12:19 31/12/2014

Văn hóa tâm linh trong ghe ngo

Ở Nam Bộ, mỗi chiếc ghe ngo là sản phẩm của một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer tạo ra và tham gia tranh tài.

Ở Nam Bộ, mỗi chiếc ghe ngo là sản phẩm của một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer tạo ra và tham gia tranh tài.

Ghe ngo ngày xưa là một chiếc thuyền độc mộc, làm từ một thân cây, khoét ruột. Ngày nay, việc tìm thân cây vừa to vừa dài để đóng ghe rất khó khăn nên người Khmer làm ghe ngo bằng cách ghép những mảnh ván với nhau. Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng 25 đến 30 m, có từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy, như: ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) có 53 người, ghe ngo chùa Ông Mek (Trà Vinh) 57 người... Trên ghe ngo luôn luôn có ba người điều khiển, một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; một người ngồi giữa và một người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.

Ghe ngo ở chùa Dơi (thành phố Sóc Trăng).


Văn hóa tâm linh của người Khmer Nam Bộ thể hiện trong việc chọn biểu tượng cho ghe ngo. Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng. Việc chọn biểu tượng ghe ngo liên quan đến địa danh, hay quan niệm truyền thống của từng chùa. Thông thường, biểu tượng của ghe ngo là các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh,… Biểu tượng ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) là con chim, Chùa Champa (Sóc Trăng) chọn biểu tượng con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) biểu tượng con cá nược… Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng.

Vận động viên và người dân tham gia lễ hạ thủy ghe ngo.



Ghe ngo được ghép từ những mảnh ván rời rạc nên để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người Khmer dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe, gọi là cây cần câu (có nơi gọi là cây kềm). Việc cột cây cần câu vào ghe là điểm mấu chốt giúp ghe di chuyển nhanh trên đường đua. Người Khmer không chỉ tin vào kỹ thuật nối mà còn tin vào những yếu tố tâm linh trong việc thực hiện nối hai cây này. Thông thường việc nối cây cần câu vào ghe ngo được tiến hành vào giờ tốt, có thể cùng ngày với lễ hạ thủy, người nối cũng phải là người khỏe mạnh, có đạo đức, am hiểu về ghe ngo.

Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi. Hai mắt ghe cũng được vẽ cho phù hợp với biểu tượng của ghe. Tục vẽ mắt nổi cho ghe ngo là chi tiết thể hiện yếu tố tâm linh, được giải thích bằng nhiều quan niệm khác nhau, nhưng đa số nhà nghiên cứu cho rằng tục vẽ mắt nổi cho ghe ngo xuất phát từ quan niệm xem ghe như loài cá, loài rắn dưới nước cần phải có mắt để thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.

Mũi ghe ngo có biểu tượng hình con chim, ở chùa Bốn Mặt (Châu Thành, Sóc Trăng).



Yếu tố tâm linh còn được tìm thấy trong quan niệm xem mỗi chiếc ghe có một vị thần bảo hộ, như: Srey Khmav, Konseng Sorya, Kontong Khiev, Chontiev Ok, Chon Tiev Tay… vị thần này tạo nên sức mạnh của ghe cũng như đảm bảo sự an toàn cho vận động viên tham gia đua ghe. Điều này thể hiện sức mạnh tôn giáo, niềm tin vào sự che chở của thần linh đối với các hoạt động nhân sinh. Ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu, được xem là vật linh thiêng, nhất cử nhất động đều phải cử hành lễ cầu xin, như: lễ cửa rừng xin cây làm ghe, lễ khởi công làm ghe ngo, lễ khánh thành ghe ngo, đưa ghe lên nhà ghe, lễ hạ thủy ghe ngo…

Khi ghe đi dự hội, xuất phát trước mỗi cuộc đua hay kết thúc hội đua đưa ghe lên nhà, người Khmer ghe đều tổ chức những nghi lễ riêng. Mỗi lễ đều có những quy định cụ thể về lễ vật, văn khấn, vị trí đặt lễ, người cử hành lễ, người tham dự lễ…

Người Khmer tin rằng những yếu tố tâm linh trong các nghi lễ liên quan đến ghe ngo giữ vị trí quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng của ghe ngo trong các cuộc tranh tài.

Bài và ảnh: Ngọc Tú