Sức mạnh tinh thần của bộ đội Trường Sơn - Bài 1: 'Chiếc gậy Trường Sơn' trong hành trang người lính

Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt nhất, bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sỹ Phạm Tuyên đã vượt qua không gian và thời gian, vượt qua mưa bom bão đạn, mang sự động viên, khích lệ tinh thần cho hàng triệu thanh niên Việt Nam trên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đến nay, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng sức sống của bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” vẫn có sức lan tỏa và sống mãi với thời gian.

Kỷ vật trong hành trang người lính

"Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân
Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn
Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi
Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui…"

Chú thích ảnh
Bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến sửa chữa đường Quyết Thắng (Quảng Bình), đoạn đường thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt, đảm bảo thông xe. Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN

Năm 1967, khi bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, ngay lập tức đã trở thành nguồn cảm hứng, sức mạnh tinh thần vô giá động viên các thanh niên lên đường nhập ngũ, xẻ dọc Trường Sơn vào chi viện cho miền Nam ruột thịt… Không chỉ thuộc nằm lòng, mà trong hành trang của nhiều chiến sỹ thời đó còn lưu giữ bản nhạc chép tay như một kỷ vật quý giá theo bước chân hành quân của các chiến sỹ.

Riêng với người dân xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội) bài hát của nhạc sỹ Phạm Tuyên ra đời đã trở thành niềm tự hào, niềm kiêu hãnh đối với mỗi người dân, bởi nơi đây đã cho ra đời bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn".

Nhạc sỹ Phạm Tuyên năm nay đã 90 tuổi nhưng ông vẫn nhớ rất rõ về từng ca khúc mà ông viết. Trong đó, bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” được ông sáng tác vào mùa hè năm 1967. Khi đó, ông cùng một số văn nghệ sỹ khác như nhạc sỹ Văn Cao, nhạc sỹ Hoàng Vân, nhà thơ Chế Lan Viên… được mời đi thực tế ở một số địa phương của tỉnh Hà Tây.

Cuối chuyến thực tế, đoàn văn nghệ sỹ được đưa về UBND xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, nghỉ qua đêm. Bất ngờ, vào khoảng 4 giờ sáng, nhạc sỹ Phạm Tuyên bị đánh thức bởi tiếng hành quân rầm rập xung quanh.

Khi nhìn ra cửa sổ, ông thấy rất nhiều thanh niên, trên lưng mỗi người đeo một chiếc ba lô đựng đầy gạch, tay cầm một chiếc gậy và tập hành quân… nên rất ngạc nhiên. Hỏi người dân trong làng, ông được biết, thanh niên trong làng đang rèn luyện để chuẩn bị lên đường vượt Trường Sơn ra chiến trường.

Ngày hôm sau, nhạc sỹ Phạm Tuyên cùng các văn nghệ sỹ được xã mời tham dự buổi lễ tiễn tân binh lên đường ra chiến trường. Trong buổi tiễn quân đó, ông được chứng kiến những hình ảnh rất ấn tượng. Trước lúc chia tay, mỗi gia đình trao tặng người thân của mình một chiếc gậy, được bà con trong xã gọi là chiếc gậy Trường Sơn làm bạn trên đường hành quân, cùng lời nhắn nhủ chúc các chiếc sỹ “chân cứng đá mềm” tất cả vì miền Nam ruột thịt.

“Có mặt và chứng kiến giây phút thiêng liêng ấy, tôi vô cùng xúc động. Khi trở về, những hình ảnh thanh niên trẻ luyện tập cùng cây gậy Trường Sơn trước khi ra chiến trường, ấn tượng về buổi lễ tiễn quân ấy cứ ám ảnh tôi mãi… Vì thế, tôi đã viết bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn”, nhạc sỹ Phạm Tuyên nhớ lại.

Sức sống vượt thời gian

Sau khi bài hát hoàn thành, nhạc sỹ Phạm Tuyên lập tức mang lên báo cáo lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi ông đang công tác. Ông Trần Lâm, Tổng Giám đốc Đài khi đó đã yêu cầu cho luyện tập, thu âm và phát sóng ngay để kịp thời động viên tinh thần anh em chiến sỹ.

