01:10 18/01/2012

Về quê khi chưa nuối tiếc

Giữa năm 2011, GS.TS nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương tặng tôi cuốn tạp văn Bây giờ mà có về quê… (NXB Phụ nữ). Đọc chầm chậm cuốn sách, tôi vừa muốn giới thiệu ngay với độc giả TT&VH vừa muốn để dành.

Giữa năm 2011, GS.TS.nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương tặng tôi cuốn tạp văn Bây giờ mà có về quê… (NXB Phụ nữ). Đọc chầm chậm cuốn sách, tôi vừa muốn giới thiệu ngay với độc giả TT&VH vừa muốn để dành. Lý do muốn để dành vì cuốn tạp văn này chở nặng không khí cuối năm, khi người tha hương đều nhớ nhà và muốn về quê ăn Tết.

Bây giờ mà có về quê… gần như được tuyển từ những tạp văn ông viết nhiều năm trên các báo Tết gộp thành.

Đa phần những bài tạp văn in trên báo Tết, đều nói về nỗi nhớ nhà, sum họp bên người thân đã là vui như… Tết. Có những nỗi nhớ hiện hình như một “kế hoạch” thực thi được. Nỗi nhớ nằm trong tầm tay dạng này khiến các bến xe, nhà gia, sân bay chật ních những người là người về quê ăn Tết. Lại có những nỗi nhớ thật xa vời, như một hoài niệm. Các bài viết trong Bây giờ mà có về quê… như những hoài niệm.



Với GS Huỳnh Như Phương, nỗi nhớ ấy là ngày ông nội dẫn hai người con trai đi biền biệt không về để lại những người đàn bà tháng ngày mong ngóng. Tản văn Ống giã trầu của nội không miêu tả khói lửa chiến tranh, nhưng hiện đằng sau con chữ là xiết bao khốc liệt của một thời khi cậu trai Huỳnh Như Phương lớn lên thiếu vắng hơi ấm của cha ông mình.

Đọc Bây giờ mà có về quê… giống như ngắm nhìn hồi ức đẹp và buồn được vẽ từng nét chậm bởi Huỳnh Như Phương. Những ai từng lớn lên ở quê sẽ xốn xang trong lòng khi chia sẻ cùng tác giả về một góc vườn nhà ngoại, nơi có giếng nước mát lành giờ thuộc về người khác. Tản văn Giếng mát trong vườn nhà ngoại vẫn còn đó, nhưng còn trong ký ức tươi tắm một nỗi niềm.

Có thể nói, GS Huỳnh Như Phương viết tản văn về những sự đã mất, nuối tiếc khôn nguôi. Sự nuối tiếc này lây sang người đọc, vì đa phần người tha hương ở các đô thị hiện giờ cũng đang để mất những gì mà lẽ ra họ “nắm gọn trong tay”. Vì sao thế? Vì mưu sinh, danh lợi hay vì điều gì khác mà năm nào, mỗi dịp Tết đến ở hai đầu Hà Nội và Sài Gòn người ta lại chen chúc nhau về quê như thể đang… chạy loạn.

Chen nhau về Tết dù gì cũng còn lắm điều hay khi còn người xưa, cảnh cũ đợi mình. Nhưng nhiều người về Tết thế này mới buồn, càng về càng buồn, như bài thơ của nhà giáo Dương Hội trả lời thư một người em trong tản văn dùng đặt tên cho cuốn sách: Bây giờ mà có về quê/ Cũng như Lưu Nguyễn xưa về trần gian/ Vườn xưa nhà cũ hoang tàn/ Phôi pha kỷ niệm, ngỡ ngàng bước chân/ Đâu còn bóng mẹ ngoài sân/ Chờ con về Tết mỗi lần Xuân sang. Không để những nuối tiếc phải đeo theo người, Tết này tôi nhất định về quê sớm để nhìn thấy “bóng mẹ ngoài sân” sau bao ngày xa cách.



Trần Hoàng Nhân