01:11 26/01/2011

Vàng mã "lên ngôi", cá chép "ngậm ngùi"

Nếu như thị trường hàng mã phục vụ cho ngày lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) đã nhộn nhịp từ nhiều ngày nay thì nhu cầu mua cá chép sống để cúng và phóng sinh vào dịp này lại có vẻ trầm lắng hơn.

Nếu như thị trường hàng mã phục vụ cho ngày lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) đã nhộn nhịp từ nhiều ngày nay thì nhu cầu mua cá chép sống để cúng và phóng sinh vào dịp này lại có vẻ trầm lắng hơn.

Đồ hàng mã đắt hàng


Cách đây hơn một tuần, nhiều người dân Hà Nội đã tất tả đi sắm Tết ông Công, ông Táo với áo mũ, vàng tiền, cá chép giấy... Trên tuyến phố Hàng Mã (Hà Nội) ngày 25/1, các mặt hàng cúng lễ được bày bán đỏ rực cả phố. Theo một chủ cửa hàng tại phố Hàng Mã, năm nay, đồ lễ ông Công, ông Táo đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Giá các mặt hàng này tăng khoảng 10 - 20% so với năm ngoái.

Dịp Tết ông Công ông Táo, thị trường hàng mã nhộn nhịp. Ảnh: Lê Phú


Lo giá cả càng gần Tết càng "leo thang", bà Nguyễn Thị Yến - ngõ 402 phố Bạch Mai - quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã mua bộ mũ, quần áo và cá chép giấy Táo quân từ nhiều ngày nay với giá 70.000 đồng/bộ.


Theo bà Yến, mức giá này đã tăng gần gấp đôi so với năm trước. Trong khi đó tại phố Nguyễn Phúc Lai - quận Đống Đa (Hà Nội), giá bộ đồ lễ ông Công, ông Táo có vẻ "mềm" hơn từ 55.000 - 60.000 đồng/bộ, loại bình thường là 40.000 đồng/bộ.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, chị Trịnh Thị Tuyết - ngõ 69, phố Nguyễn Phúc Lai cho hay: Năm nay, giá cả hàng hóa đều tăng nên việc mua sắm bất cứ hàng hóa gì cũng phải cân nhắc kỹ. Với đồ cúng lễ, theo chị Tuyết, cái chính là thành tâm.


Vì vậy, gia đình chị chỉ làm cơm và dâng cúng bộ mũ, cá chép giấy cho ngày 23 Tết chứ không mua cá chép sống để phóng sinh như mọi năm. Một vài năm gần đây, nhiều gia đình ở Hà Nội cúng cá chép giấy thay cho cá sống, làm lễ xong là hóa vàng luôn.

Cá chép sống: Sức mua giảm

Phong tục cúng ông Công, ông Táo đã có từ rất lâu. Từ chiều 22 hoặc sáng 23 tháng Chạp, các gia đình đều làm lễ tiễn ông Táo lên tấu trình mọi việc của gia chủ với Ngọc Hoàng. Quan niệm của người miền Bắc: Ông Công, ông Táo khi lên thiên đình phải cưỡi cá chép vì chỉ có cá chép mới có thể vượt vũ môn hóa rồng bay lên trời. Để tiễn ông Táo, mỗi gia đình thường mua hai mũ ông Táo, một mũ bà Táo bằng giấy và ba con cá chép để Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng, đồ vàng mã được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông...

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin Tức, so với dịp Tết ông Công, ông Táo năm ngoái, năm nay lượng khách đặt và mua cá chép sống đã giảm hẳn. Tại chợ cóc trên phố Bạch Mai (Hà Nội): Giá 3 con cá vàng, to bằng 2 đốt ngón tay được bán với giá 25.000 đồng.

Theo các chủ quầy bán cá trên phố Nguyễn Phúc Lai và chợ Trại Găng, tính đến ngày 25/1 (22 tháng Chạp), lượng khách tới các hàng cá không nhiều. Trong khi đó vào thời điểm này năm trước, khách đặt và hỏi mua dồn dập.


Giá cá chép được bán với giá từ 6.000 đến 10.000 đồng/con. Dự kiến hôm nay (ngày 26/1 tức 23 tháng Chạp), lượng khách mua cá sẽ tăng hơn vài ngày trước.

Theo chị Nguyễn Minh Thu - phố Hồng Mai (Hà Nội), gia đình chị không mua cá chép sống để cúng và phóng sinh như mọi năm không phải chỉ vì giá cả tăng.


Chị Thu nói: "Một số sông, hồ, nước cũng không được sạch như trước, đó là chưa kể có nơi vừa thả cá xong, có người "vô thần, vô thánh" đã trực vớt". Theo kinh nghiệm của nhiều người, nếu muốn thả cá phải tìm những những nơi có sông, hồ lớn, tránh "ao tù".

Minh Phương