11:06 01/11/2014

Vẫn nhức nhối nạn buôn lậu, gian lận thương mại

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến về chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 31/10, lãnh đạo Tổng Cục Hải quan (TCHQ), Cục Quản lý thị trường (QLTT), Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đều nhận định: “Cuộc chiến” chống buôn lậu, GLTM vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến về chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 31/10, lãnh đạo Tổng Cục Hải quan (TCHQ), Cục Quản lý thị trường (QLTT), Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đều nhận định: “Cuộc chiến” chống buôn lậu, GLTM vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

“Mặc dù, các cơ quan chuyên trách vẫn ngày đêm canh gác, căng mình thực hiện nhiệm vụ nhưng tội phạm vẫn lọt lưới. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân”, đại diện TCHQ nói.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Cục QLTT (Bộ Công Thương), trong 10 tháng năm 2014, Cục QLTT đã phát hiện 13.000 vụ vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng nhái với số tiền xử phạt hơn 45 tỷ đồng.

Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với Đội quản lý thị trường số 1 tỉnh Lào Cai lập biên bản xử lý lô hàng trị giá vài trăm triệu đồng gồm quần áo, vải, táo quả khô… có nguồn gốc từ Trung Quốc.Ảnh: Lục Văn Toán – TTXVN


Báo cáo mới đây của TCHQ cho hay: Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến địa bàn vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng buôn lậu tập trung vào hàng hóa có giá trị cao nên mặc dù số vụ vi phạm ít hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị hàng hóa vi phạm trong 9 tháng năm nay vẫn tăng (số vụ giảm 5,9%, giá trị tăng 15,21% so với cùng kỳ năm 2013).

Liên quan tới nạn buôn lậu thuốc lá, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện là thị trường đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ thuốc lá. Đáng chú ý, số lượng thuốc lá điếu nhập lậu năm 2013 khoảng 17 tỷ điếu nhưng dự báo trong năm nay, số lượng thuốc lá điếu nhập lậu tăng từ 30 - 40%, tương đương trên 22 tỷ điếu. “Thuốc lá nhập lậu gia tăng đã gây thất thu ngân sách cũng tăng từ 6.500 tỷ đồng (năm 2013) lên khoảng 8.000 tỷ đồng trong năm 2014”, ông Cường chia sẻ.

Phát biểu tại buổi làm việc mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng: Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, tình hình buôn lậu sẽ càng gia tăng, Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị: Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành địa phương cần xác định, coi nhiệm vụ phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại là nhiệm vụ đầu tiên, ưu tiên và thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện; tiếp tục lên các phương án cụ thể về chống buôn lậu và GLTM, bên cạnh đó, cần nắm chắc địa bàn làm tốt công tác điều tra từng cá nhân cơ quan doanh nghiệp để phát hiện những thủ đoạn mới trong công tác phòng chống buôn lậu và GLTM.

Theo ngành hải quan, tại tuyến đường bộ, đường biển và hàng không, bưu điện quốc tế. thủ đoạn buôn lậu ngày càng diễn ra hết sức tinh vi. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đường bộ vẫn diễn ra chủ yếu ở các địa bàn trọng điểm như: Khu vực cửa khẩu Tây Trang, Hổi Puốc, Chiềng Khương tỉnh Điện Biên; Móng Cái (Quảng Ninh); Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma (Lạng Sơn); Tà Lùng (Cao Bằng); cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Lào Cai)... Thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng chính sách ưu đãi với hàng hóa khu kinh tế cửa khẩu, miễn thuế đối với cư dân biên giới, khách du lịch, kho ngoại quan… lợi dụng đường mòn lối mở, đêm tối, các đối tượng đã vận chuyển một lượng lớn hàng hóa vào nội địa tiêu thụ, không khai báo hải quan. Các mặt hàng vi phạm tập trung nhiều ở nhóm hàng tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá điếu, nước giải khát, hàng tạp hóa các loại.

Trong đó đáng chú ý việc lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất (TNTX) để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn tiếp tục diễn ra, gây ách tắc hàng hóa, phương tiện tại các cảng biển. Nhiều doanh nghiệp không chấp hành các quy định về TNTX như: Sau khi làm xong thủ tục tái xuất đã đi sai tuyến đường, tự ý phá dỡ côngtennơ để tẩu tán hàng hóa, đưa vào nội địa tiêu thụ, đặc biệt là những hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng gây bức xúc trong dư luận. Một số doanh nghiệp đã có xác nhận thực xuất của hải quan cửa khẩu nhưng không đến thanh khoản dẫn đến còn nhiều hồ sơ TNTX quá hạn chưa thanh khoản.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chống buôn lậu, GLTM và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả sẵn sàng chống đối lại cơ quan chức năng bằng mọi cách. Nguy hiểm hơn là có tình trạng hàng hóa Trung Quốc nguyên đai, nguyên kiện, mang từ bên kia biên giới về Việt Nam nhưng lại đội lốt hàng Việt, hàng made in Việt Nam, có cả giấy bảo hành, dấu hàng Việt Nam chất lượng cao in trên bao bì để lừa dối người tiêu dùng.

Nâng cao công tác phối hợp


Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo 389, sau 7 tháng đi vào hoạt động, công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả đã có sự chuyển biến tích cực. Các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 44.000 vụ, 2.500 tỷ đồng truy thu tiền thuế và trên 300 tỷ đồng tiền hàng hóa vi phạm. Mặc dù đã có kết quả tích cực nhưng giới trong ngành cho rằng: Công tác phòng chống buôn lậu vẫn chưa hiệu quả, tương xứng với thực trạng.

Ông Tín nói: “Cuộc chiến” chống buôn lậu, GLTM và hàng giả là một quốc nạn cực kỳ cam go và phức tạp. Các bộ ngành, Ban chỉ đạo cần phải thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, trong đó lực lượng chủ chốt là QLTT, công an và cảnh sát biển, bộ đội biên phòng và cơ quan công an phòng chống ma túy phải tích cực phối hợp để xử lý các vi phạm”.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng: Kết quả chưa đạt được như mong muốn là do: Nội dung các văn bản còn chồng chéo về thẩm quyền, chức năng các lực lượng; mức độ gian lận ngày càng tinh vi; lực lượng đấu tranh còn quá mỏng trong khi biên giới, bờ biển trải dài với nhiều đường ngang ngõ tắt. Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ; tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa đồng bộ nên tại những vùng sâu, vùng xa, thôn bản, trường học, dân trí thấp bà con lại bị lợi dụng, tiếp tay cho giới buôn lậu.

Minh Phương