Chú thích ảnh
Nhạc sỹ Phạm Tuyên. Ảnh: P.Lan

Vậy là, chỉ trong một thời gian rất ngắn, bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” do ca sỹ Mạnh Hà thể hiện đã được truyền đi khắp mọi miền đất nước và lập tức trở thành nguồn động viên tinh thần đối với các chiến sỹ đang chiến đấu ngoài mặt trận. Đặc biệt, những chiến sỹ quê ở Hòa Xá, ai ai cũng tự hào, thường mang bài hát ra để khoe với đồng đội về quê hương mình, cho dù cả bài hát không có từ nào nhắc đến Hòa Xá.

Bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” đã trở thành “tiếng lòng” của cả một thế hệ thời bấy giờ, bởi từng lời ca đã thể hiện rất rõ tình cảm của hậu phương với tiền tuyến, cũng như tình cảm của tiền tuyến gửi về hậu phương…

Chính vì vậy, sau khi bài hát ra đời, phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” từ Hòa Xá lan rộng sang nhiều địa phương khác, nhiều tỉnh còn lấy gỗ ở quê hương mình tặng cho các chiến sỹ trên đường ra chiến trường và cũng gọi là chiếc gậy Trường Sơn.

Nhiều cựu chiến binh chia sẻ, cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghe lại bài hát này, họ như được trở về những ngày bừng bừng khí thế, với lòng quyết tâm và tinh thần không ngại gian nguy của những người lính vượt Trường Sơn ra chiến trận, với tinh thần sẵn sàng vì miền Nam ruột thịt…  

Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể, khi bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” được phát trên sóng radio, người dân Hòa Xá nghe được đã rất xúc động, nên cử đại diện đến tận nhà cảm ơn và tặng ông một chiếc màn do chính người dân Hòa Xá dệt. “Kể từ khi bài hát ra đời, người dân Hòa Xá đã coi tôi là công dân trong làng.

Mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày truyền thống, hay ngày mở hội làng, người trong làng lại đón tôi về dự. Thậm chí, bản chép tay bài hát do tôi chép tặng thanh niên Hòa Xá đã được phóng to và treo ở vị trí trang trọng trong Phòng truyền thống của xã Hòa Xá hiện nay”, nhạc sỹ Phạm Tuyên tự hào chia sẻ.

Lần dở trong tập tài liệu quý được gìn giữ cẩn thận, nhạc sỹ Phạm Tuyên cho phóng viên TTXVN xem một bức thư ông nhận được từ một người bạn trong Nam gửi ra. Đó là một bản chép tay bài “Chiếc gậy Trường Sơn” kèm những dòng  thư ngắn đầy xúc động: “Bài hát này cùng tôi đi khắp chiến trường Nam Bộ từ những năm 1968-1975, người chép tặng là Lê Văn Ngọc, sau đó đi B và đã hy sinh tại chiến trường”. Nhạc sỹ Phạm Tuyên bảo, bức thư cùng bản nhạc này là kỷ vật vô giá, không gì so sánh được của ông.

Những ngày này, không khí kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại đang rộn ràng khắp cả nước, bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” lại một lần nữa vang lên trên khắp cả nước.

Nhiều người lại tìm đến nhạc sỹ Phạm Tuyên chia sẻ với ông những câu chuyện, kỷ niệm về bài hát này. “Bài hát ra đời đã hơn 50 năm, nhưng mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm tôi vẫn rất xúc động, đặc biệt là khi tôi thấy bài hát của mình vẫn được mọi người yêu quý, tràn đầy sức sống đến tận bây giờ. Đó là niềm vui, phần thưởng lớn nhất với người sáng tác như tôi”, nhạc sỹ Phạm Tuyên xúc động nói.

Bài 2: Tiếng hát át tiếng bom

Lan Lộc (TTXVN)
Triển lãm 'Đường Trường Sơn - Đường Chiến thắng'
Triển lãm 'Đường Trường Sơn - Đường Chiến thắng'

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), Cục Chính trị Quân khu 5 tổ chức Triển lãm “Đường Trường Sơn – Đường Chiến thắng” tại Bảo tàng Quân khu 5 vào ngày 16/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN