Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - Bài 2: Quyết liệt nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

Thực hiện chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Phóng viên TTXVN tại Bạc Liêu đã trao đổi với ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động - một trong những giải pháp góp phần nâng cao chỉ số PCI (lao động tại Xí nghiệp may giày An Hưng - TX. Giá Rai). Ảnh: baobaclieu.vn

Xin ông cho biết thêm về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Bạc Liêu hiện nay?

Theo công bố của VCCI, chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu năm 2017 đạt được 61,09 điểm, tăng 3,43 điểm so với năm 2016 (57,66 điểm). Tuy điểm số tăng nhưng về thứ hạng lại giảm 1 bậc, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố so với năm 2016 (xếp thứ 41), xếp hạng ở nhóm trung bình so với cả nước, đứng thứ 10 so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (trên các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang).

Trong số 10 chỉ số thành phần có 6 chỉ số tăng gồm: Chỉ số gia nhập thị trường đạt được 8,58 điểm, tăng 0,29 điểm so với năm 2016 (8,29 điểm), tăng 41 bậc so với  năm 2016 (năm 2017: xếp hạng thứ 4 trên cả nước, năm 2016: xếp hạng thứ 45 trên cả nước), cao hơn so với mức trung vị của cả nước là 7,84 điểm.

Chỉ số tiếp cận đất đai đạt được 6,55 điểm tăng 0,21 điểm so với năm 2016 (8,29 điểm), mặc dù chỉ số này tăng nhưng bị tụt hạng 12 bậc so với năm 2016 (năm 2017 xếp hạng 20 trên cả nước, năm 2016 xếp hạng 8 trên cả nước), cao hơn so với mức trung vị của cả nước là 6,33 điểm.

Chỉ số tính minh bạch đạt được 6,47 điểm tăng 0,91 điểm so với năm 2016 được 5,56 điểm, tăng 43 bậc so với năm 2016 (năm 2017 xếp hạng 19 trên cả nước, năm 2016 xếp hạng 62 trên cả nước) và cao hơn mức trung vị của cả nước là 6,34 điểm.

Chỉ số tính năng động đạt 6,04 điểm tăng 0,61 điểm so với năm 2016 (5,43 điểm), mặc dù chỉ số này tăng nhưng bị tụt hạng 4 bậc so với năm 2016 (năm 2017 xếp hạng 17 trên cả nước, năm 2016 xếp hạng 13 trên cả nước), cao hơn mức trung vị của cả nước là 5,44 điểm.

Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,77 điểm, tăng 0,69 điểm so năm 2016, mặc dù điểm số của chỉ số thành phần này có tăng nhưng vẫn bị tụt hạng 10 bậc so với năm 2016 (năm 2017 xếp hạng 57 trên cả nước, năm 2016 xếp hạng 47 trên cả nước) và thấp hơn so với mức trung vị của cả nước là 6,61 điểm.

Chỉ số đào tạo lao động đạt 5,25 điểm, tăng 0,41 điểm so năm 2016, mặc dù điểm số của chỉ số thành phần này có tăng nhưng vẫn ở mức thứ hạng 59 trên cả nước.

Bên cạnh đó, 4 chỉ số giảm điểm gồm: Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, trong 4 chỉ số giảm điểm đây là chỉ số giảm điểm, giảm thứ hạng nhiều nhất. Năm 2017, chỉ số này của tỉnh đạt 5,68 điểm, giảm 1,16 điểm so năm 2016 (6,84 điểm), giảm 35 bậc so với năm 2016 (năm 2017 xếp hạng 39 trên cả nước, năm 2016 xếp hạng 4 trên cả nước) và thấp hơn so với mức bình quân của cả nước là 5,94 điểm.

Đây cũng là chỉ số thành phần có điểm số giảm liên tục 2 năm (năm 2016 giảm 0,25 điểm so với năm 2015, năm 2017 giảm 1,16 điểm so với năm 2016). Việc giảm điểm của chỉ số này có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến tổng điểm số và thứ hạng của tỉnh trong năm 2017.

Chỉ số cạnh tranh bình đẳng - đây là chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng thứ 2, trong năm 2017 của tỉnh đạt 5,93 điểm, giảm 0,71 điểm so năm 2016, giảm 9 bậc so với năm 2016 (năm 2017 xếp hạng 11 trên cả nước, năm 2016 xếp hạng 2 trên cả nước), mặc dù điểm số của chỉ số thành phần này giảm điểm nhưng vẫn cao hơn so với mức trung vị của cả nước là 5,14 điểm.

Chỉ số chi phí thời gian - đây là chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng thứ 3, năm 2017 của tỉnh đạt 6,70 điểm, giảm 0,36 điểm so năm 2016, giảm 13 bậc so với năm 2016 (năm 2017 xếp hạng 26 trên cả nước, năm 2016 xếp hạng 13 trên cả nước).

Đây cũng là chỉ số thành phần có điểm số giảm liên tục 2 năm (năm 2016 giảm 0,44 điểm so với năm 2015, năm 2017 tiếp tục giảm 0,36 điểm so với năm 2016), điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến tổng điểm số và thứ hạng của tỉnh trong năm 2017.

