04:07 29/04/2019

Vang danh Rừng Sác - Bài 2: Ký ức một thời trai trẻ

Được hình thành khá đặc biệt trong chiến tranh giải phóng miền Nam, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác gắn mình với vùng “rừng thiêng, nước độc” để chia cắt nguồn tiếp tế cho Mỹ - Ngụy ở Sài Gòn. Những tháng ngày “chìm nổi” trong vùng sông nước ven đô Sài Gòn là những ngày đầy ắp kỷ niệm oai hùng một thời trai trẻ của chiến sỹ Rừng Sác năm xưa…

Chú thích ảnh
Ông Huỳnh Đồng (nguyên Trung đội trưởng Trinh sát - Đoàn 10) và bà Phạm Thị Nhung (cán bộ y tá Đoàn 10) ôn lại những kỷ niệm về vùng Rừng Sác năm xưa. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Sống với dân, bám lấy rừng

Địa bàn Rừng Sác, nhất là khu phía Tây sông Lòng Tàu thường xuyên bị địch phong tỏa, nên rất khó khăn. Nhiều thời kỳ, các chiến sỹ Đoàn 10 ở đây thiếu gạo, phải giã lúa bằng nửa vỏ đạn 105 ly để có chút ít gạo nuôi thương binh; nấu cất nước mặn thành nước ngọt chia nhau chống khát. Để tránh tai mắt của địch, Đoàn 10 phải nối với cơ sở, mùa gặt dân giấu lúa ở ruộng, đêm quân ta đột nhập vào lấy lúa chống đói qua ngày.

Là dân địa phương, ông Huỳnh Đồng (nguyên Trung đội trưởng Trinh sát - Đoàn 10) cho biết, mỗi khi vào bưng (khu đất không ngập nước được bộ đội chọn làm nơi trú quân) phải dậy sớm nấu nước, ăn uống rồi đi tới bưng.

Ông Huỳnh Đồng nhớ lại: “Đi gần tới đó là đi ngược (lùi), vừa đi vừa xóa dấu vết. Bưng thường có chỉ chừng một mẫu và mình núp ở đó. Xe tăng của nó, tàu chiến của nó chạy vòng vòng bên ngoài. Chiều gần tối thì trở ra. Lính Mỹ càn theo la bàn, núp dưới bờ nước thấy chân lính Mỹ”.

Cả cuộc đời gắn với vùng Rừng Sác, ông Huỳnh Đồng cho biết, người dân ở đây rất yêu quý bộ đội, luôn sẵn sàng tiếp ứng lương thực, thực phẩm cho Đoàn 10 khi có thể. Và cũng chính vì gắn với dân, được người dân bảo vệ, nên căn cứ Rừng Sác đã luôn đứng vững trước những đợt càn quét của địch.

Trong khi đó, từng tham gia chiến dịch Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhưng bà Phạm Thị Nhung, nguyên y tá Đoàn 10 đặc công Rừng Sác (hiện ở thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ) cho biết: “Ở Rừng Sác khó khăn lắm, thiếu hụt đủ thứ, nước uống không có (vùng ngập mặn) nên phải nấu nước cất cho bộ đội uống. Mỗi ngày nấu “cật lực” cũng chỉ được khoảng 20 lít”.

“Phương châm bám đất, bám dân đã giúp Đoàn đặc công Rừng Sác hoàn thành nhiệm vụ suốt từ khi thành lập đến ngày giải phóng miền Nam. Cũng nhờ dân mến, dân thương, đùm bọc, che chở, cung cấp nhiều nhu yếu phẩm cần thiết đã giúp những chiến sỹ đặc công Rừng Sác vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, bà Phạm Thị Nhung chia sẻ.        

Trải qua 9 năm ác liệt ở Rừng Sác, dù khó khăn, gian khổ, nhưng các chiến sĩ Đoàn 10 thề quyết giữ địa bàn, một tấc không đi, một ly không rời trận địa nếu không có lệnh của cấp trên. Chính tinh thần ấy đã giúp họ bám trụ chiến đấu, cùng Đảng bộ huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) xây dựng phong trào cách mạng địa phương cho đến ngày toàn thắng.

Cũng vì những khó khăn đó, với những người như bà Nhung, họ không chỉ làm nhiệm vụ của một y tá, mà còn gánh vác thêm công tác hậu cần, văn công. “Vết thương lành nhanh cũng một phần do tinh thần tốt. Chính những câu hát, những buổi văn nghệ đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính bị thương”, bà Phạm Thị Nhung nhớ lại.

Những con người vào sinh ra tử

Chú thích ảnh
Ông Huỳnh Đồng (nguyên Trung đội trưởng Trinh sát - Đoàn 10) và bà Phạm Thị Nhung (cán bộ y tá Đoàn 10) thắp nhang cho các đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Rừng Sác. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

“Rừng Sác là nhà, bến cảng, kho tàng là trận địa, sông Lòng Tàu là quyết chiến điểm - có lệnh là đánh - hoàn cảnh nào cũng đánh - đã đánh là thắng”, như một bài ca ra trận để những chiến sĩ Rừng Sác làm nên những chiến tích oai hùng. Với tư chất của một người lính cụ Hồ, nhất là bộ đội đặc công vốn sáng tạo, gan dạ, trung kiên, nên dù trong hoàn cảnh gian khó, nguy hiểm, họ không bao giờ chùn bước. Nhờ đó, những nhiệm vụ tưởng như “bất khả thi” cũng được hoàn thành.

