Ngôn ngữ thời @: Cần nhìn nhận đúng để phát huy yếu tố tích cực

Tọa đàm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sỹ Thành Phong” đã thu hút đông đảo những nhà nghiên cứu ngôn ngữ, những nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng. Điều này cũng không lạ, bởi dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về ngôn ngữ "thời @", nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là ngôn ngữ “thời @” đã và đang có một vị trí nhất định trong ngôn ngữ tiếng Việt...

Có một dòng ngôn ngữ hiện đại

Sự hình thành của ngôn ngữ giới trẻ hiện đại là hiện tượng tự nhiên, tuân theo bản chất của ngôn ngữ, đó là khẳng định của PGS. TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình. Theo PGS. TS. Phạm Văn Tình, ngôn ngữ ra đời dựa trên nhu cầu của xã hội. Ở Việt Nam, thời điểm 20 năm trước, công nghệ thông tin chưa có sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, do đó, những cách nói mới mang đặc trưng của thời đại @ chưa xuất hiện.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sỹ Thành Phong”.


Nhưng đến thời điểm này, thì chúng ta cần có những ngôn ngữ mới, phù hợp với dòng chảy của thời đại. "Mà bản thân ngôn ngữ lại có khả năng sản sinh, những đơn vị ngôn ngữ cũ có thể được dùng để sáng tạo ra đơn vị mới. Hiểu như vậy để thấy rằng, ngôn ngữ mới mẻ mà những người trẻ (và cả những người không trẻ) đang dùng là một sự đáp ứng với thời đại, là kết quả của những sáng tạo dựa trên các đặc thù của ngôn ngữ tiếng Việt", PGS. TS. Phạm Văn Tình khẳng định.

Cũng chung quan điểm này, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã giải thích rằng đặc điểm cố hữu của tiếng Việt là khả năng hiệp vần. Từ xa xưa, dân gian đã sử dụng ngôn ngữ có tính vần vè hoặc thậm chí không có ý nghĩa rõ ràng nhưng hiệp vần ngộ nghĩnh và mang tính chất tượng trưng như: “Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú là chú bồ các…”. Theo lẽ đó, những câu mà các bạn trẻ hay dùng trong đời sống hàng ngày như: "Chảnh như con cá cảnh", "Đau khổ như con hổ", "Phê như con tê tê"... cũng không nhất thiết phải có ý nghĩa cụ thể nào. Đơn giản là lối hiệp vần trong cách sử dụng ngôn ngữ ấy đã thành công khi tạo ra sự vui tai thích thú cho người nghe.

"Đó là chưa tính đến việc từ vựng là yếu tố luôn luôn biến đổi của một ngôn ngữ. Mỗi thời đại mới cần đến những từ vựng mới; bởi thế, việc giới trẻ sử dụng những từ vựng trước đó chưa từng có trong tiếng Việt là điều tự nhiên". Ngoài ra, như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lý giải: Giới trẻ thường nhanh nhạy, nắm bắt cái mới kịp thời, họ lại khao khát chứng tỏ mình, mong muốn khẳng định sự độc đáo cá nhân bằng những cái mới lạ. Như vậy, sự hình thành ngôn ngữ giới trẻ thời hiện đại âu cũng là một hiện tượng tất yếu dễ hiểu. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của ngôn ngữ mới đôi khi lại là công cụ hữu ích giúp con người chuyển tải các sắc thái ý nghĩa mới. "Có ai ngờ khi từ “hơi bị” ra đời, ngoài những cách nói “hay hay” mà người ta vẫn thường nghe hàng ngày như “hơi bị đẹp, hơi bị được”, nó lại giúp Nguyễn Duy sáng tác nên một bài thơ “hơi bị hay”: "Giọt rơi hơi bị trong veo. Mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi. Chân mây hơi bị cuối trời. Em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu...", nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết.

