Tiếp tục đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Đêm hội văn hóa dân tộc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã được tổ chức tối 19/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu khai mạc Ngày hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nằm trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018, đêm hội là một trong những điểm nhấn của chuỗi các hoạt động nhân tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành tới dự, chia vui cùng đồng bào các dân tộc Việt Nam trong đêm hội ý nghĩa này.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gửi lời thăm hỏi, chúc mừng tốt đẹp nhất tới cộng đồng các dân tộc Việt Nam; cảm ơn các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước đã đồng hành, chung tay trong sự nghiệp phát triển văn hóa cũng như phát triển văn hóa các dân tộc.

Phó Chủ tịch nước đánh giá cao và biểu dương các đơn vị chức năng, đảng bộ, chính quyền các địa phương, đồng bào các dân tộc đã có nhiều cố gắng, đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng hoàn thiện, phát triển và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa để Ngày Văn hóa các dân tộc Việt  Nam thực sự là Ngày hội lớn đối với đồng bào các dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân đoàn kết, chung sức cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: 54 dân tộc với giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc mình chính là yếu tố cội nguồn, sản sinh, nuôi dưỡng bản sắc văn hóa Việt Nam; biểu hiện cho sức mạnh, sức sống trường tồn của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc có ý nghĩa ngày càng quan trọng. Đảng ta đã định hướng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Nhà nước đã có nhiều chủ chương, chính sách dân tộc, nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực để phát triển, duy trì các giá trị văn hóa dân tộc.

Thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trước sự tác động, biến đổi mạnh mẽ của các xu hướng văn hóa, hội nhập mới, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc văn hóa các dân tộc cùng với phát triển các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận; tiếp tục tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với xây dựng, mở rộng, chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc bắt kịp sự phát triển của thời đại.

Cùng với đó, tạo mọi điều kiện để nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động văn hóa của nhân dân; phấn đấu từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

Phó Chủ tịch nước đề nghị các ngành, các cấp, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Quyết định của Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần kịp thời khen thưởng, động viên nhằm lan tỏa việc làm tốt, tấm gương tốt trong phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, quảng bá, giúp các dân tộc trên khắp các vùng miền của Tổ quốc hiểu, gần gũi, thương yêu, tương trợ, quý trọng nhau hơn nhằm tăng cường tình đoàn kết chung trong cộng đồng các dân tộc, nâng cao ý thức tự tôn, lòng tự hào dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh, nền văn hóa của các dân tộc với cả nước và bạn bè quốc tế.

Phó Chủ tịch nước yêu cầu, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, chủ trì, chỉ đạo thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền các cấp thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa các dân tộc, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân để chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước.

Chương trình Nghệ thuật “Âm vang Đất Việt”. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. 10 năm qua, trên khắp mọi miền Tổ quốc, đồng bào các dân tộc, các địa phương đã thiết thực tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng từng bước đưa các hoạt động ngày 19/4 hàng năm trở thành nề nếp.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực sự là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, tăng cường giao lưu, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết 54 dân tộc anh em theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.


Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết thêm: Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; ban hành Chương trình khung hoạt động và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú và thiết thực.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương để Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực sự là ngày hội văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa các dân tộc, củng cố thêm lòng tin yêu đối với Đảng và Nhà nước.

Với Chủ đề “Âm vang Đất Việt”, Đêm hội văn hóa dân tộc mang đến một chương trình nghệ thuật hấp dẫn, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc. Chương trình gồm 6 phần chính: Nhịp phách vùng cao; Khúc Nhị hà; Câu hò điệu ví; Âm vang Đại ngàn; Vọng miền sông nước và Tinh hoa đất Việt. Mỗi phần diễn được xây dựng theo thể liên hoàn, dưới các hình thức ca, diễn xướng, múa, nhạc kết hợp với nghệ thuật sắp đặt.

Đến với các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018, công chúng sẽ có dịp chứng kiến và hòa mình vào nét đặc sắc, phong phú của văn hóa các dân tộc trên các vùng, miền của Tổ quốc, tạo nên không gian văn hóa đa dạng sắc màu, đậm bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Các hoạt động nhân tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/4 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Mở đầu chuỗi hoạt động là Đêm hội văn hóa các dân tộc với một chương trình nghệ thuật đậm sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp theo, là Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng về “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; các ngày hội văn hóa dân tộc, vùng miền...

Mỹ Bình (TTXVN)
Nhiều hoạt động đặc sắc trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018
Nhiều hoạt động đặc sắc trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018

“Bản sắc văn hóa dân tộc góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" là chủ đề Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN