07:20 29/07/2021

Vận động viên Olympic trải lòng về nỗi ‘thèm’ khán giả

Trong số những điều khác lạ khi tham gia Olympic giữa thời dịch COVID-19, phải thi đấu trên sân vận động hoàn toàn vắng bóng người hâm mộ có lẽ là điều khó khăn nhất với các vận động viên. 

Hàng ngàn vận động viên dự Olympic Tokyo đang thi đấu trong không gian gần như im lặng. Sự yên tĩnh đặc biệt thể hiện rõ ở bên trong những sân vận động có mái che với hàng chục nghìn chỗ ngồi.

Số ít vận động viên, chẳng hạn như môn đua xe đạp đường trường và chạy marathon, mới có may mắn được hưởng bầu không khí huyên náo từ những khán giả đứng hai bên đường theo dõi họ thi đấu. 

Chú thích ảnh
Khán đài trống vắng khi diễn ra trận bóng chuyền giữa đội tuyển Mỹ và Argentina ngày 29/7. Ảnh: AFP

“Tôi chỉ muốn tiếp năng lượng cho bạn bè và bản thân mình để vượt qua nỗi khó khăn này”, cầu thủ bóng chuyền Mỹ Matt Anderson chia sẻ sau khi hò hét cổ vũ đến nỗi mất giọng cho đồng đội trong trận đấu với Tunisia ngày 28/7. Trên khán đài, chỉ có duy nhất đội bóng chuyền nữ của Mỹ hiện diện để khích lệ họ. 

Theo tờ Bloomberg, ban tổ chức Olympic vào phút chót đã ra quyết định cấm khán giả trong nước vào xem thi đấu, sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo do gia tăng số ca mắc COVID-19. Quyết định không đón khán giả quốc tế đã được chốt từ tháng 3 trong bối cảnh Nhật Bản vẫn đóng cửa phần lớn đường biên giới. 

Đối với vận động viên cử tạ Hidilyn Diaz – người giành huy chương vàng Olympic đầu tiên về cho Philippines, điều này đánh dấu việc cô đạt được thành tích mà không có người thân yêu bên cạnh. 

“Tôi mong muốn có mẹ ở đây, bạn bè tôi ở đây, thật đông người ở đây, nó sẽ là khoảnh khắc tuyệt vời hơn. Tôi đã tưởng tượng như vậy. Song chúng ta cũng phải chấp nhận sự thật này”, Diaz trả lời phóng viên tại Manila ngày 29/7. 

Lệnh cấm khán giả nằm trong một loạt các biện pháp nghiêm ngặt mà ban tổ chức Olympic áp dụng để kiểm soát lây nhiễm. Lệnh cấm này cũng hạn chế các vận động viên ra khỏi Làng Olympic, ngoại trừ đi thi đấu và tập luyện. Họ cũng được yêu cầu thường xuyên kiểm tra nhiệt độ và làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Nếu dương tính, họ bị đưa đi cách ly ngay lập tức và bị cấm thi đấu.

Chú thích ảnh
Không gian vắng vẻ bên ngoài Làng Olympic. Ảnh: Bloomberg

Trong khi các biện pháp phòng dịch trên đã trở nên phổ biến sau hơn một năm xảy ra đại dịch, sự im lặng trên khán đài trong một sự kiện quan trọng như Thế vận hội vẫn khiến nhiều người trăn trở. 

Cầu thủ bóng đá người Mỹ Megan Rapinoe chia sẻ rằng mặc dù có băng rôn, khẩu hiệu cổ vũ nhưng cảm giác không có ai hò reo vẫn hoàn toàn khác lạ. 

Trong môn thể thao như lặn, tiếng khán giả cũng là một thước đo quan trọng để đánh giá thành tích của các vận động viên.

“Khi bạn ngoi lên khỏi mặt nước, bạn nghe thấy tiếng người reo hò. Thật khó khi không có khán giả vì khán giả sẽ mang lại cho bạn sự kích thích”, vận động viên lặn Delaney Schnell, người giành huy chương đầu tiên cho Mỹ trong sự kiện lặn 10 mét dành cho nữ, cho hay. 

Đối với một số vận động viên, việc không thể đi cùng gia đình đến trận đấu và sự vắng mặt của người hâm mộ đồng nghĩa họ mất đi sợ hỗ trợ tinh thần vô cùng quan trọng. Điển hình, vận động viên bóng rổ người Australia Liz Cambage cho biết tinh thần cô không thể chịu đựng được những yếu tố trên nên đã quyết định rút lui.  

Hiệu quả của các biện pháp chống đại dịch sẽ được theo dõi chặt chẽ trong những ngày tới, vì số ca mắc liên quan đến Thế vận hội đã không ngừng gia tăng. Số ca mắc mới COVID-19 ngày 29/7 ở Tokyo đã lên đến 3.865 người, trong khi số ca mắc trên toàn Nhật Bản lần đầu tiên được ghi nhận ở con số 10.000.

Hoàng Trang/Báo Tin tức