11:07 05/11/2015

Vào lò

Những ngày này, khi mà những ruộng lúa đã được gặt hết chỉ còn trơ lại gốc rạ, các bà các mẹ lại tất tả với việc trồng hành, tỏi, ngô, bí. Đi trên đường chợt bắt gặp những đám khói của ai đó đốt đồng tôi bỗng nhớ ngày bố mẹ làm lò gạch, cái thời tuy chưa lâu nhưng giờ bỗng trở nên xa lắc.


Ngày đó, những đứa trẻ như chúng tôi chưa hề biết đến viên gạch có hai lỗ tròn. Chỉ biết rằng nhà ai muốn làm nhà hay công trình gì đều phải tự mình làm gạch ngói, hàng nghìn, hàng vạn viên được làm bằng tay, không có máy móc phụ trợ. Việc làm gạch thường vào hai tháng cuối năm, lúc trời hanh hao nhất. Mẹ chọn thửa ruộng đất thịt không pha cát - loại đất duy nhất làm được gạch ngói, rồi dọn sạch ruộng như một cái sân nhỏ để làm nền lò và tiện cho việc đóng gạch. Bố và các bác, các anh dùng một loại kéo đặc biệt để cắt nhỏ những khối đất, dùng khuôn hình chữ nhật để tạo hình viên gạch, sau đó đem phơi khô thành những cáng gạch dài đợi ngày vào lò nung.

Nói thì thật dễ và nhanh nhưng để làm được một lò gạch mất gần một tháng. Một tháng đó bố phải ngủ ở đồng, ngày thì đóng gạch rồi phơi phóng, đêm thì che đậy kẻo mưa làm hỏng gạch. Một tháng đó mẹ phải chuẩn bị than củi, rồi hàng bữa gánh cơm mang cho mọi người. Những đứa trẻ như chúng tôi đi học về chỉ ao ước được theo mẹ xuống lò. Ở đó là thiên đường chẳng khác nào khu vui chơi bây giờ. Ăn cơm ở lò gạch là thích nhất. Ngồi giữa đồng, trên nền đất, cơm chỉ có vài ba món đạm bạc nhưng sao ngon lạ kì. Rồi cũng từ đó bao tác phẩm từ đất của chúng tôi được ra đời. Nào chú trâu, chú gà, ngôi nhà, cả bộ nồi niêu nhỏ xíu chúng tôi nặn nặn rồi phơi chờ bố cho chúng vào lò nung cùng.

Ngày vào lò là ngày đặc biệt. Mẹ phải mời thầy làm lễ xin cho lò gạch được nung thuận lợi vì chỉ cần sơ suất nhỏ, công sức cả một tháng trời của biết bao người ra đi chưa kể tiền của. Công việc vào lò như một nghệ thuật vậy. Bố và các bác khéo léo xếp những viên gạch ngay ngắn, thẳng hàng xen kẽ với những viên than, cứ vậy mà thành một lò gạch vuông vức, vững chãi. Khi lò đã cao, vài người leo lên lò bắt gạch từ dưới tung lên để xếp tiếp đến khi hết gạch mới thôi. Việc này, anh trai tôi là người làm giỏi nhất. Bố kể các bác trong làng khi vào lò vẫn hay mượn anh làm việc đó. Khi nung gạch bố phải trông chừng không để lửa quá to, than hồng tới đâu bố phải lấy bùn đã trộn cùng rơm để trát lên lò, giữ cho lửa được lâu, lò gạch được đều không bị chỗ nhiều lửa, chỗ ít lửa. Cái nóng từ lò phả lên mặt bố, đỏ rực, nóng rát.

Những ngày làm gạch, cả cánh đồng được phủ một lớp khói trắng từ lò tỏa ra. Đêm tối, đứng trên đường hay trong làng nhìn ra đồng chỉ thấy những lò gạch hồng rực, khói tỏa nghi ngút. Làng quê cũng nhộp nhịn hơn. Nhà nào ít thì một lò, có nhà làm tới hai, ba lò để có đủ gạch xây dựng. Mẹ tôi kể mẹ không nhớ nổi đã làm bao nhiêu lò gạch để có ngôi nhà ngày hôm nay. Ngày ra lò, bố mẹ và anh chị phải thay nhau chuyển gạch về nhà. Đoạn đường đó không xa nhưng cái ngày mà xe thồ là phương tiện đắc lực nhất để chuyên chở thì việc chuyển gạch quả là gian nan. Khi anh và bố chở bằng xe thì mẹ và chị phải gánh gạch chạy về nhà. Dần dần từng viên một, từ một hòn đất vô tri nơi ruộng đồng trở thành những viên gạch đỏ hồng xây nên những ngôi nhà vững chắc.

Giờ đây không còn nhà nào làm gạch nữa. Những viên gạch bố mẹ làm cũng nằm dưới móng nhà. Gia đình xây ngôi nhà mới bằng gạch công nghiệp. Mỗi thời mỗi khác, cuộc sống ngày càng đủ đầy hơn, máy móc dần thay thế sức lao động của con người. Đôi tay dần được giải phóng. Nhưng những kỉ niệm về một thời vất vả thì không bao giờ phai mờ.
N.L