01:07 09/01/2014

“Vàng” Asiad: Xa mà gần

Trong quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngành thể thao Hà Nội đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là duy trì vị trí số 1 toàn quốc, cả về thể thao quần chúng và thể thao đỉnh cao.

Trong quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngành thể thao Hà Nội đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là duy trì vị trí số 1 toàn quốc, cả về thể thao quần chúng và thể thao đỉnh cao. Hà Nội cũng tự nâng tầm thách thức cho chính mình, khi đặt ra chỉ tiêu giành tối thiểu 5 Huy chương Vàng tại Asiad 18 năm 2019. Đích ngắm đó liệu có khả thi?


Tham vọng lớn


Sau thành công cả về công tác tổ chức lẫn chuyên môn tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 - SEA Games 2003 và Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3 - AIG 2009, nhờ vị thế thủ đô, Hà Nội tiếp tục nhận vinh dự đại diện cho Việt Nam đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 - Asiad 2019. Nhìn vào các sự kiện này, có thể thấy nhiệm vụ và thách thức đối với thể thao Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đang ngày càng lớn.

 

VĐV điền kinh Nguyễn Văn Hùng là một trong những gương mặt nổi bật của thể thao Hà Nội tại SEA Games 27. Quang Nhựt – TTXVN

Theo quy hoạch phát triển TDTT Hà Nội tới năm 2020, định hướng đến năm 2030, những tấm huy chương Olympic nếu có thì sẽ rơi vào 15 môn được tập trung đầu tư: Điền kinh, thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu), canoeing, rowing, taekwondo, vật, boxing, bắn súng, bắn cung, bóng bàn, thể dục dụng cụ, judo, cử tạ, cầu lông và đấu kiếm. Còn mục tiêu 5 HCV Asiad 2019 sẽ nằm trong số 21 môn: Điền kinh, thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu), karatedo, wushu, vật, taekwondo, bắn súng, cờ vua, thể dục dụng cụ, xe đạp, canoeing, rowing, judo, cử tạ, cầu mây, đá cầu, boxing, sport aerobic, đấu kiếm, bi sắt, kurash.


Hà Nội từ trước đến nay vẫn luôn là dấu son trên bản đồ thể thao Việt Nam. Mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” này luôn sản sinh ra những thế hệ vận động viên tài năng, những huấn luyện viên và những nhà quản lý thể thao giỏi. Ở thời nào cũng vậy, Hà Nội đều có đóng góp lớn vào bảng thành tích của thể thao nước nhà. Tuy nhiên, nếu muốn hiện thực hóa những mục tiêu lớn tại các đấu trường khốc liệt Asiad, Olympic trong mươi, mười lăm năm tới và để duy trì vị thế lá cờ đầu của mình so với các địa phương khác trên cả nước, thể thao Hà Nội cần phải có chiến lược phát triển tương xứng.


Không ít ý kiến đã bày tỏ sự nghi ngại đối với những mục tiêu tham vọng của thể thao Hà Nội trong quy hoạch phát triển thể dục thể thao Thủ đô tới năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, riêng về thể thao thành tích cao, Hà Nội đặt mục tiêu đóng góp 30 - 35% số lượng VĐV và phấn đấu giành huy chương cho Đoàn TTVN tại Olympic 2016 và Olympic 2020. Chưa dừng lại ở đó, tại Asiad 2014 và Asiad 2019, Hà Nội đặt mục tiêu đóng góp 30% số lượng VĐV và cũng tỷ lệ đó cho số huy chương của Đoàn TTVN.

Ông Trần Đức Phấn, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT):

Cần đầu tư đúng mức

Hà Nội luôn là đơn vị đóng góp nhiều VĐV nhất cho thể thao Việt Nam tại các giải đấu lớn trong khu vực và quốc tế. Các VĐV Hà Nội cũng luôn dẫn đầu toàn quốc về số huy chương giành được, mà gần nhất là tại SEA Games 27. Đó là kết quả xứng đáng với sự đầu tư của Hà Nội cho lĩnh vực thể thao, đặc biệt là thể thao đỉnh cao. Tuy nhiên, Asiad là một đấu trường cạnh tranh hết sức khốc liệt, việc có thể giành huy chương, chưa nói đến HCV, là rất khó khăn. Mặt khác, thành tích của các đối thủ trong khu vực cũng luôn không ngừng được cải thiện. Những gương mặt VĐV Hà Nội có triển vọng giành HCV Asiad 2019 đều đã được nhận diện và quy hoạch, nhưng mục tiêu 5 HCV chỉ có thể đạt được nếu được đầu tư đúng mức.

