Tập trung nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Hôm qua (17/10), nhân Ngày Quốc tế chống đói nghèo và Ngày Vì người nghèo của Việt Nam, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị “Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015”. Chương trình này nhằm giúp người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ giáo dục, y tế, việc làm có chất lượng để thoát nghèo bền vững.

 

Giảm nghèo chậm ở các nhóm dân tộc thiểu số


Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, những năm qua, việc tập trung thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và các chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Cơ sở hạ tầng của các xã nghèo, huyện nghèo được tăng cường, đời sống người nghèo cải thiện rõ rệt.


Quang cảnh Hội nghị Công bố kế hoạch triển khai Nghị quyết 80 "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015" và khởi động "Dự án hỗ trợ giảm nghèo" (PRPP). Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Mặc dù đánh giá cao thành tựu của Việt Nam, tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cũng chỉ ra một thực tế rất đáng ngại: Tỷ lệ người nghèo tại Việt Nam vẫn còn cao, tình trạng nghèo kinh niên còn tồn tại, đặc biệt trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14% dân số nhưng chiếm tới 54% số người nghèo của cả nước.


Nhìn nhận nghèo là một vấn đề đa chiều, không chỉ căn cứ vào mức thu nhập, theo bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng. Theo số liệu của Tổ chức Liên hợp quốc năm 2012, có trên 50% người dân tộc thiểu số nước ta đang phải sống dưới chuẩn nghèo, trong đó 31% nghèo về lương thực. Tiến độ giảm nghèo ở dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực thu nhập, giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh, nhà ở còn chậm so với mức chung của cả nước. Phụ nữ biết chữ của phụ nữ H’Mông chỉ đạt 22%, trong khi đó tỷ lệ này ở người Kinh là 92%.


Cộng đồng quốc tế hỗ trợ 10,3 triệu USD Quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đã tiếp tục được cộng đồng quốc tế hưởng ứng. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP và Ailen đã tài trợ dự án: “Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011- 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015” với kinh phí là 10,3 triệu USD thông qua tăng cường năng lực kế hoạch triển khai thực hiện và giám sát đánh giá; tăng cường vai trò tham mưu chính sách và điều phối của các bộ, ngành trung ương; thí điểm xây dựng, đánh giá, nhân rộng các mô hình áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo ở địa phương... 8 tỉnh được thụ hưởng dự án gồm: Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Trà Vinh.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, việc giảm nghèo đã và tiếp tục là vấn đề khó khăn với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trước hết, do điều kiện tự nhiên, khắc nghiệt, hay xảy ra thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng này còn lạc hậu. Một lý do khác nữa là đồng bào nơi đây bao đời sản xuất canh tác theo tập tục cũ, không đổi mới cây, con giống. Chất lượng nguồn nhân lực yếu kém cũng là một nguyên nhân. Bên cạnh đó, những bất bình đẳng giới cũng là một trở ngại ảnh hưởng đến hiệu quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Hỗ trợ để người nghèo vươn lên


Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả giảm nghèo, ngày 19/5/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020. Nghị quyết 80 được ban hành là một chương trình khung, trong đó xác định rõ các đối tượng, địa bàn ưu tiên đầu tư. Các chính sách, dự án, chương trình sẽ được thiết kế mang tính hệ thống để tập trung hướng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó ưu tiên cho các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 là một trong các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 80 của Chính phủ.


“Tổng kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012- 2015 là 27.500 tỷ đồng”, ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cho biết. Trong đó, ngân sách trung ương đầu tư trực tiếp là 20.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 74,55%. Số còn lại là các nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động hợp pháp khác.


Để khuyến khích người nghèo tự vươn lên, hạn chế tính trông chờ ỷ lại của người nghèo, ông Ngô Trường Thi cho rằng chính sách cần xuất phát từ nhu cầu của người nghèo, sau đó có hỗ trợ để người nghèo có cơ hội vươn lên. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần làm tốt hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa. Để làm được điều này, theo ông Thi, vai trò của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở là hết sức quan trọng, không chỉ là động viên mà còn phê phán các biểu hiện trông chờ ỷ lại.


Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012- 2015 sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển sản xuất, đời sống, cải thiện điều kiện hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Đồng thời, chương trình cũng sẽ ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng nghèo trong độ tuổi lao động tại hộ nghèo, thôn, bản nghèo, xã nghèo, huyện nghèo. Người nghèo sẽ được nâng cao năng lực tập huấn về mọi mặt như dạy nghề, tạo việc làm, cải thiện an sinh. Ngoài ra, chương trình cũng có những giải pháp tăng cường thay đổi nhận thức về giới. Thông qua đó, gỡ bỏ những quan điểm sai lệch về giới thực hiện giảm nghèo bền vững.


Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN