09:08 27/09/2016

Vàng vững giá, dầu khởi sắc

Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 26/9 bên cạnh đó giá dầu đã tăng.

Các thỏi vàng tại cơ sở tinh chế ở Mendrisio, bang Ticino, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giá vàng tăng giữa bối cảnh thị trường đang chờ đợi cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton và ông Donald Trump - trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, dự kiến diễn ra vào lúc 8 giờ sáng ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam).

Cuối phiên này, trên Sàn giao dịch kim loại COMEX (Mỹ), giá vàng kỳ hạn giao tháng 12/2016 tăng 0,2% lên 1.344,10 USD/ounce.

Kim loại quý này đã tăng hơn 2% giá trị trong tuần trước, mức tăng mạnh nhất/tuần trong gần hai tháng, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thận trọng hơn về lộ trình nâng lãi suất sau cuộc họp chính sách của thể chế này hôm 21/9.

Chuyên gia phân tích Eugen Weinberg thuộc ngân hàng Commerzbank dự đoán nếu ông Trump nhận được nhiều sự ủng hộ sau cuộc tranh luận, điều này sẽ là yếu tố hỗ trợ giá vàng.

Về số liệu kinh tế Mỹ, doanh số bán nhà đơn lập mới trong tháng Tám của nước này đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong gần một năm qua sau khi tăng lên mức cao của chín năm trong tháng Bảy.

Giá dầu thế giới tăng nhờ tâm lý kỳ vọng của thị trường về khả năng các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới sẽ đạt được một thỏa thuận tại Algeria trong tuần này nhằm hạn chế nguồn cung "vàng đen".

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 11/2016 tăng 1,45 USD lên 45,93 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11/2016 cũng tăng 1,46 USD lên 47,35 USD/thùng.

Các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ gặp Nga, nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu khác ngoài khối, bên lề Diễn đàn Năng lượng Thế giới tại Algiers.

Hệ thống khai thác dầu gần Tioga, Bắc Dakota (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Kết quả cuộc đàm phán trước thềm Diễn đàn giữa Saudi Arabia và Iran hồi tuần trước cũng không mấy suôn sẻ, khi không nước nào đồng ý "đóng băng" sản lượng, đã khiến giá “vàng đen” mất hơn 3% giá trị trong phiên ngày 23/9.

Tuy nhiên, giá hai loại dầu chủ chốt đã phục hồi trở lại trong phiên ngày 26/9, sau khi Bộ trưởng Năng lượng Algeria nói rằng tất cả phương án vẫn đang trên bàn đàm phán.

Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ


Khép lại phiên giao dịch ngày 26/9, chứng khoán toàn cầu đồng loạt đi xuống giữa bối cảnh thị trường đang nóng lòng chờ đợi cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton và ông Donald Trump - trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Tại New York, cả ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq cùng giảm 0,9% xuống khép phiên ở các mức lần lượt là 18.094,83 điểm, 2.146,10 điểm và 5.257,49 điểm.

Trong khi đó, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh, chỉ số CAC 40 của Pháp và chỉ số DAX 30 của Đức giảm lần lượt 1,3%, 1,8% và 2,2% xuống đóng phiên ở các mức 6.818,04 điểm, 4.407,85 điểm và 10.393,71 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 giảm 1,9% xuống còn 2.975,88 điểm.

Một diễn biến nổi bật trong phiên này phải kể đến việc giá cổ phiếu của các ngân hàng tại Mỹ và châu Âu sụt giảm mạnh sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin Berlin từ chối bơm vốn cho Deutsche Bank nhằm giúp ngân hàng này trả khoản tiền phạt lên tới hàng tỷ USD tại Mỹ liên quan đến vụ bán chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Giá cổ phiếu của Deutsche Bank trong phiên này sụt xuống mức thấp chưa từng có, giảm 7,5% xuống còn 10,55 euro (11,87 USD)/cổ phiếu, góp phần kéo chỉ số DAX 30 giảm 2,2%. Giá cổ phiếu của các “ông lớn” Commerzbank, BNP Paribas và Bank of America trong phiên này cũng giảm lần lượt 3,8%, 3,3% và 2,7%.

M.H, QC, Kim Dung (Theo AFP, Reuters)