04:20 28/04/2015

Về bức ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập

Có mặt trong “tổ mũi nhọn” của Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) đã có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Có mặt trong “tổ mũi nhọn” của Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) đã có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” do ông chụp vào thời khắc lịch sử trọng đại ấy đã trở thành tác phẩm tiêu biểu, có giá trị lịch sử, được nhiều báo trong nước và quốc tế đăng tải.

Sự tình cờ ngẫu nhiên

Dịp kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Phượng trong một lần trò chuyện với chúng tôi đã kể, tháng 3/1975, tổ phóng viên mà ông cử đi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh gồm phóng viên ảnh Vũ Tạo, Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm, Hoàng Thiểm, Ngọc Đản (sau này là Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình), về sau có Đinh Quang Thành và phóng viên tin là Trần Mai Hưởng - người mà ông gọi đi cuối cùng, lái xe Ngô Văn Bình, điện báo viên Lê Thái. Lực lượng dự trữ của Tổng xã đến tổ ấy là cuối cùng ném vào chiến trường.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.


Sau khi giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3, tổ công tác quay trở về Huế và nhận được điện mật từ Hà Nội do Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng ký, nội dung là: “Đưa các phóng viên ảnh Vũ Tạo, Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành cùng phóng viên tin Mai Hưởng đi tiếp vào trong…”. Tổ mũi nhọn đã chính thức được thành lập do phóng viên ảnh Vũ Tạo, phóng viên thông tấn quân sự làm tổ trưởng, lái xe là Ngô Bình, điện báo viên Thái.

Nhưng có một sự tình cờ ngẫu nhiên là, tổ phóng viên ấy đã gặp Sư đoàn 304, đi theo xe tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 và Trung đoàn 66 bộ binh. “Tổ phóng viên mũi nhọn được cử đi từ Huế đã gặp được Nguyên Trưởng phòng thông tấn quân sự Trần Bình, lúc đó là Chính ủy sư đoàn 304 và đi cùng đội hình của Sư đoàn 304. Cũng chính vì đi theo đội quân chủ lực mũi thọc sâu mà nhóm phóng viên này cũng là nhóm phóng viên đầu tiên vào Sài Gòn và có mặt ở Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975”, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Phượng nói.


Nhắc tới sự tình cờ này, nhà báo Trần Mai Hưởng cũng khẳng định rằng, ngoài việc ông nhất quyết xin đi chiến dịch vào tháng 3/1975 khi còn đang học dở dang trường Đại học Kinh tế Quốc dân và được Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng khi ấy đồng ý, thì có nhiều việc sau đó, nhất là khi chụp bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975” là một sự tình cờ, ngẫu nhiên và cũng đầy may mắn.

“Khoảng 10/4, tất cả đi trên chiếc xe commăngca đít vuông của Liên Xô do Ngô Bình lái rời Huế, vào Đà Nẵng rồi đi thẳng vào phía Nam. Chỉ có điều chúng tôi không thể hình dung ra rằng, chỉ vài tuần sau đó đã có mặt ở Sài Gòn vào đúng ngày chiến thắng”, nhà báo Trần Mai Hưởng kể.

Bức ảnh nổi tiếng

Trong đội hình thọc sâu của Sư đoàn 304, đêm 29/4/1975, từ khu đồn điền cao su Ông Quế (Long Thành, Đồng Nai), tổ mũi nhọn tiến vào Sài Gòn. Ban đầu, phóng viên Đinh Quang Thành và Hứa Kiểm đi cùng xe với Trung đoàn 66 bộ binh. Các phóng viên Vũ Tạo, Trần Mai Hưởng, điện báo viên Thái đi xe do Ngô Bình lái. Chiếc xe commăngca lọt thỏm giữa những chiếc tăng T54, xe thiết giáp, xe tải quân sự GMC.

Phóng viên tổ mũi nhọn của TTXVN, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, các chiến sĩ xe tăng 846 trong buổi gặp mặt ngày 8/3/2015. Trong ảnh: Hàng phía trước, từ trái sang: Lái xe tăng 846 Trần Bình Yên, chỉ huy xe tăng 846 Nguyễn Quang Hòa (người cầm bức ảnh), pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ. Hàng phía sau, từ trái sang: phóng viên ảnh Đinh Quang Thành, nhà báo Trần Mai Hưởng, nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng (báo Quân đội Nhân dân), phóng viên ảnh Hứa Kiểm (hàng sau, ngoài cùng bên phải).


Rạng sáng ngày 30/4, mũi đột kích tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, mục tiêu là Dinh Độc Lập. “Từng đoàn xe nối đuôi nhau, xe tăng dẫn đầu, rồi đến xe thiết giáp, xe chở bộ binh. Từ trong thành phố, từng đoàn người bị dồn ép đang bung ra, đi ngược chiều về phía Biên Hòa bằng đủ loại phương tiện”, nhà báo Trần Mai Hưởng kể.

Khoảng 10 giờ sáng 30/4, khi gần đến cầu Thị Nghè, phóng viên Đinh Quang Thành và Hứa Kiểm gặp xe của nhóm phóng viên Vũ Tạo, Trần Mai Hưởng thì lên đi cùng. Cũng chính ở cầu Thị Nghè, phóng viên Nguyễn Mạnh Hùng (báo Quân đội nhân dân) khi đang đi trên một chiếc xe mui trần của Trung đoàn 66 cũng xuống đi nhờ tổ phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam vì lúc ấy ngay giữa cầu Thị Nghè có một xe thiết giáp của địch bị ta bắn cháy, đạn trong xe nổ tung từng đợt trùm lửa lên khắp mặt cầu. Các xe to khó có thể lách qua được.

Đường phố Sài Gòn có nhiều ngả rẽ, sau nhiều lần hỏi đường, xe của tổ phóng viên cũng tới nơi. Khi vào tới Dinh Độc Lập, điều đầu tiên đập vào mắt cả nhóm phóng viên là cánh cửa sắt đã bị hất tung. Các phóng viên nhảy ra khỏi xe. Lúc đó, xe tăng và bộ binh của ta vẫn đang tiếp tục tiến vào Dinh Độc Lập. Một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu đang tiến qua cổng chính.

Một hình ảnh rất đẹp, mà sau này trong hồi ký “Năm tháng xa xanh”, nhà báo Trần Mai Hưởng đã viết: “Nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 66 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo”.

Đúng lúc đó, phóng viên Trần Mai Hưởng giơ máy lên chụp. Đấy chính là bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975”, chụp xe tăng 846 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2). Sáng sớm 1/5/1975, toàn bộ phim của tổ phóng viên mũi nhọn với những thước phim có giá trị tư liệu lịch sử như xe tăng quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập, nội các Dương Văn Minh, cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập… đã được phóng viên Hứa Kiểm trực tiếp cầm lại để chuyển ra Hà Nội.

Bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1075” của phóng viên Trần Mai Hưởng trong suốt những năm sau này cũng được nhiều báo lớn chọn làm biểu tượng khi tổ chức các chuyên trang, chuyên mục dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4. Hiện nay, phim gốc của bức ảnh được lưu giữ tại kho Tư liệu ảnh quốc gia Thông tấn xã Việt Nam.

“Anh Vũ Tạo cũng chụp cảnh này nhưng khi xe tăng đã vào sâu hơn trong Dinh một chút. Phim này cũng được lưu giữ tại kho Tư liệu ảnh quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam”, nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết.

Tháng 3/2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tác giả của bức ảnh, những phóng viên của tổ mũi nhọn Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng (Báo Quân đội nhân dân) - những người có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 và những chiến sĩ trên chiếc xe tăng 846 - chiếc xe tăng mà phóng viên Trần Mai Hưởng chụp trưa 30/4/1975 đã gặp lại nhau. Lúc này, các chiến sĩ xe tăng, gồm chỉ huy Nguyễn Quang Hòa, lái xe Trần Bình Yên, pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ (thiếu pháo thủ số 1 Trần Quý ở Hải Phòng do chưa liên lạc được) mới biết tác giả của bức ảnh.

Lời kể những người trong cuộc

Nguyên Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng: “Có ý kiến nói bức ảnh đó được dựng lại hiện trường là không đúng. Trong chiến tranh, chưa bao giờ có chuyện Thông tấn xã dựng lại hiện trường để chụp. Thông tấn xã không bao giờ được phép làm việc đó. Chúng ta có nhiều phóng viên và thực tế ảnh xe tăng vào Dinh Độc Lập nhiều phóng viên chụp. Hơn nữa, những chứng nhân lịch sử còn cả. Anh Phạm Xuân Thệ là người tổ chức cho tổ phóng viên ấy đi cùng Trung đoàn vào Dinh Độc Lập, anh ấy thuộc lòng chuyện đó”.