Chỉ số chi phí không chính thức, đây là chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng giảm điểm thứ 4, năm 2017 của tỉnh đạt 6,38 điểm, giảm 0,03 điểm so năm 2016, giảm 5 bậc so với năm 2016 (năm 2017 xếp hạng 10 trên cả nước, năm 2016 xếp hạng 5 trên cả nước), cao hơn so với mức trung vị của cả nước là 5,31 điểm.

Bạc Liêu có những cách làm, giải pháp gì để nâng thứ hạng PCI, bởi nhiều năm qua chỉ số PCI của tỉnh luôn đứng ở top cuối?

Thời gian tới, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư và phát triển, góp phần nâng cao chỉ số PCI trong năm 2018 và những năm tiếp theo, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện các giải pháp: Tiếp tục triển khai Chương trình hành động số 01/CTr-UBND của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số PCI năm 2017 đến năm 2020, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.

Bên cạnh đó, đưa Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, xã liên thông thủ tục từ tỉnh xuống huyện, xã; đề xuất phương án triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2018.

Tỉnh tăng cường công tác hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc thành lập Văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ doanh nghiệp, hỗ trợ hồ sơ thủ tục khi doanh nghiệp cần; tiếp tục thực hiện mô hình “cà phê doanh nhân” nơi để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ doanh nghiệp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp nhận phản ánh những khó khăn, vướng mắc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm sản xuất kinh doanh.

Năm 2018, tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Chi nhánh Cần Thơ) tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá và đề ra giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh đến năm 2020.

Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cá nhân làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tỉnh tiếp tục duy trì tổ chức các buổi đối thoại doanh nghiệp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp nhận phản ánh những khó khăn, vướng mắc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm sản xuất kinh doanh.

Bạc Liêu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đăng tải lên phương tiện thông tin đại chúng về chỉ số PCI của tỉnh, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới ban hành; các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cùng với đó tỉnh tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá và đề ra giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 và những năm tiếp theo nhằm triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số PCI đến các cấp, ngành trong tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, ngành trong tỉnh về chỉ số PCI, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút đầu tư của tỉnh, môi trường sản xuất kinh doanh được cải thiện.

Thưa ông, Bạc Liêu có thuận lợi, khó khăn gì trong thực hiện trong công tác giám sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã qua cũng như sắp tới?

Chỉ số PCI của tỉnh năm 2017 đạt 61,09 điểm, tăng 3,34 điểm so với năm 2016, điều này cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh đã có những thuận lợi. Cụ thể, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh năm 2017 đến năm 2020.

Các sở, ban, ngành, đơn vị nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của chỉ số PCI và đã xây dựng được kế hoạch cụ thể hóa các giải pháp của Chương trình hành động số 01/Ctr-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

Trong tổ chức thực hiện có sự phối hợp tương đối nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị dẫn đến các chỉ số thành phần trong năm 2017 đều tăng.

Điều đáng nói là, mặt thứ bậc chỉ số PCI năm 2017, tỉnh xếp thứ 42 chưa phải là thứ hạng cao, nằm trong khu vực các tỉnh có chất lượng điều hành trung bình. Tuy nhiên, có 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm, được đánh giá là tỉnh có nhiều sự cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, năng động và minh bạch trong những năm gần đây.

Mặc dù tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số PCI, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các sở, ban, ngành, đơn vị nhận thức được tầm quan trọng của chỉ số PCI và đã triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần do đơn vị phụ trách nhưng chỉ số PCI của tỉnh vẫn tiếp tục bị tụt hạng. Điều này cho thấy quá trình triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra vẫn còn tồn tại những khó khăn.

Cụ thể, chỉ số PCI của tỉnh năm 2017 đạt 61,09 điểm, tăng 3,34 điểm so với năm 2016 nhưng về xếp hạng lại giảm 1 bậc so với năm 2016. Điều này cho thấy các tỉnh, thành phố đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, tạo được nền tảng, niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.

Trong năm 2017, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhưng kết quả chưa được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 90%, hoạt động theo mô hình gia đình là chính, chưa hiểu rõ về việc đánh giá chỉ số PCI nên ảnh hưởng đến việc đánh giá chỉ số PCI của tỉnh.

Một số cơ quan, đơn vị chưa đánh giá được tầm quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nên việc triển khai thực hiện chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ trực tiếp thực hiện công tác cải thiện chỉ số PCI ở các cơ quan, đơn vị chưa nắm đầy đủ các chỉ số cơ bản và chưa am hiểu sâu về chỉ số PCI cũng như chưa ý thức được trách nhiệm. Một số giải pháp được đề ra chưa thật sự hiệu quả, còn chung chung khó triển khai thực hiện...

Trân trọng cảm ơn ông!

Huỳnh Sử/TTXVN (Thực hiện)
Bạc Liêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân - Bài 1: Điểm sáng về cải cách hành chính
Bạc Liêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân - Bài 1: Điểm sáng về cải cách hành chính

Từ thứ hạng đứng áp chót 5 năm liền, năm 2017, Bạc Liêu “ngoạn mục” đứng top đầu về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), trở thành điểm sáng của cả nước về cải cách hành chính, hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN