05:17 07/05/2019

Về lực lượng tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Trung Quốc

Khách du lịch tại vịnh gần một căn cứ tàu ngầm ở phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã chứng kiến hiện tượng ban đêm gây tò mò. Đèn sáng mạnh đôi khi chiếu trực tiếp xuống mặt biển trước các khách sạn vào ban đêm khiến việc quan sát biển là bất khả thi.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm hạt nhân lớp Jin của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin đôi khi những chiếc đèn công suất lớn được đặt trên mặt đất hoặc trên tàu tuần tra. Reuters dẫn lời du khách nói: “Ánh sáng quá mạnh và chói khiến bạn không thể chịu nổi khi ở ban công khách sạn. Bạn phải vào bên trong phòng và kéo rèm thật chặt”.

Thông tin về ánh sáng chói lòa này khiến nhiều cơ quan tình báo quân sự trên thế giới quan tâm bởi họ cho rằng đây có thể là bằng chứng Trung Quốc đang đạt được đột phá trong nỗ lực cạnh tranh sức mạnh răn đe hạt nhân với Nga và Mỹ.

Nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu ngầm năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo xuất hiện tại căn cứ chiến lược gần thành phố nghỉ dưỡng Tam Á, trên đảo Hải Nam. Nhiều chiến hạm mặt nước và chiến đấu cơ cũng được phát hiện gần nhóm tàu ngầm Trung Quốc.

Theo nguồn tin trên, các cơ sở tại căn cứ này dường như được xây dựng để lưu trữ tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, một sĩ quan tàu ngầm giàu kinh nghiệm cũng được chỉ định làm chỉ huy lực lượng quân đội Trung Quốc ở miền Nam nước này.

Dưới đây là video về hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc (nguồn: RT)

Các nhà phân tích an ninh, cựu sĩ quan hải quân nhận định với Reuters rằng Trung Quốc có thể đang sở hữu các tàu ngầm có khả năng tấn công hạt nhân từ dưới nước. Điều này giúp Trung Quốc có được khả năng mà lâu nay nước này vẫn thiếu đó là phát động "cuộc tấn công thứ hai" đáng tin cậy hơn trong trường hợp kho vũ khí hạt nhân đặt trên mặt đất của nước này bị đối phương tấn công.

Sau gần 6 thập niên nỗ lực, Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ các nước sở hữu lực lượng tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân, cùng với Mỹ, Nga, Anh và Pháp. Trong báo cáo thường niên mới nhất về quân đội Trung Quốc, công bố tháng 8/2018, Lầu Năm Góc đánh giá Trung Quốc hiện có khả năng răn đe hạt nhân trên biển "đáng tin cậy".

Chú thích ảnh
Một tên lửa phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Giới phân tích tình báo phương Tây nắm trong tay ảnh vệ tinh về khu vực này cho biết một đường ray nối bởi các đường hầm tới bến tàu ngầm đã được hoàn thành tại căn cứ. Theo họ, điều đó có nghĩa là các tên lửa có thể được trang bị cho các tàu ngầm mà không bị phát hiện.

Theo Lầu Năm Góc, mỗi tàu ngầm lớp Jin của Trung Quốc được trang bị 12 tên lửa đạn đạo có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn vào khoảng 7.200 km. Trong khi các nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ước tính những tên lửa này có thể đạt tầm bắn tối thiểu 8.000 km. Mỹ cho rằng Trung Quốc sở hữu 100 tên lửa hạt nhân đặt trên mặt đất.

Reuters cho biết thêm Trung Quốc cũng đang phát triển tên lửa đạn đạo phóng trên không và máy bay ném bom tầm xa có thể mang theo vũ khí hạt nhân. Như vậy, với việc sở hữu tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân, Trung Quốc cuối cùng cũng gia nhập câu lạc bộ các nước có đủ "bộ ba răn đe hạt nhân" cùng với Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tụt lại phía sau khá nhiều so với Mỹ và Nga về sức mạnh hạt nhân xét về tổng thể. Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm trong năm 2018 ước tính Trung Quốc sở hữu khoảng 280 đầu đạn hạt nhân, trong khi đó Mỹ sở hữu 1.750 đầu đạn và Nga là 1.600 đầu đạn.

Hà Linh/Báo Tin tức