Ở độ tuổi 77, ông Huỳnh Đồng vẫn nhớ như in về trận đánh tàu chuyển quân của Mỹ năm xưa, qua đó tránh được trận càn khốc liệt của địch đối với vùng Rừng Sác. Năm 1970, địch lên kế hoạch mở trận càn lớn từ Rừng Sác về Long Thành (Đồng Nai), Đoàn 10 được giao nhiệm vụ bẻ gãy trận càn trước khi chúng kịp tiến hành, bởi nếu để địch thực hiện được ý đồ, quân ta sẽ tổn thất nặng nề.

“Tôi khi đó là Trung đội trưởng Đội trinh sát (Đoàn 10), nhận nhiệm vụ bố trí lực lượng theo dõi tàu của địch đưa quân lên tuyến Rừng Sác để chuẩn bị cho trận càn. Xác định mục tiêu chính, tôi cùng 2 đồng đội được trang bị 2 khẩu AK và một khẩu B41 cùng 3 quả đạn tiến hành mai phục ở ấp Bàu Bông, gần Thị Vải, chỉ cách luồng tàu địch khoảng 100m”, ông Huỳnh Đồng kể lại.

Lúc đó, khoảng 22 giờ của đêm trăng đầu tháng 5, tháng 6, quân địch tập trung ở khu vực Long Sơn để chuẩn bị cho ngày mai càn xuống Long Thành. Địch rút quân theo từng đợt tàu hải quân, lúc 5 chiếc, lúc 7 chiếc, lúc 3 chiếc. Lúc này, ông Huỳnh Đồng không cho nổ súng, anh em đi cùng sốt ruột nhắc “mình mà không nổ súng, mai chúng nó càn lên là mình bị kỷ luật liền đó”.

Trước tình hình “căng như dây đàn”, ông Huỳnh Đồng vẫn bảo anh em chờ đợi thời cơ. Một lúc sau, nước lớn xuống, mặt trăng gần lặn, phát hiện một tàu xuống chỉ một mình, đây là loại tàu đặc biệt, chuyên chuyển quân.  

“Khi nào tao bắn, thằng Năm và thằng Thành hướng bắn góc 45 độ, không được bắn chính diện dễ bị phụt lại (bị lộ). Bắn một phát, nó tấp ngay vào bờ, ngay công sự mình và bốc cháy. Lúc này, trên tàu có khoảng 150 tên Mỹ. Ngay lập tức, mấy chiếc tàu của địch ở phía Vũng Tàu bắn lên rào rào, toàn 40 ly”, ông Huỳnh Đồng kể lại khoảnh khắc lúc đó.

Ông Huỳnh Đồng cho biết: “Dù tàu địch liên tục rọi đèn pha, nhưng nhờ lửa chiếc tàu cháy đó che mà chúng tôi rút về an toàn tới Gò Cát, trong người vẫn còn 2 trái đạn. Sáng hôm nay, địch rút quân để lại các xác tàu trên sông và ba đứa tôi, mỗi đứa được một cái giấy khen”.

Chú thích ảnh
Nghĩa trang Liệt sĩ Rừng Sác là một trong những “địa chỉ đỏ” thường xuyên đón các đoàn du khách. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Nhưng nhắc đến Đoàn 10 anh hùng là phải nhắc đến chiến sĩ Đội 5, đơn vị hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, với những chiến tích oai hùng của cả tập thể và cá nhân. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện năm 1964, chàng trai trẻ quê Thanh Hóa Cao Hùng Ngọt (nguyên Đội trưởng Đội 5 - Đoàn 10 đặc công Rừng Sác), cùng đồng đội của Đoàn 126 Hải quân hành quân vào chi viện cho miền Nam. Đến Lộc Ninh (Bình Phước), đơn vị của ông được chia thành hai nhánh, trong đó nhánh của ông tiến về Đông Nam Sài Gòn với mục tiêu là Rừng Sác, nơi mà ông hoàn toàn “mờ tịt” về địa hình, thông tin.

Với Đại úy Cao Hùng Ngọt, tâm trí ông luôn khắc ghi hai trận đánh “để đời”. Ngoài trận đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè do ông chỉ huy chung, trận còn lại có ý nghĩa đặc biệt với cá nhân ông. Đó là tháng 7/1972, đội của ông nhận lệnh đánh tàu vận tải 7.000 tấn của Mỹ trên sông Lòng Tàu. Khi đang di chuyển trong làn nước hướng về mục tiêu, đồng đội đi cùng bất ngờ bị đau phải quay trở lại.

“Lúc này, trong đầu tôi rất căng thẳng, nếu bỏ mục tiêu sẽ mất cơ hội, không thể rút lui được. Với khí chất “hoàn cảnh nào cũng đánh”, tôi đã nhờ vào lực nâng của nước sông để di chuyển khối thuốc nổ khoảng 70 kg hướng về phía tàu Mỹ. Đêm 20/7/1972 đó thật đặc biệt, tôi đã một mình đánh chìm con tàu 7.000 tấn của địch để hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao”, ông Cao Hùng Ngọt chia sẻ đầy tự hào.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Rừng Sác của các chiến sỹ Trung đoàn 10 đã trở thành “tử địa” với kẻ thù, bởi các chiến sỹ đã phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, với lối đánh du kích sáng tạo. Đặc công Rừng Sác đã ghi vào lịch sử dân tộc những trang vẻ vang, oanh liệt. Nơi đây, các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế có thể tìm đến, lắng đọng và tự hào về một thời gian lao mà anh dũng của các chiến sỹ đặc công Rừng Sác và nhân dân Cần Giờ.

Với những chiến công hiển hách của cả tập thể cũng như từng chiến sỹ, ngày 23/9/1973, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đến nay, Đoàn 10 có 3 tập thể, 9 cán bộ, chiến sỹ được tuyên dương, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, riêng Đội 5 được hai lần tuyên dương.

Bài cuối: Cho Rừng Sác mãi xanh tươi

Tiến Lực - Xuân Khu (TTXVN)