05:06 07/05/2014

Vắng bóng những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu

Hơn 3.000 văn nghệ sỹ thuộc Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội (trong đó có tới 500 nhà văn, nhà thơ), hàng năm đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung, nghệ thuật, bám sát thực tiễn cuộc sống.

Hơn 3.000 văn nghệ sỹ thuộc Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội (trong đó có tới 500 nhà văn, nhà thơ), hàng năm đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung, nghệ thuật, bám sát thực tiễn cuộc sống. Dù vậy, so với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước, dường như văn học nghệ thuật thành phố chưa song hành kịp, chưa tạo ra nhiều tác phẩm tiêu biểu.


Tạo mạch nguồn sáng tác…


Sau khi đất nước đổi mới, nhất là khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (năm 1988) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới, văn học nghệ thuật Thủ đô đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Đội ngũ văn nghệ sỹ đã cởi mở, tự tin hơn và được tự do trong lựa chọn đề tài, đề cập những vấn đề cấp thiết đối với xã hội hiện nay, tự do trong cách thể hiện sáng tác... Nhất là 10 năm trở lại đây, khi Thủ đô cũng như đất nước đang trong tiến trình hội nhập sâu với thế giới, các tác phẩm của giới văn nghệ sỹ càng được cách tân, đề tài bao quát nhiều vấn đề hơn, bắt kịp những suy nghĩ của người dân và sự chuyển động của xã hội, phục vụ yêu cầu đổi mới.

 

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Phụ nữ đọc sách xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Ông Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết: Sự phát triển nhanh của Thủ đô và đất nước đặt ra trọng trách cho các văn nghệ sỹ phải sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu, xứng tầm với vị thế mới, phục vụ yêu cầu đổi mới. Để phục vụ cho nhiệm vụ đó, tất cả hội đồng sáng tác của Hội đều thảo luận sâu sắc, chi tiết từng vấn đề, để làm cơ sở, nền tảng sáng tạo cho anh chị em văn nghệ sỹ.


Dịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội đồng sáng tác về đề tài Nghìn năm Thăng Long đã có rất nhiều cuộc hội thảo để nêu bật giá trị truyền thống của Hà Nội để sau đó triển khai tới các văn nghệ sỹ sáng tác. Qua đó, cùng với sự tâm huyết, nhiệt tình của các hội chuyên ngành và hội viên, rất nhiều tác phẩm văn, thơ, nhạc, múa, hội họa, nhiếp ảnh… có giá trị cao đã được ra mắt, phục vụ dịp lễ lớn của Thủ đô. Để tiếp tục chuẩn bị cho những ngày lễ lớn như kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô năm 2014, kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước năm 2015, kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2016, Hội cũng đã có kế hoạch vận động văn nghệ sỹ sáng tác các tác phẩm văn hóa nghệ thuật để chào mừng.


Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố cũng phát huy thế mạnh của Hội, đưa anh chị em đi thực tế, tham gia trại sáng tác, liên kết với các hội bạn trong đó có 5 tổ chức hội ở các kinh đô xưa là Hà Nội - Phú Thọ - Ninh Bình - Thanh Hóa - Huế; phát huy thế mạnh ba thành phố kết nghĩa thời chống Mỹ: Hà Nội - Huế - Sài Gòn huy động lực lượng văn nghệ sỹ tại các địa phương đó hưởng ứng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật tốt cho Hà Nội.


… nhưng chưa đạt tới đỉnh cao


Đánh giá về khả năng đáp ứng của văn học nghệ thuật Thủ đô đối với yêu cầu phát triển của thời đại, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội Bằng Việt thừa nhận: “Trong tình hình chung của cả nước thì văn học nghệ thuật Hà Nội làm được nhiều điều hơn cả. Nhưng so với yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước thì… chưa được như mong muốn”.


Không thể phủ nhận văn hóa đọc đang bị xuống cấp, xã hội dường như chỉ quan tâm đến nhiều lợi ích thực dụng khác nên văn nghệ sỹ có phần bị “tủi thân”, không hết mình trong sự nghiệp sáng tác. Nhiều người có quan niệm đây không phải là thời để văn học nghệ thuật được tôn vinh. Vì thế, văn nghệ sỹ chỉ túc tắc sáng tác, thay vì có thể “chạy” được lại chỉ ung dung “bước” đi.


Tình hình đón nhận các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay được cho là trái ngược hẳn với thời kỳ đất nước đang trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ở thời điểm đó, mỗi cuốn sách, bài hát ra đời đều có sức lôi cuốn, tác động đến xã hội, được người đọc trân trọng, yêu quý, tạo thêm động lực để văn nghệ sỹ sáng tác, cống hiến. Còn hiện nay, đa phần người dân thờ ơ với văn học nghệ thuật, ít coi trọng giá trị tinh thần, văn hóa văn nghệ thì việc sáng tạo của văn nghệ sỹ không còn động lực như trước. Bên cạnh đó, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, các tác phẩm văn học nghệ thuật bản in khó cạnh tranh được với sách điện tử; các tác phẩm văn học chân chính bị lấn át bởi các sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường khiến các nhà văn, nhà thơ rất trăn trở…


Để cải thiện tình hình, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội vẫn đang miệt mài theo cách cũ: Đầu tư trực tiếp để có những sáng tác tốt, ký hợp đồng sáng tác, tổ chức trại sáng tác, điền dã, hội thảo… nhưng để khơi nguồn, thúc đẩy văn nghệ sỹ tâm huyết tạo ra những tác phẩm tiêu biểu phục vụ quần chúng nhân dân, phục vụ Thủ đô, đất nước có lẽ cần một môi trường sinh hoạt vì nghệ thuật rộng lớn hơn, không chỉ bó hẹp trong phạm vi của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình...


Nói như Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội Bằng Việt: Thực tế tiềm năng của văn nghệ sỹ Hà Nội còn rất lớn, tầm suy nghĩ lớn hơn nhiều so với những gì đã đóng góp bởi không phải không có tình trạng người ta thấy nói ra thêm, viết ra thêm chẳng được gì nên dừng lại. Để thay đổi được điều này cần sự vào cuộc không chỉ của các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật.


Đinh Thị Thuận