05:10 21/05/2015

Về chuyến thăm Cuba sắp tới của Giáo hoàng Francis

Trong chuyến thăm năm 1998 của Giáo hoàng John Paul II, Chủ tịch Fidel Castro mỗi đêm đều trò chuyện hàng giờ và cùng uống nước ép trái cây với Giáo hoàng.

Nhà thần học nổi tiếng người Brazil đồng thời là học giả chuyên nghiên cứu về Cuba và là người bạn của lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Frei Betto, đã có bài viết đăng tải trên trang blog cá nhân "Redebrasilatual" đề cập đến chuyến thăm Cuba sắp tới của Giáo hoàng Francis.

Theo thông báo của Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Francis sẽ tiến hành chuyến thăm Cuba vào cuối tháng 9 tới. Như vậy, ngoài Brazil - nước có nhiều tín đồ Thiên chúa giáo nhất thế giới - Cuba sẽ là quốc gia duy nhất tại Tây Bán Cầu có vinh dự được đón tiếp cả 3 Giáo hoàng tại nhiệm gần đây nhất.

Khác với điều người ta thường nghĩ, Giáo hoàng John Paul II và Benedict XVI đã được đón tiếp nồng nhiệt tại La Habana vào các năm 1998 và 2012. Khi Giáo hoàng Benedict XVI thông báo về chuyến thăm của mình tới hòn đảo cách mạng này, các giáo chủ tại Mỹ Latinh đã phàn nàn rằng vì sao sau khi thăm Brazil, ông không tới thăm các nước có cộng đồng giáo dân lớn hơn trong khu vực như: Mexico, Colombia hay Argentina. Trong khi đó, Cuba chỉ có 5% dân số (trong tổng số 12 triệu dân) theo đạo Thiên chúa.

Chủ tịch Raul Castro và Giáo hoàng Francis tại Tòa thánh Vatican. Ảnh: AFP


Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Bush từng gây sức ép lên Giáo hoàng John Paul II rằng không được thăm Cuba. Tuy nhiên, Giáo hoàng John Paul II đã tới Cuba trong chuyến thăm 5 ngày - dài hơn so với thông lệ các chuyến thăm tới một quốc gia, kết bạn với Chủ tịch Fidel Castro và ca ngợi các thành tựu xã hội của Cách mạng Cuba. Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã lưu lại hòn đảo 3 ngày và không nói điều gì trái ngược với những phát ngôn chính thức của La Habana.

Trong chuyến thăm Cuba năm 1998 của Giáo hoàng John Paul II, Chủ tịch Fidel Castro đã phá bỏ các quy tắc lễ tân và mỗi đêm đều tới Tòa Giám mục, nơi Giáo hoàng lưu nghỉ, để trò chuyện hàng giờ với Giáo hoàng và cùng uống nước ép trái cây nhiệt đới - đồ uống ưa thích của Đức thánh cha.

Cả hai nhà lãnh đạo Cuba là Fidel và Raul đều từng có nhiều năm theo học tại trường dòng, và họ luôn coi đây là giai đoạn tích cực trong đời. Do vậy, để tìm hiểu cá tính của họ, luôn phải chú ý tới cách thức các thầy dòng Giê-duýt đã rèn dũa học sinh của mình ra sao vào nửa đầu thế kỷ 20. Còn hiện tại, Giáo hoàng Francis - đúng như chức năng thường tuyên bố của mình - chính là "cầu nối" giữa Cuba và Mỹ, như nguyên thủ hai nước từng thừa nhận trong tuyên bố về tái thiết quan hệ song phương vào ngày 17/12/2014.

Năm 1959, thành công của Cách mạng Cuba đã vấp phải phản ứng trái ngược từ Nhà thờ Thiên chúa, khi đó vẫn mang nặng dấu ấn của độc tài Franco ở Tây Ban Nha. Khi đó có rất nhiều giáo sĩ Tây Ban Nha tại Cuba, và mặc dù không một giáo sĩ nào bị truy đuổi hay nhà thờ nào bị đóng cửa, sợi dây đối thoại giữa Nhà nước và Giáo hội chỉ giới hạn ở mức tình bạn cá nhân của Chủ tịch Fidel với một số đại diện Giáo hoàng tại Cuba. Chính vì vậy nên mối liên hệ giữa La Habana với Vatican chưa bao giờ bị cắt đứt.

Năm 1981, theo yêu cầu của Chủ tịch Fidel và với sự đồng ý của các giáo chủ Cuba, tôi (Frei Betto) đã bắt đầu nhiệm vụ làm "kênh tiếp xúc" kéo gần Giáo hội Thiên chúa và Nhà nước Cuba. Việc xuất bản tác phẩm "Fidel và tôn giáo" năm 1985 làm giảm phần nào thành kiến cộng sản về tôn giáo cũng như nỗi sợ hãi của giáo dân đối với Cách mạng. Sau đó, Chủ tịch Fidel đã mở lại kênh đối thoại với các giáo chủ. Ít lâu sau, Nhà nước và Đảng Cộng sản Cuba chuyển đổi từ tính "vô thần" sang "thế tục".

Kể từ thời điểm đó, có thể nói quan hệ giữa Chính phủ và Nhà thờ Thiên chúa luôn ở mức tốt đẹp. Khi tới La Habana, Giáo hoàng Francis sẽ không thấy một đất nước Thiên chúa, nhưng chắc chắn cũng không thấy một đất nước vô thần. Có thể tin rằng ông sẽ được đón tiếp nồng nhiệt bởi một dân tộc đa số theo một tôn giáo vật linh hỗn hợp giữa Thiên chúa giáo và các tín ngưỡng gốc Phi. Nhưng trên tất cả, đó là dân tộc biết chia sẻ (hơn bất cứ dân tộc nào ở châu Mỹ) về "mẩu bánh mì của sự sống".


TTK