TP Hồ Chí Minh: Gia tăng nạn “rút ruột” container

Mặc dù cảng vụ và doanh nghiệp (DN) tại TP Hồ Chí Minh đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, nhưng trình trạng “rút ruột” container vẫn tái diễn và gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

 

Hàng hóa liên tục mất trộm

 

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về an toàn xã hội (PC45) TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận 46 vụ trộm cắp các loại hàng hóa khi vận chuyển bằng container, tổng thiệt hại lên đến 27 tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh giáp ranh với TP Hồ Chí Minh như: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang... cũng liên tục xảy ra nhiều vụ trộm cắp hàng hóa vận chuyển bằng container.


Đại diện của Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết: Chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây, các doanh nghiệp ngành điều mất một lượng hàng trên 5.000 thùng hạt điều các loại, tương đương trên 113 tấn, trị giá khoảng 2 triệu USD. Đó là chưa kể những vụ mất cắp nhỏ lẻ với số lượng khoảng 10 - 15 thùng mà các doanh nghiệp chấp nhận chịu đựng. Đơn cử như vụ mất cắp hàng hóa thiệt hại trên 2 tỷ đồng của Công ty TNHH Hải Nam Phát. Giống như mọi lần xuất hàng, tại cảng ICD Phước Long 2 (quận Thủ Đức), 2 container nhân điều của Công ty Hải Nam Phát xuất khẩu đi Ai Cập đã được nhân viên kiểm định làm thủ tục kiểm đếm, đóng niêm chì. Thế nhưng ngày hôm sau, tại Long Khánh (Đồng Nai), nhân viên kiểm định đã phát hiện ra những lô hàng giống như của Công ty Hải Nam Phát đang bị kẻ gian vận chuyển đến “bến mới”. Tá hỏa trước thông báo trên, Công ty Hải Nam Phát đã kiểm tra lại và phát hiện hai container của công ty chỉ còn 486 thùng, mất tới 1.000 thùng hàng. Kỳ lạ là hai container này vẫn còn nguyên niêm chì và không có dấu vết cậy, phá hay cắt nắp.


Không chỉ hàng hóa xuất khẩu bị “bốc hơi”, thời gian gần đây hàng nhập khẩu cũng bị “rút ruột”. Theo biên bản giải trình của Công ty Dây cáp điện Tai Sin Việt Nam, các container của công ty này liên tục bị mất. Công ty Tai Sin khai báo nhập khẩu 2 container dây đồng từ Malaixia tại Cục Hải quan Bình Dương, nhưng sau đó phát hiện 1 trong 2 container có số niêm phong của hãng tàu không đúng với vận đơn và biên bản bàn giao hàng của Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh). Khi lực lượng hải quan mở niêm phong thì phát hiện toàn bộ số hàng đã “biến mất”. Mới đây nhất, công ty này tiếp tục bị mất hàng nhập khẩu khi lô hàng 20 tấn lõi đồng (tương đương 190.000 USD) chỉ là một container rỗng ruột. Trong khi đó, công ty xuất hàng một mực khẳng định là đã đóng gói và kiểm tra hàng kỹ lưỡng trước khi xuất cảng. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc.

 

Doanh nghiệp cần trình báo sớm

 

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mức độ ăn cắp hàng hóa từ container ngày càng nhiều. Thủ đoạn “rút ruột” container mà các đối tượng này thường áp dụng là lợi dụng sơ hở khi DN không cử nhân viên đi theo quản lý hàng hóa nên các tài xế, phụ xe cấu kết với các băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp tổ chức trộm cắp hàng hóa trong container. Có trường hợp, bọn chúng thành lập công ty vận tải nhỏ, nhận vận chuyển hàng cho các DN hoặc các công ty vận tải lớn để dễ dàng thực hiện các vụ trộm cắp. Trong quá trình vận chuyển, bọn chúng thường chọn địa điểm là kho, bãi đất trống, cây xăng có bãi đậu xe, dừng xe rồi tiến hành cắt, phá khóa niêm phong chì hoặc bản lề container, dùng máy cắt điện cắt nóc thùng container để lấy cắp hàng. Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện nhóm tội phạm chuyên nghiệp mua cả xe đầu kéo để nhận công việc áp tải hàng hóa, sau đó chở luôn container hàng đi bán.


Ông Trần Huy Hiền - Tổng Thư ký Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), cho rằng tình trạng trộm tài sản trên tàu hàng và bến cảng diễn ra nhiều năm nay. Các cảng vụ và doanh nghiệp cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để loại trừ nhưng vẫn chưa ngăn chặn được. Bởi lẽ, thủ đoạn trộm cắp của các đối tượng ngày càng tinh vi, trong khi hành vi này chưa được xử lý theo đúng quy định, người giải quyết không đúng thẩm quyền, mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, để đối phó với nạn mất hàng, hiện một số công ty đã tự hàn bản lề cửa thùng container và đánh dấu bằng ký hiệu riêng. Tuy nhiên, DN bày tỏ mong muốn các cảng cần phải có dịch vụ cân container, hàng hóa khi thông quan cần được cân trọng lượng nguyên container và in kết quả trọng lượng.


Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cũng cho rằng Bộ Giao thông Vận tải cần ban hành cơ chế chính sách quản lý, giám sát các doanh nghiệp hành nghề vận tải hàng hóa container. Yêu cầu 100% đơn vị vận tải container phải có trách nhiệm cung cấp toàn bộ hồ sơ lưu trữ lịch trình xe trong trường hợp cơ quan chức năng yêu cầu.
Mặt khác, đại diện PC45 TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng biện pháp niêm phong và kiểm tra niêm phong hiện nay không đủ mạnh để bảo vệ hàng hóa. Ngoài ra, phương pháp khoán chuyến và tuyến vận chuyển đang tạo điều kiện thuận lợi cho tài xế và lơ xe dừng xe để lấy cắp hàng. Hơn nữa, khi xảy ra mất cắp, DN phải trình báo sớm vì để lâu công an không thể truy thu được tài sản.


Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN