06:14 15/06/2014

Về thăm đền Bác

Bóng mát bao phủ khi xe chúng tôi bắt đầu đi vào xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Chị Nguyễn Thị Trúc Xuân, thuyết minh viên, vui vẻ hướng dẫn chúng tôi tham quan các hạng mục như: khu đền chính thờ Bác, nhà trưng bày hình ảnh và một số hiện vật của Bác,...

Bóng mát bao phủ khi xe chúng tôi bắt đầu đi vào xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Chị Nguyễn Thị Trúc Xuân, thuyết minh viên, vui vẻ hướng dẫn chúng tôi tham quan các hạng mục như: khu đền chính thờ Bác, nhà trưng bày hình ảnh và một số hiện vật của Bác, nhà Hội sinh hoạt và chiếu phim phục vụ, thư viện Hồ Chí Minh, phòng giữ lửa truyền thống… Chúng tôi rất xúc động khi được xem lại những thước phim tư liệu quý báu về Bác Hồ, được nhìn thấy những vật dụng sinh hoạt giản dị thường ngày của Người như: bộ quần áo ka ki, dép lốp, nón cối, chiếc gậy hành quân… nhất là nhìn lại ngôi nhà sàn, nơi Bác sống và làm việc với trái tim luôn hướng về miền Nam ruột thịt.

Đền thờ Bác tại xã Long Đức, Trà Vinh.

Theo lời kể của chị Trúc Xuân: sau khi Bác Hồ mất năm 1969, quân và dân xã Lương Tâm quyết định lập đền thờ tại văn phòng Đảng ủy xã với nghi thức trang trọng. Nhiều lần địch đánh phá nhưng đền Bác vẫn vững vàng trong bom đạn quân thù. Mỗi lần xuất kích, dân quân Lương Tâm đều đến thắp hương và hứa với Bác sẽ mang thắng lợi về. Đặc biệt sau khi xây xong đền thờ, quân và dân Hậu Giang đã liên tục tấn công 34 mục tiêu quân sự, tiêu diệt gần 400 tên địch. Tại xã Lương Tâm, quân ta đã tiêu diệt đồn Vàm Cấm, đồn Tô Ma, đồn Đường Đào diệt 40 tên địch. Ngày 2/9/1990, đền thờ Bác với các hạng mục qui mô hoàn thành đưa vào sử dụng. Nghi thức rước ảnh Bác và ngọn lửa truyền thống Pắc Bó được tổ chức trang nghiêm và xúc động. Từ đó đến nay, khu di tích lịch sử này đã được nâng cấp mở rộng nhiều lần với diện tích trên 2 ha gồm 7 hạng mục công trình, thu hút khá nhiều du khách gần xa tham quan. Mỗi năm, đền thờ Bác tiếp đón từ 35.000 đến 40.000 lượt người đến tưởng niệm công đức của Người. Các ngày lễ hội đều tổ chức nhiều hình thức hoạt động văn hóa - thể thao vui chơi giải trí cho nhân dân địa phương và các xã lân cận của tỉnh bạn. Đây còn là nơi tổ chức nhiều cuộc hành quân về nguồn, nói chuyện truyền thống, giáo dục lý tưởng sống cho đoàn viên thanh niên. Ngày 7/1/2000, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Trên đường dẫn về đền thờ Bác tại xã Long Đức, TP Trà Vinh, nhiều đoàn du khách trong đó có khá đông học sinh “về nguồn” để kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2014).

Đền thờ Bác tại xã Lương Tâm, Long Mỹ, Hậu Giang.


Xúc động biết bao khi nhìn thấy những cây vú sữa “miền Nam”, mái lá, vách tôn, cột gỗ, bàn thờ Bác trong khói hương thơm ngát. Khu di tích còn có khá nhiều cây me Tây cổ, cây Vạn Long Thọ tỏa bóng mát to rộng quanh năm. Chúng tôi càng xúc động hơn khi đến tham quan ngôi nhà sàn của Bác được phục chế gần như nguyên bản với những hiện vật như: nón, điện thoại, ghế nằm, cầu thang, bàn làm việc, rèm cửa… đang yên ả nhìn xuống ao sen. Tại khuôn viên rộng trên 6.000 mét vuông có trưng bày nhiều hiện vật chiến tranh như: xe JEEP, khẩu pháo 105 ly, trực thăng HUIA bị đại đội bộ binh 509 của ta bắn rơi năm 1964.

Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan, người thuyết minh kể lại: đền thờ xây dựng cuối tháng 3/1970, xong ngày 26/1/1971. Cũng trong năm này, ngôi đền bị đốt cháy hai lần rồi lại được nhân dân dựng lại. Công việc phải làm vào ban đêm, trước khi làm đều được nghe đọc lại di chúc Bác Hồ để tăng thêm sức mạnh. Địch ngày đêm điên cuồng đánh phá, tổ chức hàng chục cuộc hành quân càn quét, hàng trăm trận sử dụng hỏa lực hủy diệt bằng pháo binh, máy bay, tàu chiến. Quân và dân Long Đức đã anh dũng quyết tử giữ đền, loại khỏi vòng chiến hàng trăm tên địch, đền vẫn được giữ vững và nhanh chóng xây dựng lại sau mỗi lần bị địch phá hủy, đốt cháy. Ngày 29/4/1975 trước khi tháo chạy, Mỹ - Ngụy còn điên cuồng bỏ bom xuống ngôi đền nhưng chỉ làm hư hỏng nhẹ.

Hiện nay vào các ngày lễ lớn như: 30/4, 2/9, đặc biệt là 19/5, khu di tích này đón tiếp khá nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về một chứng tích oai hùng trên vùng đất Long Đức anh hùng. Riêng ngày 2/9 món ăn dâng Bác được nấu bằng thức ăn “chay”. Cũng vào các ngày lễ, các cơ quan ban ngành đoàn thể thường đến đây báo công lên Bác như nguyện với Bác rằng: lớp lớp cháu con luôn học tập và làm theo gương Người hôm nay và cả mai sau. Với các giá trị và ý nghĩa lịch sử, năm 1989, Đền thờ Bác Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.


Tam Anh