02:00 08/02/2013

Vé tàu, xe Tết phi nước đại

Do thời gian nghỉ Tết Quý Tỵ dài hơn mọi năm (từ 29 tháng chạp Nhâm Thìn đến mùng 8 tháng giêng Quý Tỵ), nắm bắt được nhu cầu hành khách dịp này sẽ tăng, nên các doanh nghiệp xe khách đã tăng giá vé từ 20 đến hơn 60% so với ngày thường;

Do thời gian nghỉ Tết Quý Tỵ dài hơn mọi năm (từ 29 tháng chạp Nhâm Thìn đến mùng 8 tháng giêng Quý Tỵ), nắm bắt được nhu cầu hành khách dịp này sẽ tăng, nên các doanh nghiệp xe khách đã tăng giá vé từ 20 đến hơn 60% so với ngày thường; giá vé tàu hỏa tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tăng từ 3% (đi trước Tết) đến 5% (đi sau Tết). Việc các doanh nghiệp tăng giá vé vào dịp Tết Nguyên đán đã gây tác động xấu tới mặt bằng giá cả nói chung, nhất là các mặt hàng phụ thuộc nhiều vào các phương tiện vận tải. Cùng với nỗi lo bị nhà xe bắt chẹt, nhồi nhét..., hành khách lại phải cõng thêm gánh nặng về giá vé tăng.

 

Theo Công ty quản lý bến xe Hà Nội, công ty đã nhận được thông báo tăng giá cước đi lại 10 ngày trước và 10 ngày sau Tết Nguyên đán của 15 doanh nghiệp vận tải. Trong đó, mức tăng mạnh nhất thuộc về các tuyến đường dài như Công ty TNHH vận tải hành khách Cao Nguyên chạy tuyến Hà Nội - Buôn Mê Thuột tăng từ 730.000 đồng/vé lên mức 1,170 triệu đồng/vé; Công ty Cổ phần vận tải ô tô Lâm Đồng tuyến Hà Nội - Đà Lạt tăng từ 650.000 đồng/vé nằm lên mức 1,040 triệu đồng/vé...


Lý giải việc tăng giá vé, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho rằng, do dịp Tết Nguyên đán, hành khách thường chỉ tập trung đi một chiều, chiều còn lại ghế đa phần bỏ trống, vì vậy họ buộc phải tăng giá vé để bù lỗ. Nhiều doanh nghiệp cam kết, họ chỉ tăng giá vé trong đợt cao điểm, còn sau Tết Nguyên đán giá vé sẽ được điều chỉnh trở lại. Hơn nữa, theo Thông tư liên tịch số 129 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính, thì doanh nghiệp được phép tăng giá cước sau khi đã kê khai với Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Sau 3 ngày, nếu cơ quan chức năng không có phản hồi, thì doanh nghiệp được quyền áp dụng giá cước mới. Đáng tiếc, Thông tư 129 đã không quy định rõ doanh nghiệp được tăng tối đa bao nhiêu so với giá vé hiện hành, vô tình đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp vận tải tăng giá vé mỗi dịp lễ, Tết.


Nhiều người đặt vấn đề, tại sao các doanh nghiệp vận tải lại cứ nhằm vào dịp Tết Âm lịch để tăng giá vé? Phải chăng đây là kiểu kinh doanh bắt bí hành khách. Bởi lẽ vào dịp Tết, nhu cầu đi lại của hành khách thường tăng và cũng bằng mọi giá, hành khách không thể hoãn được kế hoạch, khi mà thời gian họ nghỉ Tết là bất di bất dịch. Cùng với đó, mức tăng cao của một số doanh nghiệp là khó chấp nhận, bởi trong bối cảnh hiện nay, giá nhiên liệu vẫn không thay đổi, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng ổn định.


Việc các doanh nghiệp vận tải cứ nhằm vào dịp Tết để tăng giá vé như một đòn giáng vào người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo. Bởi phần lớn những người do hoàn cảnh khó khăn mà phải đi làm ăn xa, tranh thủ dịp Tết mới có điều kiện về thăm gia đình. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thì việc tăng giá vé của các doanh nghiệp vận tải rõ ràng là một động thái tiêu cực. Dư luận lo ngại, việc tăng giá vé tàu xe khách, có thể dẫn tới những hiệu ứng xấu về giá đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, nhất là nhu cầu tiêu dùng hàng hóa vào dịp Tết thường tăng đột biến.

 

Yến Nhi