04:17 23/04/2012

Vàng dao động quanh mốc 1.640 USD/ounce

Chiều 23/4, giá vàng trên thị trường châu Á dao động quanh mốc 1.640 USD/ounce, sau khi kim loại quý này giảm 1% trong tuần trước, do những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Tây Ban Nha.

Chiều 23/4, giá vàng trên thị trường châu Á dao động quanh mốc 1.640 USD/ounce, sau khi kim loại quý này giảm 1% trong tuần trước, do những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Tây Ban Nha.

Cụ thể, vào lúc 6 giờ 55 phút giờ GMT (13 giờ 55 phút giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại Xingapo giảm 0,08% xuống 1.640,61 USD/ounce; còn giá vàng kỳ hạn giữ ở mức 1.641,60 USD/ounce.

Theo giới phân tích, các nhà đầu tư đang "lờ" đi báo cáo của Ngân hàng HSBC cho thấy trong tháng 4/2012, hoạt động chế tạo của Trung Quốc tăng so với tháng trước đó. Thay vào đó, mọi con mắt đang đổ dồn vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ diễn ra trong hai ngày từ 24-25/4. Nếu trong cuộc họp lần này FED tung ra thêm các chương trình nới lỏng tiền tệ, thì đây sẽ là nhân tố hỗ trợ giá vàng.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Trước đó, trong tháng 2/2012, những đồn đoán về chương trình nới lỏng có định lượng của FED đã đẩy giá vàng lên gần 1.800 USD/ounce, song sang tới đầu tháng 4/2012 giá kim loại loại quý này đã dịu xuống 1.611 USD/ounce. Kể từ đầu tháng đến này, giá vàng vẫn dao động trong biên độ từ 1.610-1680 USD/ounce và hứng chịu những trận gió ngược trước hy vọng ngày một giảm về việc FED sẽ tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế, trong khi hoạt động mua vào không được thúc đẩy.

Không chỉ FED, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng sẽ họp vào ngày 27/4, với những kỳ vọng các chương trình nới lỏng định lượng sẽ lại được tung ra. Yuichi Ikemizu, chuyên gia thuộc Standard Bank, nhận định giới giao dịch đang đứng ngoài và chờ đợi cuộc họp của FED và BoJ.

Bên cạnh đó, tình hình tài chính của châu Âu cũng vẫn duy trì là một mối lo ngại đối với giới đầu tư, trong bối cảnh lãi suất trái phiếu của Italia và Tây Ban Nha vọt lên những mức cao nguy hiểm. Cuối tuần qua, tại cuộc họp giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Oasinhtơn, IMF đã nhận được cam kết đóng góp hơn 430 tỷ USD cho quỹ dự phòng rủi ro nhằm giúp châu Âu và các nước khác trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, thể chế tài chính này cũng đối mặt với sức ép phải tiến hành cải cách như đã cam kết hồi năm 2010, theo đó mang lại tiếng nói lớn hơn cho các nước đang phát triển.

TTXVN/ Tin Tức