Ngày 18/7, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, bí thư đảng ủy, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn thành phố vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2025-2030.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã khái quát những thành tựu nổi bật sau 40 năm đổi mới và triển khai Nghị quyết Đại hội XVII của thành phố.
Ông Nguyễn Văn Phong gợi ý một số nội dung cốt lõi: Đánh giá liệu dự thảo văn kiện đã phản ánh đúng “tầm Thủ đô” - với mục tiêu không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn vươn tầm khu vực và quốc tế, phù hợp tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Ngoài ra, các đại biểu xem xét văn kiện đã thể hiện đúng vai trò Hà Nội là động lực phát triển, đầu tàu dẫn dắt, có sức lan tỏa trong cả nước - xứng đáng là Thủ đô của quốc gia 100 triệu dân đang trên đà phát triển mạnh mẽ; đánh giá mức độ bám sát các định hướng lớn của Trung ương, khả năng đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVIII của Đảng bộ thành phố Hà Nội được đánh giá công phu, bao quát, phản ánh tầm vóc Thủ đô.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Mỏ - Địa chất đề xuất một số kiến nghị nhằm làm sâu sắc hơn các định hướng phát triển, nhất là ở hai khâu đột phá: nguồn nhân lực chất lượng cao và chất lượng môi trường sống.
Về nguồn nhân lực, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, việc thu hút nhân tài cần gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gồm khu công nghiệp công nghệ cao, phòng thí nghiệm quốc gia, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đầu tư… Ông đề xuất bổ sung nhiệm vụ đầu tư trung tâm kết nối khoa học công nghệ tại đại học lớn, xây trung tâm chế thử tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, hỗ trợ tài chính và học bổng cho nhà khoa học và nghiên cứu sinh; điều chỉnh mục tiêu di dời đại học theo hướng phát triển ký túc xá có kết nối giao thông công cộng hiệu quả.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu trao đổi ý kiến với các đại biểu tại hội nghị.
Về môi trường, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Hải đề nghị cần xác lập “đột phá nâng cao chất lượng môi trường sống” là định hướng chiến lược. Giáo sư kiến nghị xây dựng quy hoạch môi trường tích hợp hạ tầng xanh, giao thông sạch, năng lượng tái tạo; hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường đô thị; tăng cường tái chế, giáo dục cộng đồng, liên kết vùng và sự tham gia của người dân để bảo vệ môi trường bền vững.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nêu ý kiến, Hà Nội cần có chiến lược tổng thể để làm sống lại các dòng sông nội đô, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng nghiêm trọng. Thành phố cần thu gom, xử lý triệt để nước thải, đặc biệt là tại khu vực đang để nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra sông như sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch.
Việc tích hợp hạ tầng thoát nước, sinh thái, giao thông và không gian công cộng; thay đổi cách tiếp cận trong thoát nước, hướng tới thoát nước bền vững góp phần hồi sinh dòng chảy, cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị. Đồng thời, đề xuất thiết kế đô thị nhạy cảm với nước (WSUD) giúp đô thị thích ứng tốt hơn với lũ lụt. Việc “làm sống lại dòng sông” không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là lựa chọn chiến lược để xây dựng Thủ đô sinh thái - xanh - bền vững, lấy nước làm trung tâm tổ chức lại không gian đô thị.
Đề cập đến tiềm năng, lợi thế về văn hóa của Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đề nghị, Dự thảo văn kiện Đại hội lần này cần đẩy mạnh chương trình, kế hoạch nâng cao vai trò vị thế của văn hóa của Thủ đô; khẳng định vị thế của Thủ đô - trái tim của cả nước.
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; đến năm 2045 trở thành thành phố phát triển bứt phá, GRDP/người trên 36.000 USD, nằm trong top 100 thành phố có chỉ số đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.
Hà Nội sẽ phát triển dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa và con người; ba chuyển đổi (xanh, số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng hiện đại, kết nối; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ba đột phá chiến lược gồm: Đổi mới mạnh mẽ tư duy về thể chế phát triển, mô hình quản trị đô thị hiện đại và phương thức tổ chức thực hiện, đặc biệt là triển khai hiệu quả Luật Thủ đô 2024; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hướng tới trở thành trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu với Khu công nghệ cao Hòa Lạc làm hạt nhân; phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại, thông minh và kết nối.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội quyết tâm tăng tốc, bứt phá để GRDP đạt mức tăng trưởng hai con số trong 5 năm tới, xây dựng Thủ đô xanh - thông minh - đáng sống - có sức hút quốc tế. Văn kiện Đại hội phải truyền cảm hứng, hiệu triệu xã hội đồng hành xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, hiện đại, văn hiến.