Ông Bùi Huy Quang, Trưởng phòng thể thao đỉnh cao (Sở VHTTDL Hà Nội):

Cơ sở thực tiễn

Nhằm chuẩn bị cho Asiad 2019, với tư cách là đơn vị đăng cai chính các môn thi đấu tại Đại hội, thể thao Hà Nội đã lên một kế hoạch tham vọng và đặt quyết tâm cao. Những mục tiêu mà thể thao Hà Nội đặt ra trong quy hoạch phát triển không phải là xa vời, mà dựa trên năng lực thực tế. Các VĐV Hà Nội đã đạt đến đẳng cấp thế giới và châu Á ở nhiều bộ môn, như vật, taekwondo, wushu, cầu mây, thể dục dụng cụ, karatedo, cử tạ… Năm 2014 và những năm tới đây, những hạt nhân trẻ xuất sắc sẽ tiếp tục được tham dự các chương trình tập huấn trọng điểm và thi đấu quốc tế, nhằm tích lũy kinh nghiệm và từng bước cải thiện thành tích.


Cụ thể hơn, tại Olympic 2016 (Rio de Janeiro, Brazil), Hà Nội kỳ vọng số lượng VĐV của mình vượt qua vòng loại là 10 - 12 người. Con số này tại Olympic 2020 (Tokyo, Nhật Bản) là 13 - 15 VĐV. Tuy vậy, nếu như thể thao Hà Nội chỉ phấn đấu đạt huy chương Olympic, thì tại sân chơi Asiad, họ đã mạnh dạn hơn: Góp sức giúp Đoàn TTVN xếp hạng 13 - 15 năm 2014 và đặc biệt là đặt chỉ tiêu giành tối thiểu 5 HCV năm 2019 (xếp hạng 6 - 10).


Đây quả thực là những chỉ tiêu tham vọng. Để so sánh, tại Olympic 2012 (London, Anh), Đoàn TTVN tham dự với 18 VĐV và không giành được huy chương nào. Còn tại Asiad 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), Đoàn TTVN chỉ có duy nhất 1 HCV (17 HCB, 15 HCĐ). Trong khi đó, theo Đề án tổng thể chuẩn bị cho Asiad 2019, Đoàn TTVN cũng chỉ đặt chỉ tiêu giành tối thiểu 10 HCV. Tuy nhiên, thể thao Hà Nội có những cơ sở để đặt ra mục tiêu mang tính đột phá cao như vậy.


Quyết định ở đầu tư


Tại Hội thảo khoa học mới đây, nhằm góp ý kiến cho Quy hoạch phát triển TDTT Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, do quỹ thời gian không còn nhiều, nên Hà Nội cần phải đầu tư thật quyết liệt cho việc đào tạo VĐV, nếu muốn giành huy chương tại Asiad và Olympic. Đây là chính sách mà một số địa phương, đơn vị đã thực hiện và bắt đầu đến ngày “hái quả”, như trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân đội), Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật (TP Hồ Chí Minh), Quách Thị Lan (Thanh Hóa), Lý Hoàng Nam (Bình Dương)…


Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Lân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, cho biết, thể thao Hà Nội luôn được thành phố đầu tư rất mạnh trong những năm qua. Các VĐV mũi nhọn ở một số môn trọng điểm, như điền kinh, thể dục dụng cụ, cầu lông, bóng bàn… vẫn thường xuyên được cử đi tập huấn, thi đấu cọ xát ở nước ngoài. Danh sách các môn thể thao được tập trung đầu tư cho Asiad và Olympic cũng đã được Hà Nội sàng lọc kỹ càng.


Ngoài kế hoạch đầu tư bài bản và đúng tầm, thể thao Hà Nội còn có một nền tảng vững chắc từ chính vị thế của mình trong nhiều năm qua. Là cái nôi du nhập và phát triển rất nhiều môn thể thao khác nhau, đến nay, Hà Nội đã có những VĐV đạt đến đẳng cấp châu lục và thế giới, ở các môn như thể dục dụng cụ, wushu, cầu mây, taekwondo, judo, karatedo… Cũng nhờ đó, VĐV Hà Nội luôn chiếm số lượng đông đảo nhất trong Đoàn TTVN tham dự các giải đấu lớn và giành được những thành tích cao.


Gần đây nhất, tại SEA Games 27, các VĐV Hà Nội đã giành 22 HCV, 22 HCB và 32 HCĐ, nhiều nhất trong tổng số 73 HCV, 86 HCB và 86 HCĐ của Đoàn TTVN (chiếm 30%). Ngoài những cái tên kỳ cựu như Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo), Nguyễn Thị Lụa (vật), Nguyễn Tiến Cương (bắn cung) hay Nguyễn Văn Hùng (điền kinh), thì Hà Nội cũng đã “trình làng” nhiều tài năng trẻ như Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Lê Thu Huyền, Phạm Như Thảo (cầu lông), Dương Thúy Vi (wushu) hay Nguyễn Thị Tuyết Mai (cử tạ)…


“Hạt giống” đã có, chỉ còn chờ quá trình “chăm bón” để thể thao Hà Nội thỏa giấc mơ “Vàng” Asiad nữa mà thôi!


Song Long