Chỉ huy xe tăng 846 Nguyễn Quang Hòa: “Khi vào Dinh Độc Lập, anh em vẫn được lệnh trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu như địch phản ứng lại. Đến 4 giờ chiều 30/4/1975, đội hình tăng được lệnh rút ra tập kết ở Tổng kho Long Bình. Về đến tổng kho Long Bình, anh em nhận vị trí, nhà ở và không có lúc nào quay lại Dinh Độc Lập nữa. Vì vậy, không thể có tái diễn lần nào để mà chụp lại cả”.


Pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ: “Lần vào Sài Gòn nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, khi vào phòng truyền thống của Dinh Độc Lập, thấy bức ảnh “Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4”, tôi nhận ngay ra mình là người ngồi trên tháp pháo xe tăng trong bức ảnh. Tôi đã gọi điện cho anh Nguyễn Quang Hòa, nói rằng: Đúng ảnh xe tăng của mình anh ạ”.


Nhà báo, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng (Báo Quân đội nhân dân): “Khi lái xe Ngô Bình cho xe vọt qua cánh cổng vào trong, mọi người lập tức nhảy xuống. Xe tăng ta và các xe bộ binh của ta tiếp tục tiến vào Dinh Độc lập, tiến vào đường Thống Nhất. Có một chiếc xe tăng tiến qua cổng Dinh, đấy là lúc anh Trần Mai Hưởng bấm kiểu ảnh chính xác về xe tăng 846 mà sau này đã trở thành bức ảnh mà tôi cho rằng đấy là bức ảnh tiêu biểu. Tôi thấy anh Hưởng và các phóng viêc khác của tổ mũi nhọn Thông tấn xã Việt Nam chụp ảnh, nhưng bản thân tôi lúc ấy thì đang đi tìm người cắm cờ. Phần khác máy ảnh đã hết phim”.


Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng đi đầu của của Trung đoàn 66 cùng với lực lượng xe tăng lữ đoàn 203 đánh chiếm Dinh Độc Lập. Cùng đi với chúng tôi có một tổ phóng viên báo chí từ Sư đoàn đưa xuống… Khi tiến công vào Sài Gòn, bộ binh chúng tôi mỗi tiểu đội trên một chiếc xe tăng, số còn lại ngồi trên xe thiết giáp, đội hình phía sau ngồi trên các xe ô tô. Khi xe tăng húc bật cánh cửa cổng Dinh Độc Lập là các xe ào vào liên tiếp rất nhanh… Sáng 1/5/1975 toàn bộ xe tăng và bộ binh chúng tôi rút ra tập kết tại Tổng kho Long Bình… Vậy tôi khẳng định ngày 30/4 hoặc 1/5/1975 không có dựng lại cảnh xe tăng và bộ binh để chụp ảnh”.


Phóng viên ảnh Hứa Kiểm: “Đến trưa ngày 30/4/1975 chúng tôi là một trong những nhóm phóng viên đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập. Tuy vậy chúng tôi vẫn không kịp chụp những tốp xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Những tốp xe tăng sau vẫn tiếp tục vào dinh, anh Hưởng chụp được hình ảnh một trong những chiếc xe tăng đó. Kết quả Trần Mai Hưởng đã có tác phẩm ảnh đẹp: Xe tăng tiến vào cổng Dinh và lăn qua cánh cổng đã đổ. Tôi chứng nhận đây là tấm ảnh chụp tại chỗ xảy ra ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, Sài Gòn. Không phải là ảnh dựng lại hay chụp lại. Vả lại nhiệm vụ của anh Hưởng là viết tin và tìm cách chuyển phát nhanh về Hà Nội”.


Phóng viên ảnh Ngọc Đản: “Tôi cũng có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Tôi khẳng định, việc bố trí lại hiện trường là không có, làm sao lúc ấy bố trí được và bố trí để làm gì? Không phóng viên nào có ý nghĩ ấy trong những giờ phút huy hoàng của cả dân tộc”.

Hoàng Linh



Xuân Phong