04:06 25/04/2015

Vẫn lúng túng bỏ chấm điểm tiểu học

Sau gần một năm thực hiện thông tư 30 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đến nay hầu hết giáo viên, phụ huynh và học sinh đã dần quen với cách đánh giá nhận xét thay cho điểm số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thông tư này.

Sau gần một năm thực hiện thông tư 30 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đến nay hầu hết giáo viên, phụ huynh và học sinh đã dần quen với cách đánh giá nhận xét thay cho điểm số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thông tư này.

Giảm áp lực về điểm số

Theo thông tư 30 Bộ Giáo dục & Đào tạo, học sinh tiểu học sẽ được đánh giá bằng nhận xét thay cho điểm số. Nội dung đánh giá ở ba mặt học tập, năng lực, phẩm chất. Sau gần một năm thực hiện thông tư 30, hầu hết các giáo viên đều cho rằng việc đánh giá học sinh bằng nhận xét đã giảm nhiều áp lực điểm số và tránh sự mặc cảm tự ti ở học sinh, đặc biệt là học sinh có học lực yếu, kém.

Vẫn còn nhiều bất cập trong việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học.


Cô Ánh Ng. giáo viên dạy lớp 1 ở quận Bình Tân chia sẻ: “Thông tư 30 đã giúp cho các em có học lực yếu không bị mặc cảm với bạn bè. Nếu như trước đây các em không làm được bài thì có thể nhận được điểm 3, điểm 4. Khi nhìn vào điểm số của mình em đó sẽ thấy xấu hổ với bạn bè hoặc về nhà sẽ bị bố mẹ la mắng. Còn bây giờ nếu các em không làm được bài thì giáo viên có thể nhận xét những câu như: Em cần cố gắng ở điểm này, điểm kia... nhận xét như vậy sẽ giúp các em phấn khởi và thích đến lớp học hơn”.

"Không chỉ giảm áp lực học tập cho các em mà còn giúp giáo viên gần gũi với các em hơn, biết được điểm mạnh điểm yếu của từng học sinh, từ đó có thể đưa ra nhận định đúng những ưu điểm và những hạn chế của mỗi học sinh để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, giúp học sinh nâng cao hiệu quả học tập và rèn luyện", cô M. Ng. giáo viên dạy môn tiếng Anh ở quận Bình Tân cho biết.

Sau một năm học, hầu hết giáo viên và phụ huynh đã dần thích nghi với việc nhận xét thay cho điểm số. Chị Hồ Thị Thanh Nga (quận Bình Thạnh) chia sẻ: Trước đây, mỗi lần đi học về tôi đều hỏi con tôi hôm nay được mấy điểm, mỗi lần được điểm cao bé đều khoe nhưng khi điểm thấp bé lại giấu.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo tiểu học, Sở GD TP.HCM, cho biết: Việc đánh giá học sinh tiểu học đã được ngành giáo dục chuẩn bị từ rất lâu. Điều này được thể hiện thông qua năm học trước đó các trường tiểu học ở thành phố đã thực hiện rất tốt việc bỏ chấm điểm học sinh lớp 1. Sở GD - ĐT thành phố cũng thường xuyên chỉ đạo, tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức cho giáo viên và có những văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thông tư 30. Hiện nay, chúng tôi cũng đang lấy ý kiến của giáo viên để có những giải pháp cụ thể hơn.

Còn nhiều khó khăn

Sau gần một năm thực hiện, dù cho phụ huynh, giáo viên đã dần thích nghi với thông tư 30 nhưng việc triển khai như thế nào cho hiệu quả thì vẫn còn nhiều điểm "lấn cấn". Cô Ng. A, giáo viên dạy lớp 3 ở quận Bình Tân cho biết, cái khó nhất của giáo viên là phải suy nghĩ nhiều khi viết nhận xét. Viết như thế nào cho đúng, viết như thế nào để lời nhận xét vừa khích lệ vừa động viên học sinh phấn đấu học tốt hơn. Giáo viên cũng mất khá nhiều thời gian với công việc sổ sách. Cụ thể trước đây nếu chấm điểm một lớp học giáo viên chỉ cần mất khoảng 30 phút thì nay phải bỏ ra cả 3 - 4 tiếng để nhận xét rồi vào sổ.

Đặc biệt, đối với giáo viên bộ môn phải dạy nhiều học sinh khác nhau nên khó có thể nhớ rõ đặc điểm của từng học sinh để nhận xét chính xác. Cô M. Ng chia sẻ: “Đối với giáo viên chủ nhiệm chỉ gói gọn trong một lớp nên có thể nhớ được các em trong lớp của mình, còn đối với giáo viên dạy bộ môn thì khó khăn hơn vì phải nhớ đặc điểm của từng em trong khi học sinh quá đông. Như tôi dạy tiếng Anh cho 18 lớp, trung bình mỗi lớp khoảng 40 học sinh, như vậy tổng cộng tôi phải nhớ được đặc điểm của hơn 700 em học sinh”.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên vẫn chưa thực sự hiệu quả. Cô A. Ng chia sẻ: Ở trường tôi, học sinh đa số là con em người Hoa và hầu hết phụ huynh không biết đọc chữ tiếng Việt nên khi giáo viên viết nhận xét phụ huynh không đọc được. Trước kia chấm điểm học sinh, phụ huynh chỉ cần nhìn vào điểm số là biết con mình học giỏi, khá hay học yếu, còn bây giờ nhận xét họ không biết được con mình đang ở trình độ nào bởi họ không đọc được chữ. Cô Ng. A cũng cho biết, đa số phụ huynh học sinh ở quận Bình Tân đều làm công nhân, họ đi làm từ sáng đến tối mới về nhà nên cũng ít quan tâm đến việc học của con em mình, giáo viên nhận xét thì phụ huynh cũng chỉ biết vậy chứ cũng không biết là con mình học như thế nào.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về việc thực hiện thông tư 30, cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận 5 cho biết: Thông tư triển khai quá nhanh mà không có lộ trình nên giáo viên còn lúng túng trong việc nhận xét học sinh. Thực tế, có những lời nhận xét, đôi khi học sinh cũng chưa hiểu hết các em đạt ở mức độ nào, có những lời nhận xét mà phụ huynh cũng chưa hiểu hết con mình đang ở vị trí nào.

Điều bất cập nữa của thông tư này là dù không cho điểm trong suốt một năm học, nhưng vào cuối kỳ lại quay về chấm điểm. Ở các khối 1, 2, 3 và 4 giáo viên đứng lớp sẽ phối hợp giáo viên lớp trên cùng ra đề và chấm bài kiểm tra. Riêng ở khối 5, tổ chuyên môn giáo viên lớp 5 sẽ phối hợp với hiệu trưởng để ra đề. Kết quả những bài kiểm tra này sẽ là căn cứ để các em xét tuyển vào lớp 6, như vậy, khó tránh khỏi căn bệnh chạy theo thành tích.

Đan Phương