03:09 17/03/2013

Về Sóc Lớn xem lễ hội phá bàu

Cuối tháng giêng, đi dọc con đường vào ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) thấy nhiều bàu đã rút nước. Những con cá mắc cạn quẫy đuôi róc rách làm đám trẻ háo hức, muốn nhảy xuống bắt cá. Thời điểm “tát bàu” đã đến.

Cuối tháng giêng, đi dọc con đường vào ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) thấy nhiều bàu đã rút nước. Những con cá mắc cạn quẫy đuôi róc rách làm đám trẻ háo hức, muốn nhảy xuống bắt cá. Thời điểm “tát bàu” đã đến.


Rộn ràng lễ hội phá bàu


Sáng sớm tinh sương ngày 6/3, bàu Cá Lóc ở ấp Sóc Lớn chộn rộn tiếng nói cười. Già làng Lâm Búp (anh hùng lao động) năm nay đã gần 80 tuổi, sức khỏe yếu lắm nhưng vẫn dậy thật sớm để cùng các già làng tổ chức lễ hội phá bàu - một lễ hội truyền thống của người Khmer. Đám thanh niên trong sóc chặt tre và lá dừa, dựng một cái chòi để có nơi che nắng. Các cụ già lúi húi bên bếp lửa nướng đọt mây rừng, nấu canh thục và cơm nếp trong ống tre để chuẩn bị cho buổi tiệc sau khi bắt được cá. Quanh chòi, phụ nữ và trẻ em tay đục tay nơm ngồi chờ xuống bắt cá. Cạnh đó, các thiếu nữ Khmer trong trang phục lộng lẫy đang nhảy múa điệu lâm thôn làm cho không khí lễ hội vui nhộn, rộn ràng.


Già làng Lâm Búp (áo đen) đang làm lễ cúng thần linh.


Già làng Lâm Búp kể: Từ xa xưa, nơi người Khmer sinh sống thường có một bàu nước tự nhiên, là tài sản chung của cộng đồng, già làng là người đại diện quản lý. Theo luật lệ của sóc, khi chưa được phép của già làng, chưa đến mùa lễ hội phá bàu thì không ai được quyền đánh bắt cá ở bàu nước này. Nếu ai vi phạm mà bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng (bắt một vài con cá có thể bị phạt cả một con trâu). Vào gần cuối mùa nắng, khi nước trong bàu đã cạn, người Khmer thường tổ chức lễ hội phá bàu trước Lễ Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay (diễn ra vào tháng 3 âm lịch).


Ban nhạc lễ hòa tấu trong nghi thức cúng tổ tiên tại lễ hội.


Việc chuẩn bị đã xong, già làng sai người mang mâm lễ vật gồm một con gà luộc, cơm nếp nấu ống tre và một cái đầu heo đặt cách bàu nước khoảng hơn 10 m để tiến hành nghi thức cúng thần linh xin thần cho phép mọi người được đánh bắt cá ở bàu nước. Trong nghi lễ cúng thần linh, có một ban nhạc lễ với các loại đàn như: Đàn cò - T’rua, Đàn nhị - Cha pây se pia, Trống - S’cua… hòa tấu các bản nhạc lễ. Có hai nghệ nhân hát các bài nhạc lễ mời gọi thần linh, ông bà về chứng kiến, dự lễ và phù hộ cho con cháu tham dự lễ hội được bình an, hạnh phúc.


Sau khi lễ cúng thần linh hoàn tất, già làng đánh lên ba hồi chiêng và dân làng đồng loạt xuống bàu bắt cá. Mặc dù đi dự lễ hội phá bàu thường là cả gia đình, nhưng khi xúc cá dưới bàu nước thì hầu hết là phụ nữ, nam nữ thanh niên. Những con cá bắt được đầu tiên và to nhất được dâng lên cho các già làng. Người Khmer quan niệm việc làm trên vừa thể hiện trách nhiệm của mỗi cư dân đối với người lớn tuổi uy tín và công lao trong cộng đồng, vừa mang đến may mắn cho họ.


Nơi hội tụ và phát huy các loại hình văn hóa truyền thống


Anh Phạm Hữu Hiến, Phó Giám đốc bảo tàng tỉnh cho hay, trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước, cả người S’Tiêng, Mơ Nông và Khmer đều có lễ hội phá bàu. Người Xtiêng gọi lễ hội này là “Hanh Tranh” hoặc “Hanh Nrôk”, được dịch là đi bàu hoặc tát bàu, còn người Khmer gọi là “Dô Ta Piên”. Tuy nhiên, trong lễ hội phá bàu của mỗi dân tộc có những đặc trưng riêng. Hội phá bàu là dịp để duy trì các văn hóa truyền thống khác, chẳng hạn đối với người Khmer có các điệu múa dân gian lâm thôn.


Các thôn nữ múa lâm thôn tại lễ hội phá bàu.


Cũng theo anh Hiến, lễ hội phá bàu là nơi hội tụ nhiều loại hình văn hóa truyền thống. Sinh hoạt cồng chiêng trong đời sống cộng đồng được phát huy, những bài ca, điệu múa, bài hát giao duyên được sản sinh, phát triển. Các loại nhạc cụ, bài hát truyền thống của người Khmer cũng có dịp được các nghệ nhân trình diễn, truyền dạy cho các thế hệ sau. Các vật dụng nông nghiêp đánh bắt cũng được phát huy tối đa chức năng và giá trị sử dụng. Những món ăn truyền thống như mắm Bò Hóc, mắm Cá Om, cơm Lam, rượu cần… qua lễ hội cũng được duy trì và lưu truyền.


Anh Trần Minh Hắc, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết, lễ hội phá bàu là lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer nhưng có một thời gian ít được tổ chức. Nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, từ năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lộc Ninh và UBND xã Lộc Khánh tổ chức phục dựng lại lễ hội phá bàu của đồng bào Khmer. Từ đó, hàng năm đồng bào Khmer ở địa phương vẫn tổ chức đều đặn lễ hội này.


Đến xem lễ hội phá bàu của đồng bào Khmer ở Sóc Lớn, chị Nguyễn Thị Cẩm Nang (ở quận 1, TP Hồ Chí Minh) nhận xét, nét độc đáo của lễ hội này là chiếc cầu nối để gắn kết cộng đồng. Lễ hội không những là dịp người dân trong sóc gặp gỡ để thắt chặt tình làng nghĩa xóm mà qua đó còn có dịp giao lưu, trao đổi với dân các ấp, sóc khác đến dự lễ hội, mở rộng mối quan hệ xã hội, cộng đồng.



Nguyễn Văn Việt - Điểu Thống Nhất