo cùng đồng bào các buôn làng khác chấp nhận gian khó hy sinh, vì sự nghiệp giành độc lập, giải phóng quê hương.
Đồng bào các dân tộc ở đây dành những tình cảm đặc biệt với nhạc sĩ Xuân Hồng, người bằng bài hát nổi tiếng của mình đã ca ngợi tài tình vẻ đẹp của con người và cuộc sống Bom Bo trong những năm tháng gian nan ấy. Bài hát của ông đã góp phần làm cho hình ảnh sóc Bom Bo đến với nhân dân cả nước và là một tài sản tinh thần vô giá của người dân ở đây.Theo những người thân của ông kể lại, nhạc sĩ Xuân Hồng luôn coi Bom Bo là quê hương thứ hai của mình. Người dân ở đây cũng coi ông như người con quê hương. Năm 1996, về thăm sóc Bom Bo, nhạc sĩ Xuân Hồng đã được người dân ở đây rước bằng voi, nghi thức dành cho người tôn kính nhất. Đấy cũng là lần cuối cùng nhạc sĩ Xuân Hồng trở lại mảnh đất này trước khi chia xa mãi.