Ngôn ngữ @ vẫn là sản phẩm của trí tuệ dân gian

Theo PGS. TS. Phạm Văn Tình, sự ra đời của ngôn ngữ mới, cũng như bất kỳ hiện tượng mới nào trong xã hội, thường gặp phải sự phản đối bởi người ta hay có tâm lý e ngại cái mới, không thích cái không thân thuộc. Tuy nhiên, ngôn ngữ của giới trẻ trong thời đại công nghệ thông tin này (dù là ngôn ngữ chat, ngôn ngữ trao đổi trong các diễn đàn trực tuyến hay ngôn ngữ blog…) đều là sản phẩm của trí tuệ dân gian. Có thể bộ phận ngôn ngữ đó chưa được sử dụng trong các văn bản chính thống, trong các tình huống trang trọng, nhưng chúng ta không nên phủ nhận nó. Chưa bàn đến việc nó đúng sai hay dở như thế nào, sự xuất hiện của nó cũng là minh chứng của những sáng tạo đáng ghi nhận trong ngôn ngữ.

Quan trọng hơn, ngôn ngữ ấy đang tồn tại hiển nhiên trong cuộc sống bởi giới trẻ vẫn sử dụng những câu như: “Hôm nay đi ăn chúng ta Campuchia” hay “Thôi đừng có Hồng lâu mộng nữa”. Là sản phẩm dân gian, ngôn ngữ có cơ chế tự chọn lọc của riêng nó. Thời gian sẽ “gạn đục khơi trong”, những yếu tố tích cực sẽ được giữ lại và thừa nhận rộng rãi. PGS. TS. Phạm Văn Tình nhấn mạnh rằng, không phải ngẫu nhiên mà tiếng lóng và ngôn ngữ chat được đưa vào bộ từ điển lớn như Oxford. Đó là sự ghi nhận chính thức ngôn ngữ mới đã dung nhập vào đời sống sau một quá trình chọn lọc đủ lâu dài. “Hãy cứ xem nó (ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay) như một món ăn lạ đang tồn tại, việc có ăn nó hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân”, PGS. TS. Phạm Văn Tình khẳng định.

Đặc biệt, những người mang nỗi lo ngôn ngữ hiện đại mà giới trẻ đang dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự giàu và đẹp của tiếng Việt có lẽ sẽ thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều nếu biết có một lượng không nhỏ các bạn trẻ đặt câu hỏi xung quanh việc nên “đối xử” với ngôn ngữ mới này như thế nào để không làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. PGS. TS, nhà giáo Văn Như Cương cho rằng: “Giữ gìn sự trong sáng không có nghĩa là khư khư với cái hiện có”, cũng không phải là kiên quyết loại bỏ cái mới, cái ngoại lai.

PGS. TS. Phạm Văn Tình cũng đồng tình với ý kiến này. Vốn trong tiếng Việt đã có nhiều từ gốc tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Hán. Việc mượn các yếu tố nước ngoài có thể làm giàu thêm cho tiếng Việt. Cũng như vậy, việc tiếp thu hợp lý ngôn ngữ hiện đại của giới trẻ cũng có thể khiến tiếng Việt thêm phong phú. Điều cần chú trọng ở đây là: Khi sử dụng ngôn ngữ mới của mình, giới trẻ vẫn cần có ý thức tránh cách dùng tiếng Việt không trong sáng, mà “không trong sáng” ở đây theo PGS. TS. Văn Như Cương là dùng các từ nước ngoài trong khi tiếng Việt có từ thay thế, là sử dụng tiếng Việt theo văn phong phương Tây.

“Ngôn ngữ thời @” đã được thừa nhận như vậy, tuy nhiên trách nhiệm của các bạn trẻ là sáng tạo, chọn lọc, tiếp thu để ngôn ngữ giới trẻ thời @ đóng góp “đắc địa” cho tiếng Việt, chứ không phải là thứ ngôn ngữ làm nghèo nàn đi tiếng Việt của chúng ta. Đó cũng là điều các nhà nghiên cứu, phê bình lý luận, nhà giáo đều thống nhất với nhau. Và đây cũng sẽ là một “định hướng” cho ngôn ngữ @ trong sự tồn tại và phát triển trong thời gian tới.

Bài và ảnh: P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN